(KTVN) – Dự án Luật Thủ đô sửa đổi sẽ được chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023).
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND về việc nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và theo dõi đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2023.
Kế hoạch nhằm tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan trung ương và các tỉnh trong Vùng Thủ đô tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi, đánh giá thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết kịp thời đề xuất, kiến nghị các nội dung bổ sung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền bảo đảm phù hợp tình hình phát triển của Thủ đô trong quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi.
Rà soát cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Thủ đô và sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh chính trị của Thủ đô, trên cơ sở đó đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, riêng biệt và hoàn thiện quy định pháp luật, tạo tiền đề phục vụ sự nghiệp xây dựng phát triển Thủ đô.
Kế hoạch bảo đảm xác định nội dung công việc, phân công trách nhiệm của các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng thời, bảo đảm sự phối hợp giữa UBND Thành phố Hà Nội với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh trong Vùng Thủ đô trong tổ chức các hoạt động.
Đối với nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố sẽ lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan trung ương, các tỉnh trong Vùng Thủ đô để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đến khi Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.
Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có yêu cầu “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới”.
PV