Chia sẻ với báo chí về kế hoạch năm 2023 của TP Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng – Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trong đó, Hà Nội sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô gồm thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc – Xuân Mai. Đây phải là những cực tăng trưởng mới của thành phố, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn rất khó khăn, thậm chí là vùng trũng ở xung quanh lên.
Ảnh minh họa
Thành phố cũng sẽ tập trung quy hoạch và đầu tư đưa một số huyện thành quận, trước mắt trong năm 2023 phấn đấu đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận.
Đồng thời, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm; cố gắng sớm đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao Tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội; Đặc biệt phải hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô… Quy hoạch, ban hành quy định để triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ có sử dụng đất.
Liên quan tình hình triển khai Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, ông Đinh Tiến Dũng khẳng định, đây là nhiệm vụ chính trị được trung ương giao phó cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô – một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề. Nhưng chúng tôi quyết tâm làm. Vì dự án không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.
Nói cách khác, Vành đai 4 là lời giải cho bài toán kết nối liên vùng bấy lâu nay. Dự án khi hoàn thành sẽ giúp giải quyết nhiều bất cập đang đặt ra của Thủ đô, nhất là giúp hoàn thiện hệ thống giao thông, khắc phục nạn ùn tắc giao thông đang rất khó khăn tại địa bàn Hà Nội.
PV