21/01/2023

Hội An hướng tới xây dựng Thành phố văn hóa – sinh thái – du lịch

(KTVN 242) – Hội An – thành phố xinh đẹp với những ngôi nhà có kiến trúc cổ kính, con người thân thiện, thiên nhiên ưu đãi. Tại nơi đây, dòng sông Thu Bồn uốn khúc qua những ngôi nhà cũ kỹ và những ngôi chùa phong hóa, trong khi những chiếc thuyền tam bản đến và đi từ bến phà cũ. Bên ngoài Khu Phố Cổ, những con đường hai làn cắt ngang qua những cánh đồng lúa và hiện ra ở bờ biển gợn sóng.

HỘI AN – THÀNH PHỐ CỦA VĂN HÓA VÀ DI SẢN

Hội An là một thành phố nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, một phố cổ giữ được gần như nguyên vẹn với hơn 1.000 di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ… đến các món ăn truyền thống, tâm hồn của người dân nơi đây. Hội An làm say đắm lòng người bởi những nét đẹp trường tồn cùng thời gian, vô cùng mộc mạc, bình dị.

Thêm vào đó, Hội An còn nổi tiếng với vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, hài hòa của những ngôi nhà, bức tường và cả những con đường. Cùng với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, phố cổ Hội An vẫn giữ những nét đẹp xưa cổ trầm mặc rêu phong trong từng mái ngói, viên gạch, hàng cây… như chính nét bình dị trong tính cách, tâm hồn thuần hậu, chân chất của người dân địa phương.

Với lối kiến trúc độc đáo, không gian ngôi nhà ở Hội An luôn thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng mặt trời, con người và thiên nhiên như hòa làm một. Những điều đó đem lại một cuộc sống tự do thoải mái cho người dân địa phương và sự thích thú cho du khách trong chuyến đi du lịch Hội An.

Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Cùng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Đô thị cổ Hội An sẽ trở thành hạt nhân lan tỏa, là nền tảng vững chắc để thực hiện đúng định hướng xây dựng thành phố Văn hóa – Sinh thái – Du lịch.

HỘI AN – QUY HOẠCH HƯỚNG TỚI BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN

Từ những yêu cầu trên, quan điểm chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam về định hướng phát triển không gian lãnh thổ, vùng, liên vùng phải có sự kết nối chặt chẽ giữa các địa phương trong và ngoài Tỉnh, do vậy quy hoạch phát triển của thành phố Hội An sẽ được khớp nối, tích hợp một cách khoa học, hài hòa về không gian phát triển, có hệ thống hạ tầng đồng bộ cho sự phát triển cả vùng phía Nam, phía Đông tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, công tác quy hoạch cần đặc biệt tôn trọng các yếu tố lịch sử – văn hoá truyền thống, gìn giữ cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và cộng đồng được hưởng lợi.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ này, UBND TP Hội An đã ký kết với Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) về việc lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hội An giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hội An cần phù hợp với xu thế quy hoạch của thời đại, gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, có tầm nhìn dài hạn và đảm bảo tính khả thi.

Với nhiệm vụ chính là xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn; lập quy hoạch xây dựng và đô thị, quy hoạch định hướng, quy hoạch chung cho các khu chức năng đặc thù (di tích, di sản, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái, tái định cư), quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch bảo tồn, thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan; Quy hoạch nhà ở nông thôn kết hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tư vấn lập dự án đầu tư và thiết kế xây dựng, khảo sát địa chất, địa hình, môi trường; Tư vấn thẩm tra thiết kế và tổng dự toán, Trung tâm Kiến trúc, Quy hoạch nông thôn (Viện Kiến trúc Quốc gia) được giao phụ trách khảo sát địa hình; khảo sát, lập bản đồ địa hình phục vụ lập đồ án quy hoạch và lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hội An giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Bằng tinh thần trách nhiệm trong công việc, nỗ lực tham vấn các bên liên quan, cùng đội ngũ KTS, chuyên gia quy hoạch của Trung tâm, đồ án quy hoạch TP Hội An do Trung tâm Kiến trúc, Quy hoạch nông thôn thực hiện sẽ mang lại hiệu quả cao trong quản lý Nhà nước, quy hoạch phát triển đô thị bền vững góp phần phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương./.

Ths.KTS Nguyễn Thành Công – Viện Kiến trúc Quốc gia