Viện Kiến trúc Quốc gia với tâm thế mới, vận hội mới
(KTVN 242) – Trước thềm năm mới Quý Mão 2023, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Mai Thị Liên Hương – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) về những định hướng, kế hoạch phát triển đơn vị trong giai đoạn tới.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!
PV: Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển, cùng với những chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống kinh tế xã hội hiện nay, với vai trò là một Viện nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực kiến trúc, Viện trưởng đánh giá như thế nào về cơ hội đối với Viện Kiến trúc Quốc gia trong giai đoạn tới?
PGS.TS Mai Thị Liên Hương: Viện Kiến trúc Quốc gia với hơn 40 năm hình thành và phát triển, đó là cả một bề dày lịch sử với sự đóng góp lớn lao của bao thế hệ lãnh đạo, CBCNV của Viện qua các thời kỳ. Trong suốt hành trình phát triển, Viện luôn là đơn vị tham mưu, phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng thực hiện những nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong mỗi giai đoạn lịch sử.
Viện Kiến trúc Quốc gia luôn xác định nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ để phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng về lĩnh vực Kiến trúc, Bảo tồn, Bảo tàng và Phát triển nền Kiến trúc quốc gia là nhiệm vụ cấp thiết.
Trong đó có công tác tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến thông tin về tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực Kiến trúc và Xây dựng; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hợp tác quốc tế; Thông tin, lý luận và phê bình về lĩnh vực kiến trúc, khoa học công nghệ xây dựng; Kinh doanh và thực hiện các dịch vụ trong lĩnh vực Xây dựng; Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng…
Đánh giá về cơ hội, tiềm năng của Viện Kiến trúc Quốc gia trong giai đoạn tới, tôi thấy có một số điểm nổi bật như sau:
Thứ nhất, Viện đã tham mưu xây dựng Luật Kiến trúc cùng với Nghị định số 85/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung trong Luật Kiến trúc, trong đó có quy định mới được sử dụng là “Quy chế quản lý kiến trúc” cùng với “Danh mục các công trình kiến trúc có giá trị” đã tạo công cụ pháp lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất nhằm phát huy tác dụng quản lý nhà nước trong hoạt động kiến trúc, cũng như bảo vệ các công trình kiến trúc có giá trị.
Với chức năng quan trọng giúp tạo dựng cảnh quan, không gian kiến trúc tổng thể, cụ thể cho cả đô thị và nông thôn, Viện đã tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng, lập quy chế quản lý kiến trúc.
Thứ hai, lần đầu tiên Bộ Xây dựng thực hiện một nhiệm vụ cấp bách với mục tiêu phát triển bền vững, Nghị quyết số 06-NQ/TW được ban hành ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó xác định:“Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hoá đặc trưng được giữ gìn và phát huy”.
Đặc biệt về công tác quy hoạch, khi “Quy chế quản lý kiến trúc” được triển khai đã tạo công cụ quản lý hiệu quả theo quy hoạch nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc địa phương. Trước đó, Viện Kiến trúc Quốc gia cùng các chuyên gia đã thực hiện tham gia hỗ trợ các địa phương lập quy chế quản lý kiến trúc tại: Đà Nẵng, Huế, Lai Châu, Quảng Ngãi, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Giang… Thời gian tới Viện sẽ tiếp tục triển khai mở rộng, lan tỏa việc xây dựng, lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị và điểm dân cư nông thôn trên toàn quốc.
Thứ ba, với sứ mệnh quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc, Viện đã tham gia tại một số đô thị đặc thù như: Đô thị di sản Huế, Hội An và các quần thể di sản kiến trúc như Hoàng Thành Thăng Long, Khu di tích cố đô Hoa Lư… Bên cạnh đó những công trình tín ngưỡng tôn giáo được quan tâm đặc biệt, tín ngưỡng thờ mẫu sau khi UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể, Viện Kiến trúc Quốc gia đã đóng góp một phần nhỏ trong việc tôn tạo, phát huy giá trị di sản như di tích Đền Bảo Hà tại Lào Cai; Tháp Phật Chùa Xã Tắc tại Quảng Ninh; Hoa Nghiêm Bảo Tháp tại Bắc Giang… Qua đó, đã tác động tương hỗ trong quá trình lưu trữ dữ liệu về lịch sử kiến trúc qua các thời kỳ, góp phần giữ gìn bản sắc kiến trúc Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững.
Thứ tư, bên cạnh công tác quy chuẩn, tiêu chuẩn thì thiết kế điển hình cần được quan tâm hơn nữa, thời gian tới Đảng ủy, lãnh đạo Viện sẽ tập trung hướng tới việc đẩy mạnh công tác điển hình hóa để bắt kịp với xu thế hiện nay như xanh, thông minh, ứng phó với biển đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh với các loại hình nhà ở mới, công trình mới trong đó có thiết kế điển hình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trường học miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Thứ năm, ngoài công tác chuyên môn, Viện đã trở thành một đơn vị đào tạo đa dạng trên cả 3 lĩnh vực: Đào tạo Tiến sỹ chuyên ngành kiến trúc; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ tư vấn thiết kế kiến trúc; Phổ biến pháp luật, bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ hoạt động chuyên môn, quản lý địa phương;
Viện cũng là 1 trong 10 cơ sở nghiên cứu về kiến trúc, đủ điều kiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề và thường xuyên tổ chức hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục dành cho KTS.
Qua đó, giúp Viện mở rộng hợp tác với các đợn vị, tổ chức trong và ngoài nước, các cán bộ trong Viện lĩnh hội, tiếp thu nâng cao và hội nhập khu vực, quốc tế về các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng…
Thời gian tới, Viện sẽ phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng dự kiến đồng tổ chức chương trình Triền lãm kiến trúc quốc tế EXPO 2023 diễn ra tại Phú Quốc. Với mục tiêu triển lãm các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực kiến trúc, thiết kế kiến trúc nhà ở, công trình công cộng, bảo tồn di sản…;giới thiệu trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong khai thác, quản lý quy hoạch – kiến trúc – xây dựng và phát triển đô thị – nông thôn; quảng bá hình ảnh, nâng cao thương hiệu và bản sắc kiến trúc Việt Nam tới đông đảo người dân và quốc tế.
Bên cạnh đó, kiến trúc luôn hiện diện trong tất cả các lĩnh vực như quy hoạch, xây dựng, nhà ở, phát triển đô thị, kỹ thuật công trình, hạ tầng…
Trong 3 khâu đột phá chiến lược đã được nêu tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, lĩnh vực kiến trúc quốc gia có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, sự đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là chiến lược phát triển kinh tế – xã hội hàng đầu.
Lĩnh vực hạ tầng là nền tảng thượng tầng có mối quan hệ, tác động tương hỗ giữa hạ tầng kỹ thuật và không gian quy hoạch kiến trúc lại càng trở nên cấp thiết. Thời gian tới, Viện sẽ đóng góp một phần nhỏ ở góc độ chuyên môn vào định hướng chung như Văn kiện đại hội đã nêu.
PV: Vậy đâu là thách thức đối với Viện Kiến trúc Quốc gia trong thời gian tới, Thưa Viện trưởng?
PGS.TS Mai Thị Liên Hương: Chúng tôi xác định mỗi chặng đường phát triển sẽ luôn có những khó khăn riêng và giai đoạn tới Viện Kiến trúc Quốc gia sẽ phát triển như thế nào? Đó cũng là câu hỏi đặt ra cho tất cả cán bộ công nhân viên, người lao động tại Viện.
Trong những năm qua, vấn đề phát triển đô thị và nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp… về thẩm mỹ kiến trúc càng đòi hỏi chức năng nhiệm vụ của Viện luôn cập nhật, lĩnh hội những điềm mới để bắt kịp xu thế.
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt kinh tế xã hội của đất nước, bức tranh kinh tế có nhiều biến động, khó khăn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, Viện Kiến trúc Quốc gia cũng không năm ngoài bối cảnh khó khăn đó.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều vấn đề cấp bách cần phải đặt ra trong công tác nghiên cứu khoa học, vấn đề thực tiễn phục vụ công tác quản lý Ngành của Viện như: Chương trình phát triển nhà ở xã hội; Công tác quản lý và phát triển kiến trúc đô thị và nông thôn; Nghiên cứu, phát triển kiến trúc thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển kiến trúc xanh, thông minh; Công tác chuyển đổi số gắn với hệ thống dữ liệu kiến trúc quốc gia…
Vấn đề phát triển kiến trúc Việt Nam đi đôi với bảo tồn di tích và di sản kiến trúc cũng đang đặt ra nhiều thách thức.
Viện Kiến trúc Quốc gia đang tiến tới kiện toàn, nâng cao năng lực phục vụ công tác quản lý ngành, đáp ứng với những yêu cầu và nhiệm vụ mới, dần hướng tới tự chủ hoàn toàn.
PV: Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình quản lý, Viện trưởng có thể cho biết chúng ta cần làm gì để xây dựng đơn vị phát triển bền vững? Nhân dịp bước sang năm mới, Viện trưởng có thể chia sẻ những hoạch định trong năm 2023, Viện sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm gì?
PGS.TS Mai Thị Liên Hương: Năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng là hoàn thiện thể chế pháp luật với trọng điểm 05 dự án Luật. Bộ Xây dựng cũng đồng thời tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, nhất là quản lý phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Viện Kiến trúc Quốc gia cũng sẽ đóng góp một phần ý nghĩa vào nhiệm vụ chung đó thông qua các lĩnh vực hoạt động của Viện từ nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn trong tư vấn thiết kế kiến trúc, quy hoạch xây dựng, đến đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành, thông tin, lý luận và phê bình lĩnh vực kiến trúc, liên ngành kiến trúc…
Để đáp ứng tốt các nhiệm vụ trên và bắt kịp với xu hướng phát triển của xã hội, năm 2023 Viện sẽ tập trung thực hiện một số nội dung:
Kiện toàn cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ mới của Viện và các đơn vị trực thuộc, sắp xếp vị trí việc làm, tuyển dụng thêm viên chức, hoàn thiện các quy chế, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên, người lao động.
Đầy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn quy chuẩn, tiêu chuẩn, đổi mới tư duy và phương pháp nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc…
Tham mưu xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Quản lý và phát triển đô thị; Xây dựng Định hướng Kiến trúc Việt Nam và những chính sách phát triển nhà ở.
Mở rộng hợp tác trong và ngoài nước, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ; Phổ biến pháp luật, bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ hoạt động chuyên môn, quản lý địa phương.
Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông và lý luận phê bình kiến trúc, gắn kết khối chuyên gia ngành và liên ngành kiến trúc, quy hoạch, xây dựng.
Đẩy mạnh tổ chức sản xuất, dịch vụ tư vấn hỗ trợ các địa phương trong công tác quản lý nhà nước như thiết kế công trình, quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, phát triển đô thị, nhà ở…
Với sự đoàn kết, thống nhất của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện và sự đồng lòng của cả tập thể cán bộ, công nhân viên toàn Viện sẽ luôn quyết tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi tịn tưởng rằng con đường chúng ta đã chọn, có đi ắt sẽ đến!
Nhân dịp Xuân mới Quý Mão 2023 đã đến, xin gửi lời chúc tới lãnh đạo Bộ Xây dựng cùng toàn thể các cán bộ công nhân viên chức của Viện Kiến trúc Quốc gia một năm mới dồi dào sức khỏe, an lành và hạnh phúc. Chúc cho Viện Kiến trúc Quốc gia một năm mới với vận hội mới, thành công mới!
Trân trọng cảm ơn Viện trưởng về những chia sẻ hữu ích!
Thực hiện: Việt Khoa
Thiết kế: Đức Thịnh