Tăng cường quản lý quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị
(KTVN) – Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, trong năm 2023, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng. Đặc biệt, sẽ tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, nhất là quản lý phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các điểm cầu là các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc địa phương, các đơn vị và doanh nghiệp trực thuộc ngành Xây dựng. Chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cùng các Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Bùi Hồng Minh, Nguyễn Tường Văn.
Hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khái quát lại những kết quả ngành Xây dựng đạt được trong năm 2022 và đi sâu phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế của ngành Xây dựng trong năm qua.
Theo Bộ trưởng, năm 2022 là một năm khó khăn đối với ngành Xây dựng, nhưng với quyết tâm cao, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, địa phương, các đơn vị đã chủ động, vượt qua thách thức, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Trong năm 2023, Bộ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật với trọng tâm là hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đảm bảo tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội; Nghiên cứu, xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị, Luật Cấp thoát nước.
Đồng thời, Bộ Xây dựng tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, nhất là quản lý phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Nhấn mạnh những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp sẽ triển khai thực hiện nhằm hoàn thành các kế hoạch được giao của ngành Xây dựng trong năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu: Các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc ở địa phương tăng cường hơn nữa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị; Quyết liệt, quyết tâm cao hơn nữa trong công việc; chủ động sáng tạo linh hoạt, đề xuất các giải pháp; Bám sát các nội dung hoạt động của Bộ; Chấp hành nghiêm các quy định pháp luật; Đoàn kết thống nhất, giữ vững kỷ luật kỷ cương, quy chế thực hiện phối hợp.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phối hợp nhịp nhàng trong công việc với các đơn vị thuộc các Bộ ngành khác, các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp; Quản lý tốt nội bộ cán bộ; Tăng cường trách nhiệm, đạo đức công vụ; Quan tâm công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, tổ chức sinh hoạt Đảng; Tăng cường thanh tra kiểm tra, xử lý các sai phạm; Quan tâm hơn nữa, thực hiện hiệu quả công tác thông tin, truyền thông nhằm định hướng, giải thích chính sách.
Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%
Báo cáo tại Hội nghị, ông Đậu Minh Thanh – Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng ước đạt 8 – 8,5%; Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021; Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25,5 m2 sàn/người, tăng 0,5 m2 sàn/người so với năm 2021; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 94,2%, tăng 2,2% so với năm 2021; Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống còn 16,5%, giảm 0,7% so với năm 2021; Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom xử lý đạt khoảng 15%.
Về vật liệu xây dựng, giá trị sản xuất xi măng ước đạt sản lượng sản xuất đạt 85,36 triệu tấn, giảm 9,92% so với năm 2021, tiêu thụ 87,31 triệu tấn, giảm 9,81% so với năm 2021; sản lượng sản xuất gạch ốp lát đạt 471,5 triệu m2, tăng 8,39% so với năm 2021, sản lượng tiêu thụ khoảng 459 triệu m2 tăng 16,2% so với năm 2021.
Trong năm 2023, ngành Xây dựng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng về xây dựng phấn đấu đạt 6,5 – 7%; Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị ước đạt 42,6%; Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị ước đạt 53,9%; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 96%; Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống khoảng 16%; Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải đạt khoảng 17%; Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 26 m2 sàn/người; Sản lượng sản xuất xi măng khoảng 93,13 triệu tấn.
Đồng thời, ngành Xây dựng sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; Đẩy mạnh công tác các quản lý đầu tư xây dựng, giám sát chất lượng công trình, quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý phát triển đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, quản lý vật liệu xây dựng; Chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại Hội nghị, đại diện các Sở Xây dựng địa phương, các đơn vị và doanh nghiệp thuộc Bộ đã có một số kiến nghị, giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành Xây dựng trong năm 2023.
Cần có tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch đô thị và nông thôn
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, để giải quyết một số vấn đề bất cập trong công tác quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng Hà Nội về phát triển nhà ở xã hội, Sở kiến nghị Bộ Xây dựng cùng các Bộ, ngành nghiên cứu rút ngắn thời gian thực hiện trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sớm rà soát, điều chỉnh suất vốn đầu tư xây dựng của công trình; công bố bổ sung các loại suất vốn đầu tư xây dựng của công trình, chỉ số giá xây dựng của công trình mới đảm bảo phù hợp với thực tiễn cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Ngoài ra, Sở kiến nghị Bộ có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng dự án, một phần dự án kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước; xem xét, bổ sung đối tượng miễn giấy phép xây dựng tại Luật Xây dựng, Luật Thủ đô đối với nhà ở nông thôn…
Về công tác quy hoạch kiến trúc, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng cho rằng, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, khai thác các lợi thế đặc thù của từng địa phương và cần được quy định thống nhất trong cùng một Luật để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, dễ triển khai áp dụng trong thực tiễn.
Liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà và thị trường bất động sản, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Đinh Thế Vinh kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, điều chỉnh lại việc quy định Sở Xây dựng thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ liên quan đến quản lý Nhà nước về công sở, tránh gây chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với Sở Tài chính về quản lý tài sản công.
Về lĩnh vực quản lý hoạt động xây dựng, đại diện Sở Xây dựng Đà Nẵng kiến nghị Bộ hoàn thiện hướng dẫn định mức xác định chi phí, thẩm quyền thẩm định phê duyệt và thành quyết toán các chi phí tư vấn; xem xét sửa đổi các quy định, bổ sung khoản mục chi phí lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng thuộc khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư xây dựng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ông Lê Viết Hải cho rằng: Chính phủ cần tạo điều kiện, có phương án phù hợp để các doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận vốn dễ dàng; tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án để các dự án đó trở nên “sạch”.
Tại hội nghị, các Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã trực tiếp trả lời một số kiến nghị, đồng thời chỉ đạo một số nội dung thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng.
Quang Tuyền