Hà Nội: Tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị
Thành phố Hà Nội sẽ quan tâm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các chỉ tiêu khó, còn hạn chế trong triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.
Chỉ tiêu đầu tư xây dựng 20 chợ khó đạt
Báo cáo tại Hội nghị giao ban quý 3/2022 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2015”, chiều 25/10, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong thông tin: 9 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU đã kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai thực hiện tại dự án xử lý nước thải, rác thải, giao thông quan trọng như: Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; kiểm tra tình hình thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn….
Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đã chỉ đạo quyết liệt công tác cải tạo, chỉnh trang các nhà biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các sở, ngành báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố thông qua nhiều chính sách tổ chức thực hiện một số nhóm chỉ tiêu của Chương trình.
Ban Chỉ đạo cũng đã ban hành Kế hoạch và tổ chức 2 đoàn kiểm tra để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Chương trình tại 8 đơn vị: Sở Quy hoạch Kiến trúc; Sở Công Thương; Quận ủy Ba Đình, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.
Qua kiểm tra, Ban Chỉ đạo đã đánh giá được tình hình thực hiện Chương trình tại các đơn vị và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị phát huy những kết quả đã đạt được, tháo gỡ các khó khăn, khắc phục những tồn tại, hạn chế để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ban Chỉ đạo cũng đã giao các Sở, ngành có liên quan khẩn trương giải quyết các kiến nghị, đề xuất của đơn vị theo thẩm quyền.
Trong 9 tháng đầu năm nay, HĐND Thành phố, Thường trực HĐND Thành phố cũng đã tổ chức nhiều đoàn giám sát, khảo sát của liên quan đến một số chỉ tiêu của Chương trình…
Ban Chỉ đạo Chương trình tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã được giao chủ trì chủ động triển khai các giải pháp để tổ chức thực hiện 19 chỉ tiêu của Chương trình.
Đến nay, một số chỉ tiêu cơ bản hoàn thành như: Hoàn thành xây dựng 2-3 siêu thị, trung tâm thương mại lớn; Phát triển, mở rộng 3-5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ…
Một số chỉ tiêu khác đã thực hiện đạt kết quả như: Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn Thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại (hoàn thành Cơ chế đặc thù); Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954.
Hiện còn một số chỉ tiêu khó đã được Ban chỉ đạo Chương trình tập trung chỉ đạo tháo gỡ như: Đầu tư xây dựng 20 chợ; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố; hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới. Tiếp tục triển khai hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố trong khu vực khu phố cũ; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý 50-55%…
Liên quan đến chỉ tiêu đầu tư xây dựng chợ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Tài chính khi phân bổ ngân sách phải cân đối nội dung chi cho chợ ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn, để có nguồn cải tạo chợ dân sinh, tạo điều kiện kinh doanh buôn bán phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân…
Tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm được giao, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch, tập trung triển khai thực hiện 56 nhiệm vụ trọng tâm.
Về kết quả triển khai thực hiện Quy hoạch Thành phố Hà Nội; rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và các quy hoạch chuyên ngành, Thành phố đã trình Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thànhphố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Về tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, Thành phố tiếp tục tập trung vào công tác chỉnh trang hè, đường phố, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các quận và 5 huyện có đề án lên quận trồng được 33.800 cây bóng mát, 10.300 cây bụi và 3.200 m2 cây mảng thảm cỏ. Đã đôn đốc các đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý cắt tỉa hạ độ cao, chặt hạ cây nguy hiểm, gia cố cọc chống, cắt tỉa tán cây mới trồng trong mùa mưa bão năm 2022…
Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố và các Kế hoạch của UBND Thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Đến nay đã có 14/15 quận, huyện ban hành kế hoạch triển khai.
Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng Đề án phát triển kinh tế đô thị Thành phố Hà Nội làm cơ sở để thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế đô thị Thành phố. Chỉ đạo Sở Công Thương, UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng Đề án thí điểm mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Thực hiện các biện pháp để khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế đô thị. UBND Thành phố đã ban hành quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 83 khu đất với tổng diện tích 82,02ha.
Cùng đó, khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại, lợi thế địa kinh tế của Thành phố thông qua phát triển và vận hành trung tâm lưu chuyển hàng hóa, trung tâm logistic, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại…
Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các chỉ tiêu khó
Để tập trung hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và sau khi rà soát toàn bộ các nội dung của Chương trình, Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy đã tổ chức để các quận, huyện, thị xã và các Ban Quản lý dự án chuyên ngành của Thành phố ký cam kết thi đua thực hiện Chương trình 03-CTr/TU. Qua đó, phấn đấu đảm bảo hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu của Chương trình trong giai đoạn tới.
Các đơn vị cũng nhất trí việc tập trung hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trách nhiệm chủ trì, đặc biệt là các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển và mở rộng đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp, trao đổi, chia sẻ các phương pháp, cách làm hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình; kịp thời động viên khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo, cơ quan thường trực, quận, huyện, thị xã, sở, ngành tập trung cao độ vào triển khai 19 chỉ tiêu.
Đặc biệt, sau khi ký cam kết giao ước thi đua, các đơn vị cần rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, trong đó rà soát cả việc thực hiện các chỉ tiêu ở các xã, phường, thị trấn để Chương trình có tính lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị của Thành phố. Đồng thời, chuẩn hoá các nội dung cụ thể của từng chỉ tiêu; triển khai việc thi đua xuống cơ sở với các nội dung như chỉnh trang vườn hoa, công viên, cây xanh…
Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình cũng tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc và đề nghị tăng cường chủ động phối hợp với các đơn vị để triển khai hiệu quả, cụ thể hơn trong thời gian tới. Tập trung quan tâm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các chỉ tiêu khó, còn hạn chế.
Hồng Minh/Báo Đầu tư