Trước thông tin trên toàn thành phố có 121 công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC do Đại tá Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, dư luận người dân Thủ đô đề nghị Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cần công bố công khai danh sách các công trình này để cử tri giám sát.
Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội Nguyễn Văn Sơn trao đổi với phóng viên báo chí chiều 12/10.
Chiều 12/10, Đại tá Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội – đã có cuộc trao đổi với báo chí xoay quanh vụ cháy xảy ra tại chung cư CT4A, CT4B Xa La, Hà Đông.
Theo thông tin Đại tá Sơn cung cấp, hiện nay, trên toàn thành phố có 121 công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Trong đó, có 68 công trình không đảm bảo về kỹ thuật, thiết kế thi công hệ thống PCCC; 21 công trình không đảm bảo về giao thông, tiếp cận PCCC, an toàn về PCCC; 58 công trình không đảm bảo lối thoát nạn an toàn; 51 công trình không đảm bảo ngăn cháy lan…
Để đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, BBT Báo Xây dựng đã cử phóng viên đến làm việc với Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội thu thập danh sách 121 công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.
Đi ngược lại với mong đợi của dư luận, khi trao đổi với PV Báo Điện tử Xây dựng, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về PCCC thuộc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội “khất” phóng viên để lại câu hỏi và còn phải “chờ” tổng hợp.
Một thông tin khác khiến dư luận không khỏi lo ngại từ kết quả khảo sát của ngành chức năng về nguồn nước công cộng có thể phục vụ chữa cháy ở TP Hà Nội cho thấy: Thành phố có 1.900 trụ cấp nước chữa cháy, hơn 500 hộp, họng, hố ga thu nước, 14 bể trữ nước có dung tích 100 m3 tại các vườn hoa công cộng, 16 nhà máy và trạm cung cấp nước sạch, cùng nhiều ao, hồ. Tuy nhiên, trong 1.900 trụ cấp nước chữa cháy chỉ có 1.100 trụ lấy được nước, số còn lại không lấy được vì nước bơm theo giờ; một số trụ nước bị hoen gỉ, lún nghiêng, xuống cấp, do công tác bảo dưỡng, duy tu chưa được thực hiện thường xuyên, hoặc do quá trình thi công đào đường, lát vỉa hè thiếu cẩn thận trên một số tuyến phố, gây sự cố hỏng hóc.
Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội biết chủ đầu tư có sai phạm trong công tác PCCC, mà không có biện pháp ngăn chặn? Nên đã xảy ra hậu quả như trên.
Ở nhiều địa bàn dân cư cho thấy, nguồn nước không ổn định; có nơi nước chữa cháy sử dụng chung với nước sinh hoạt; hệ thống cấp nước một số khu đô thị, khu công nghiệp chưa hòa mạng với hệ thống cấp nước thành phố như: Khu đô thị Đại Kim – Định Công, khu công nghiệp Sài Đồng- Long Biên, Nguyên Khê – Đông Anh, cụm công nghiệp thực phẩm Hapro – Gia Lâm; một số khu công nghiệp lớn chưa xây dựng trụ nước chữa cháy: Khu công nghệ cao Láng – Hòa Lạc, Quang Minh – Mê Linh, khu công nghiệp Quốc Oai – Thạch Thất. Nhiều hồ chứa nước trong thành phố không có điểm đỗ, dừng xe hút nước chữa cháy, không có biển báo vị trí hố thu nước như các hồ: Thanh Nhàn, Đắc Di, Thành Công, Hai Bà Trưng. Nhiều ao, hồ bị đất cát ứ đọng, hoặc bị lấn chiếm, san lấp bừa bãi; một số bể nước chữa cháy bị mất khóa, mất nắp, rò rỉ, hỏng.
Tại sao đã có quy định phải hoàn thiện, nghiệm thu PCCC, thì chủ đầu tư mới được đưa người vào ở, nhưng Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội lại không đứng ra xử lý vấn đề này? Câu hỏi trên xin được gửi đến Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội.
Anh Minh – Anh Huy/ Báo Xây dựng