26/09/2022

TPHCM đánh giá công tác bán nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước

Văn phòng UBND TPHCM vừa có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi về công tác phân loại biệt thự trên địa bàn TP.

Theo đó, ông Phan Văn Mãi cho rằng hiện Sở Xây dựng TP chưa nêu được những giải pháp chung để quản lý chặt chẽ việc bán các căn biệt thự thuộc sở hữu nhà nước nhằm đảm bảo các quy định pháp luật và tránh thất thoát tài sản nhà nước như nguồn gốc, thời điểm tạo lập, quy hoạch, cách tính giá bán, phân bổ diện tích sử dụng chung, diện tích sử dụng riêng đối với biệt thự có nhiều hộ sử dụng…

Do đó, ông Phan Văn Mãi giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở TN&MT, Sở QH-KT, Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP và các đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá toàn diện công tác bán nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có rà soát hệ thống danh mục chi tiết các căn biệt thự.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần đánh giá căn nào cần phải giữ lại, căn nào đề xuất bán (rà soát chủ trương, cơ sở pháp lý, thẩm quyền quyết định); đề xuất điều kiện, tiêu chí, phương thức tính giá bán, phân bổ diện tích sử dụng chung, diện tích sử dụng riêng đối với biệt thự có nhiều hộ sử dụng) để công khai quy trình giải quyết hồ sơ. Việc này yêu cầu báo cáo UBND TP trước ngày 20-10.

Về công tác phân loại biệt thự trên địa bàn TP, trên cơ sở quy định về tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ (xây dựng trước năm 1975, có giá trị mỹ thuật kiến trúc, lịch sử, văn hóa), Sở QH-KT TP là cơ quan thường trực Hội đồng phân loại biệt thự mời và đề nghị các thành viên Hội đồng phân loại biệt thự tham dự đầy đủ các buổi họp để thực hiện đánh giá, phân loại các biệt thự.

Một căn biệt thự cũ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TPHCM. Ảnh: KC

Việc này để đảm bảo tỉ lệ tham gia ý kiến tập trung cao, đảm bảo việc phân loại chính xác đối tượng cần bảo tồn. Sau đó, tham mưu trình UBND TP ban hành danh mục các biệt thự thuộc nhóm 1 và nhóm 2 để quản lý, bảo tồn theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Về thực hiện giám sát, quản lý xây dựng, bảo tồn đối với các biệt thự cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa được xây dựng trước năm 1975, Sở Xây dựng TP phối hợp với các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn chủ đầu tư tự ý phá dỡ, chia cắt biệt thự bảo tồn trái pháp luật.

Trường hợp để xảy ra việc tự ý phá dỡ các công trình biệt thự bảo tồn, thủ trưởng các cơ quan liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, Sở Xây dựng TP cũng được yêu cầu tham mưu đề xuất việc quản lý, sửa chữa, bảo vệ các công trình biệt thự thuộc nhóm 1, nhóm 2. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách, quy định hỗ trợ của Nhà nước trong việc kiểm định, trùng tu, bảo dưỡng, sửa chữa đối với các biệt thự thuộc nhóm 1 và nhóm 2 theo quy định.

Kiên Cường/Pháp luật TPHCM