Hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai
Sáng 22/9, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, sau gần 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, Luật cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, hiệu quả sử dụng đất; chưa giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Vi phạm về đất đai còn diễn biến phức tạp; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện…
Việc sửa đổi Luật Đất đai nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất.
Đồng thời, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh; thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số.
Quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện trên quan điểm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; bảo đảm kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan…
Về các nội dung đổi mới cơ bản, dự thảo Luật làm rõ phạm vi quy định của Luật Đất đai với các luật khác có liên quan; quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tiếp cận đất đai; tiếp tục thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất; giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư…
Cần thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn các quan điểm đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm đã được đề ra trong Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 69 và Điều 70 dự thảo Luật, bảo đảm các nguyên tắc theo quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Về tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị trong quá trình soạn thảo cần lưu ý bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Đề nghị rà soát, đánh giá kỹ hơn về tính tương thích của dự thảo Luật với với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật và thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Về nội dung người sử dụng đất quy định tại Điều 6 dự thảo Luật, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa quy định về người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng không đề cập đến vấn đề công nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Do đó, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể hơn đối với nội dung này, trường hợp cần thiết cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quy định cụ thể trong dự thảo Luật.
Đối với việc giao “Chính phủ quy định tiêu chí và quyết định khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh”, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc hạn chế quyền tiếp cận đất đai liên quan đến việc hạn chế quyền của công dân.
Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá kỹ tác động của quy định này; cân nhắc nên quy định các tiêu chí ngay trong dự thảo Luật mà không giao Chính phủ quy định chi tiết.
Văn Toản – Duy Linh/Báo Nhân dân