07/10/2015

Sự chuyển tải thành công không gian đô thị mở đặc trưng của Sài Gòn – TP.HCM trong quy hoạch xây dựng KĐTM Phú Mỹ Hưng

Sự hình thành Khu đô thị mới Nam TP. HCM và Khu Phú Mỹ Hưng
Ngay từ đầu những năm 90, sau khi đồ án quy hoạch “Tổng mặt bằng Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đến năm 2010” được phê duyệt vào năm 1993, TP.HCM đã quyết định nghiên cứu mở rộng không gian phát triển đô thị về các hướng mới, trong đó có chủ trương tiến về phía Nam hướng ra biển Đông với việc quy hoạch phát triển tuyến đường Nguyễn Văn Linh và Khu đô thị mới Nam Thành phố. Trục đường Nguyễn Văn Linh trong quy hoạch phát triển TP.HCM vừa đóng vai trò là một trong những tuyến đường vành đai quan trọng nhất, vừa là trục đường xương sống để phát triển một chuỗi, một hành lang đô thị mới trên diện tích 3600ha ở phía Nam Thành phố. Phải khẳng định: đây là một trong những thành công lớn nhất trong quá trình Quản lý phát triển đô thị với một tầm nhìn mang tính chiến lược.

Crescent(night)
Bước vào công cuộc “Đổi mới và Hội nhập”, TP.HCM là một trong những đô thị đầu tiên trên cả nước đã nghiên cứu để kêu gọi đầu tư các Khu đô thị mới, nhằm tạo động lực cải tạo và phát trển đô thị. Khi đó, TP.HCM đã xin Chính phủ cho phép lập quy hoạch theo kiểu “Quy hoạch phân khu” như quy định trong Luật Quy hoạch đô thị hiện nay (không theo các ranh giới quản lý hành chính quận – huyện mà trên một khu vực có tiềm năng và động lực phát triển nằm trên địa bàn của cả 4 quận – huyện).
Được sự cho phép của Chính phủ, tháng 7/1993 Công ty Phú Mỹ Hưng tổ chức cuộc thi Quốc tế thiết kế quy hoạch Đô thị mới. Công ty Mỹ Skidmore, Owings & Merrill (SOM-Mỹ) được chọn làm nhà quy hoạch tổng thể. Bên cạnh đó, còn có sự góp sức và tư vấn kỹ thuật của hai công ty: Koetter Kim & Associates (Boston – Mỹ) và Kenzo Tange & Associate (Tokyo – Nhật Bản). Đây là một trong các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp nên việc triển khai nghiên cứu khá thuận lợi và bài bản, chất lượng đồ án tốt.
Đồ án quy hoạch đô thị được SOM thực hiện với tầm nhìn chiến lược, được nghiên cứu đầy đủ các góc độ về kinh tế – xã hội – môi trường và có sức thuyết phục đối với các nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính cũng như về quản lý phát triển dự án nên đã có được sự thành công như ngày hôm nay.

Mặt bằng tổng thể Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng

Mặt bằng tổng thể Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng

Nói một cách khác là, ngay từ khi nghiên cứu một đồ án quy hoạch đô thị, nhà đầu tư khu đô thị mới và đơn vị tư vấn quy hoạch đã phải nghiên cứu để khi tiến hành đầu tư xây dựng thỏa được quyền lợi của các bên: Nhà nước, người dân và chủ đầu tư thứ cấp thì khả năng triển khai toàn bộ dự án trong thực tế sẽ thuận lợi và chúng ta mới có thể quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.

Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng – Sự chuyển tải thành công những không gian đô thị mở đặc trưng của Sài Gòn xưa vào một khu đô thị mới – hiện đại
Với những ai đã từng một lần đặt chân tới Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh có thể quên tên một vài con đường, một vài góc phố nhưng không thể quên dòng sông Sài Gòn như một dải lụa lớn uốn lượn, lúc “Ôm ấp”, có lúc “Bao bọc” kết nối không gian cây xanh-mặt nước hai bên bờ. Làm sao quên được các con kênh như: Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Bến Nghé-Tầu hũ, Tân Hóa-Lò Gốm… như những dải lụa nhỏ nối kết những không gian kiến trúc-cảnh quan đô thị bằng những cây cầu nổi tiếng như: Cầu Mống, Cầu Nhị Thiên Đường… Không thể quên được những cái tên như: Thảo cẩm viên, Tao Đàn… những không gian xanh rộng mở.
Chính những dòng sông, hệ thống kinh rạch và những mảng xanh đó cùng với biết bao công trình kiến trúc đặc sắc… được xây dựng hàng trăm năm qua đã “Hòa quện” vào nhau tạo nên một không gian đô thị thực sự “Sống động”, một khung cảnh tấp nập “Trên bến dưới thuyền” đặc trưng của không gian đô thị mở Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh.
Trong nhiều khu đô thị mới được xây dựng trong thời gian qua, phải khẳng định Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (PMH) với quy mô diện tích hợp lý đã chuyển tải thành công những không gian đô thị truyền thống Sài Gòn xưa vào một khu đô thị mới với những công trình kiến trúc mang phong cách hiện đại, mang nhiều nét đặc trưng của xu thế phát triển đô thị xanh – bền vững. Nhìn vào Mô hình tổng thể Khu đô thị mới PMH ta như thấy một Khu trung tâm Sài Gòn thu nhỏ với việc khai thác ưu thế cảnh quan của các dòng kênh to nhỏ khác nhau để vừa tạo thành những dòng chảy “Uốn lượn”, vừa tạo nên một Hồ Bán nguyệt ở khu vực trung tâm với nhiều mảng xanh trải dài và cây Cầu Ánh sao rực rỡ. Các công trình kiến trúc từ nhà ở cao tầng đến các công trình công cộng thấp tầng đều được bố trí khá hợp lý với tầm nhìn mở rộng ra các không gian cây xanh-mặt nước.

Không gian trung tâm, KĐTM Phú Mỹ Hưng, TP Hồ CHí Minh

Không gian trung tâm, KĐTM Phú Mỹ Hưng, TP Hồ CHí Minh

Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng – Tạo dựng nhanh một bức tranh đô thị hoàn chỉnh thông qua công tác quản lý phát triển đô thị chuyên nghiệp
Khu đô thị mới PMH đã khá hoàn chỉnh để ngay từ năm 2007 đã được công nhận là “Khu đô thị kiểu mẫu” của cả nước.
Đó là sự thành công trong công tác quy hoạch để có được “Bức tranh” đô thị với nhiều “Sắc mầu” ngày hôm nay, đầu tiên phải nói tới sự đột phá của TP.HCM trong công tác quản lý phát triển đô thị, qua đó phá vỡ quan niệm cứng nhắc về ranh giới của các đồ án quy hoạch đô thị thường phải theo ranh giới quản lý hành chính mà cụ thể là ranh giới quận-huyện, phường-xã. Quy hoạch của PMH không bị giới hạn bởi những ranh giới này, tạo điều kiện phát huy được các lợi thế vốn có của khu vực như cây xanh, mặt nước… cũng như có thể áp dụng được các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch đô thị hiện đại.
Xét về khía cạnh giao thông và hạ tầng kỹ thuật vốn là yếu tố quan trọng bậc nhất trong quá trình phát triển đô thị, đại lộ Nguyễn Văn Linh được đầu tư xây dựng mới (với qui mô 14 làn xe cho cả 2 chiều, khoảng giữa 2 hướng dự phòng cho các tuyến giao thông công cộng vận chuyển hành khách khối lượng lớn sau này) chính là bước thực thi đầu tiên theo quy hoạch của PMH. Tuyến đường đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược của dự án.

Với qui mô khoảng 450ha, với đầy đủ các chức năng để trở thành trung tâm tài chính thương mại quốc tế, dịch vụ, có chức năng nhà ở, vui chơi giải trí, văn hóa, khoa học, kỹ thuật cao và du lịch không chỉ phục vụ cho TP.HCM mà còn cho các tỉnh thành lân cận trong khu vực.
Toàn bộ Khu đô thị mới PMH được triển khai nhanh gọn, dứt điểm theo hình thức “Cuốn chiếu”. Hầu hết các công trình, dự án được tổ chức triển khai hoặc kêu gọi đầu tư một cách nhanh chóng. Một phần do năng lực tài chính tốt và năng lực quản lý điều hành của Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, một phần do thu hút được các nhà đầu tư là các tập đoàn, công ty lớn như Unilever, Vinamilk… củng có nguồn tài chính ổn định để triển khai các dự án đúng tiến độ và đảm bảo các quy định, quy chuẩn quy hoạch được đề ra, góp phần hình thành một bộ mặt chung của khu đô thị. Tuy nhiên các khu ở mới là thành phần quan trọng của Khu đô thị mới PMH. Có thể phần nào trùng hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của thành phố trong thời điểm hình thành các khu ở này: khi đó, với mô hình thiết kế các khu ở hiện đại, đảm bảo chỉ tiêu cây xanh, giao thông thông thoáng, cộng đồng văn minh, kiến trúc đồng bộ … đã thu hút sự quan tâm của bộ phận dân cư không nhỏ vốn bắt đầu cảm thấy điều kiện sinh sống ở các khu cũ đã lạc hậu, chật chội cũng như thiếu các tiện ích công cộng. Việc này đưa đến sự phát triển đồng loạt các khu vực được quy hoạch làm nhà ở, bao gồm thấp và kể cả cao tầng.
Xác lập các giới hạn xây dựng theo hướng ưu tiên không gian công cộng vừa gia tăng lợi ích cho cộng đồng lại vừa góp phần dự trữ đất đai. Đặc biệt là các khu vực tiếp giáp sông nước. Đây có thể xem là một quan điểm hoặc một kinh nghiệm hay trong công tác phát triển đô thị của chủ đầu tư. Chính điểm này đã góp phần đem lại tính nhân văn của khu đô thị, đề cao giá trị cộng đồng mà đa số các dự án khác chưa thực hiện được một cách triệt để như trường hợp ở Khu đô thị mới PMH.
Phong cách kiến trúc đặc trưng và có chất lượng đối với hầu hết các công trình xây dựng. Bên cạnh đồ án quy hoạch đô thị hợp lý, có điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh chung, là môt sự cân nhắc, thiết kế cẩn thận đối với từng công trình để tìm kiếm một lối kiến trúc đặc thù, hiện đại và hài hòa với cách sống của người dân Việt Nam. Bản thân các nhà đầu tư thứ cấp vào khu đô thị này cũng tự có nhận thức về giá trị cao của công trình nên hầu hết kiến trúc tại đây đều được thiết kế cẩn trọng bởi các nhà thiết kế danh tiếng.
Như vậy, phương thức thực thi quy hoạch tại Khu đô thị mới PMH được xem là thành công vì hội tụ được nhiều yếu tố từ chủ trương, chính sách, kết hợp với khía cạnh kỹ thuật và xuyên suốt cả quá trình chính là yếu tố con người trong công tác quản lý. Nói một cách khác, một trong những bài học về sự thành công của công tác quản lý phát triển các khu đô thị mới theo quy hoạch tại TP.HCM chính là Khu đô thị mới PMH. Đây là một trong những ví dụ khá điển hình của một tầm nhìn chiến lược về phát triển đô thị, của một đồ án quy hoạch đô thị được nghiên cứu khá tốt bởi một công ty tư vấn có năng lực và kinh nghiệm. Bên cạnh đó là vai trò của nhà đầu tư, không chỉ có năng lực tài chính mà còn rất có kinh nghiệm trong quản lý phát triển dự án.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, thật sự không khó khăn để nhận thấy các khâu và chế độ quản lý, thiết kế quy hoạch, công nghệ thi công, chọn lựa vật liệu xây dựng tại Khu đô thị mới PMH luôn có nhiều tiến bộ. Bên cạnh đó còn có những cải tiến, đưa các tiêu chuẩn quy phạm xây dựng và thiết kế công trình cấp quốc tế vào áp dụng. Việc này phản ánh sự nhạy bén và trình độ của bộ máy quản lý./.

PGS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Tạp chí Kiến trúc Việt Nam