05/10/2015

Những tín hiệu vui từ Luật Nhà ở

Sau khi được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, từ ngày 1/7/2015 Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực. Việc sửa đổi Dự án Luật Nhà ở lần này đã được dư luận đánh giá cao, với những nét thay đổi có tính bước ngoặt.


Dư luận nhân dân rất quan tâm tới những thay đổi mang tính chiến lược của Luật Nhà ở 2014.

Nín thở chờ Nghị định

Vào tháng 7/2015, Bộ Xây dựng đã ban hành công văn số 1436/BXD-QLN hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 và Luật Kinh doanh BĐS số 66/2014/QH13 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8. Theo đó, đối với Luật Nhà ở 2014, tại công văn số 1436/BXD-QLN Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện về quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở; phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở công vụ; phát triển, quản lý và sử dụng nhà ở tái định cư; chính sách nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng nhà chung cư; sở hữu nhà ở tại Việt Nam của các tổ chức, cá nhân nước ngoài…

Theo đó, về quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở quy định: Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Nhà ở năm 2014 mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư thì trước khi lập, phê duyệt dự án, việc quyết định chủ trương đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư nhưng phải có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng nếu là dự án đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn nhà nước của Trung ương hoặc dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Có ý kiến thẩm định của Sở Xây dựng nếu là dự án đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn nhà nước của địa phương hoặc dự án do UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Nhà ở năm 2014 mà không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư thì việc chấp thuận chủ trương đầu tư được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2005 và các văn bản thực hiện Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Bộ Xây dựng.

Về chính sách nhà ở xã hội, các quy định về đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội, hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, các ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở được thực hiện theo Luật Nhà ở 2014.

Đối với việc đầu tư xây dựng hoặc mua nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội và việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội thực hiện theo quy định tại Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Thông tư số 08/2014/TT-BXD ngày 23/5/2014 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 188/2013/NĐ-CP.

Về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở công vụ, đối với việc lập, chấp thuận kế hoạch phát triển nhà ở công vụ; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, xác định quỹ đất để xây dựng nhà ở công vụ, việc mua, thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ, việc xác định đối tượng, điều kiện được thuê nhà ở công vụ, quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ thì thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014.

Riêng trình tự, thủ tục bố trí cho thuê nhà ở công vụ của Chính phủ, thực hiện theo quy định tại Quyết định 695/QĐ-TTg ngày 07/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, bố trí cho thuê nhà ở công vụ của Chính phủ; đối với các đối tượng khác, thực hiện theo quy định của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP và Thông tư số 01/2014/TT-BXD ngày 16/1/2014 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nhà ở công vụ.

Về phát triển, quản lý và sử dụng nhà ở tái định cư, các nguyên tắc, hình thức bố trí nhà ở, xác định quỹ đất để xây dựng nhà ở, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, việc mua nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư, việc xác định loại nhà, tiêu chuẩn diện tích và việc quản lý chất lượng nhà ở để phục vụ tái định cư được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014.

Nhà đầu tư ngoại mong chờ chính sách

Về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, các quy định về đối tượng, điều kiện được sở hữu, thời hạn sở hữu, số lượng, loại nhà, khu vực được sở hữu nhà ở, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở, trình tự, thủ tục mua bán, thuê mua nhà ở thương mại của tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở 2014. Đối với trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Theo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện số lượng người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn, ước tính trên 4 triệu người. Do vậy đây là nguồn lực lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Lượng kiều hối về cả nước khoảng 10-12 tỉ USD/năm, riêng TP HCM chiếm 50% lượng đó. Trong đó có 70% kiều hối được đưa vào đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong đó có bất động sản.

Luật sư Nguyễn Văn Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: Mặc dù Luật Nhà ở đã có hiệu lực hơn ba tháng, nhưng có thể thấy nút thắt lớn nhất đối với người dân là thiếu nghị định và thông tư hướng dẫn chi tiết Luật. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu, bàn thảo để chính thức ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Bộ Xây dựng đã có công văn hướng dẫn thực hiện về một số lĩnh vực nhà ở là rất kịp thời đáp ứng các vấn đề cần thiết trong khi có Nghị định mới.

Được biết, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014, cũng chỉ một thời gian ngắn nữa Chính phủ sẽ ban hành các Nghị định nói trên.

Vũ Chiến/ Báo Xây dựng