Thanh khoản kém, vì sao giá đất vẫn khó giảm?
Dù hoạt động thanh khoản trên thị trường bất động sản không mấy khả quan nhưng giá đất vẫn tăng trong thời gian gần đây. Chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, giá bất động sản vẫn khó giảm.
Giá bất động sản vẫn tăng là vô lý
Sau Tết Nguyên đán, tình trạng nhiều dòng tiền liên tục đổ dồn vào bất động sản đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước tăng lên chóng mặt, bắt nguồn từ nỗi lo lạm phát, nhiều người tìm đến bất động sản làm nơi trú ẩn. Cơn sốt đất lúc bấy giờ xuất hiện ở các tỉnh như Bình Phước, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Bắc Giang, Bắc Ninh… và nhiều khu vực xung quanh TP. HCM, Hà Nội. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại, các cơn sốt đất đã được kiểm soát nhưng đã tạo ra nghịch lý, dù thanh khoản thấp nhưng giá bất động sản vẫn tăng.
Anh Đỗ Tiến, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, thời gian qua, khi biết được thông tin bất động sản đã hạ nhiệt, anh cũng đi khảo giá thử ở một vài khu vực. Nếu tìm được mảnh đất ưng ý, anh Tiến sẽ xuống tiền mua.
“Tôi đi khảo giá ở Bắc Giang, ven Hà Nội, Thái Nguyên,… nhận ra một nghịch lý dù các phòng môi giới bất động sản vắng khách, giao dịch thành công hiếm nhưng mức giá vẫn tăng so với Tết Nguyên đán từ 7 – 10%”, anh Tiến nói.
Anh Tùng, môi giới bất động sản lâu năm tại Hà Nội cho biết, hiện nay mới là thời điểm đầu của giai đoạn mới nên nhiều người vẫn chưa có quá nhiều áp lực tài chính. Do đó, họ vẫn hét giá cao nếu có người mua thì sẽ bán.
“Hiện nay, đã xuất hiện tình trạng cắt lỗ, nhưng đến từ những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, mảnh đất có vị trí xấu,… Tuy nhiên, vẫn chưa xảy ra hiện tượng bán tháo. Còn những mảnh đất vẫn được hét giá tăng lên thường của những người chưa có nhu cầu bán, họ vẫn nói giá cao nếu có người ưng thì sẽ bán, không thì vẫn để đấy”, anh Tùng nêu.
Tuy nhiên, người môi giới này cho rằng, ở thời điểm hiện tại nếu không có quy hoạch hạ tầng mới, dự án mới triển khai,… Trong khi đó, tín dụng bất động sản đang được kiểm soát chặt nhằm hạn chế đầu cơ, thổi giá đất, mà giá đất vẫn tăng là điều vô lý. Do đó, để an toàn cho số vốn nhà đầu tư cần chờ thêm thời gian theo dõi các tín hiệu mới từ thị trường bất động sản
Giá bất động sản khó giảm trong ngắn hạn
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, mặc dù lượng quan tâm đến bất động có dấu hiệu giảm nhiệt tại nhiều tỉnh thành trong quý II so với cùng kỳ nhưng trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá bất động sản giảm. Ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn. Vì vậy, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác.
Theo ước tính của chuyên gia, thị trường đất nền toàn quốc trong quý II/2022 ghi nhận mức độ quan tâm giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 5% so với quý II/2019 – thời kỳ trước dịch COVID-19.
“Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá bất động sản tăng hay không là nhu cầu của thị trường. 80% lượng giao dịch, tìm kiếm bất động sản tập trung tại Hà Nội và TP HCM. Tốc độ đô thị hóa từ hai đô thị này cao và đông dân cư, do đó nhu cầu về nhà ở vẫn cao”, ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.
Còn theo ông Neil MacGregor,Tổng giám đốc Savills Việt Nam, giá bất động sản tăng cho đến khi nguồn cung trên thị trường được cải thiện.
Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng tình trạng đầu cơ diễn ra ở nhiều địa phương khiến giá thị trường nhà ở không hướng tới người mua cuối cùng. Điều này dẫn đến xã hội và nền kinh tế phát triển không lành mạnh trong dài hạn, quỹ đất tại các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội để phát triển dự án còn ít, dễ bị thao túng, từ đó có khả năng hình thành nguy cơ bong bóng bất động sản.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa cũng cho rằng muốn chặn đà tăng giá nhà ở phải bắt nguồn từ việc điều tiết cung-cầu trên thị trường bất động sản. Nếu vấn đề này không được giải quyết thì các biện pháp tài chính cũng chỉ tác động đến một vài nhóm nào đó trong quá trình vận hành.
Minh Tâm/Nhịp sống kinh tế