01/10/2015

Xây dựng 3 trung tâm công nghệ sinh học ngang tầm thế giới

Theo quy hoạch mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam sẽ xây dựng và phát triển 3 trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam có đủ năng lực tiếp thu, làm chủ, tiến tới sáng tạo các công nghệ nền của công nghệ sinh học.


Phòng nuôi cấy tế bào thực vật tại Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Ba trung tâm công nghệ sinh học này có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế; có đội ngũ nhân lực đủ khả năng giải quyết các nhiệm vụ mang tầm chiến lược quốc gia, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu công nghệ tạo các sản phẩm chất lượng cao cho sản xuất quy mô pilot (sản xuất thử nghiệm) và quy mô công nghiệp.

Tùy vào quy mô, cơ cấu tổ chức, giai đoạn phát triển, mỗi trung tâm có trung bình từ 200-500 cán bộ khoa học công nghệ làm việc.

Trong đó, giai đoạn 2016-2020, đầu tư nâng cấp Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thành Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia miền Bắc; đầu tư bổ sung cho Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia miền Nam; đầu tư ban đầu phát triển cơ sở hạ tầng cho Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia miền Trung.

Tiếp tục phát triển mạng lưới, đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cho 10 phòng thí nghiệm công nghệ sinh học trọng điểm cấp quốc gia để có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ.

Mỗi phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia có từ 40-50 cán bộ có trình độ chuyên sâu về công nghệ sinh học.

Xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm công nghệ sinh học (kể cả công lập và ngoài công lập) thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành trên cơ sở quy hoạch tổ chức khoa học và công nghệ công lập và phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực.

Tập trung đầu tư một số viện, trung tâm công nghệ sinh học mạnh của bộ, ngành có cơ sở vật chất hiện đại đạt trình độ khu vực và quốc tế, có nguồn nhân lực đủ trình độ để giải quyết các nhiệm vụ cụ thể.

Các viện, trung tâm này hợp tác, liên kết với các trung tâm cấp quốc gia trong việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra tại các trung tâm cấp quốc gia.

Mỗi tổ chức này có khoảng 50-100 cán bộ có trình độ chuyên môn về công nghệ sinh học.

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm công nghệ sinh học trực thuộc các viện, trung tâm nghiên cứu chuyên ngành hoặc theo vùng để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

Quy mô của các phòng thí nghiệm có khoảng 20-30 cán bộ chuyên môn về công nghệ sinh học.

Xây dựng mạng lưới các tổ chức nghiên cứu triển khai, các phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học (kể cả công lập và ngoài công lập) trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiếp thu, ứng dụng và chuyển giao trên địa bàn kết quả nghiên cứu của các viện, trung tâm nghiên cứu cấp quốc gia, cấp bộ, ngành.

Theo Vietnamplus