Chuẩn bị nền tảng cho việc du học kiến trúc – P.2
Trong Phần 01 của bài viết này, tôi đã phân tích và chia sẻ một số kinh nghiệm với các bạn về những vấn đề cần dành thời gian suy nghĩ khi có mong muốn đi du học ngành kiến trúc. Ôn lại một chút, khi bắt đầu có ý tưởng đi du học, bạn nên suy nghĩ cẩn thận và phân tích kỹ lưỡng, trả lời những câu hỏi sau: Tại sao phải đi du học? Thời điểm bắt đầu? Du học bằng ngoại ngữ nào? Du học ở đâu? Cần phải chuẩn bị những gì?
Phần 02 tôi sẽ cùng các bạn tiếp tục phân tích câu hỏi cuối cùng. Phần 02 này rất quan trọng vì đề cập đến những vấn đề rất thiết thực. Tôi mong các bạn đọc hết và đọc kỹ mặc dù có thể sẽ hơi mệt vì bài dài (12 trang giấy A4), tôi không muốn lại chia nhỏ nữa ra vì phần này chỉ trả lời một câu hỏi:
CẦN PHẢI CHUẨN BỊ NHỮNG NỀN TẢNG GÌ CHO VIỆC DU HỌC?
Nộp hồ sơ đăng kí vào một trường đại học của Mỹ không đơn giản như ở Việt Nam. Ở Việt Nam, bạn chỉ cần làm hồ sơ, điền các thông tin cá nhân, nguyện vọng học rồi đợi đến kỳ thi 3 môn là xong thì ở Mỹ, thủ tục đòi hỏi nhiều công đoạn và thời gian hơn vậy rất nhiều. Chính vì vậy, khi bắt tay vào chuẩn bị kế hoạch du học, nhiều bạn sẽ cảm thấy không biết phải làm gì vì…có quá nhiều thứ phải làm. Cũng có nhiều bạn không biết gì về yêu cầu của các trường đại học ngoài một điều chắc chắn là phải có “tốp phờ” hoặc “ai eo.”
Hồ sơ xin học gửi cho một trường đại học gồm nhiều thành phần, tùy thuộc vào cấp học (đại học, cao học) hay ngành học. Để các bạn có cái nhìn tổng thể hơn về những thứ cần chuẩn bị thì có lẽ ta lại đi làm một phép suy ngược, xem xét các trường đòi hỏi những gì để suy ra chúng ta cần chuẩn bị những gì. Như tôi đã nói trong bài giới thiệu blog, series DREAMSnPLANS sẽ tập trung vào việc xin học cao học kiến trúc nên những gì tôi liệt kê dưới đây là yêu cầu phổ biến của các trường đối với sinh viên xin học Thạc sĩ Kiến Trúc (Master of Architecture). Thường các trường sẽ yêu cầu thí sinh nộp những tài liệu sau:
– Mẫu đăng kí trực tuyến (Online Application Form) yêu cầu bạn điền đầy đủ thông tin cá nhân, gia đình, ngành học mong muốn…
– Bảng điểm (Transcripts of records) của chương trình đại học và các chương trình cao học đã học (nếu có)
– Bằng tốt nghiệp (Diploma) đại học và các chương trình cao học đã học (nếu có)
– Thư giới thiệu (Letters of Recommendation) viết bởi thày, cô giáo và của người quản lý ở cơ quan (nếu ứng viên đang đi làm)
– Chứng chỉ Tiếng Anh TOEFL/IELTS với điểm số đáp ứng điểm tối thiểu yêu cầu mà trường yêu cầu
– Chứng chỉ bài thi GRE (Graduate Record Exam) với điểm số đáp ứng số điểm tối thiểu yêu cầu mà trường yêu cầu (hầu hết các trường yêu cầu ứng viên có điểm GRE nhưng cũng có trường không đòi hỏi).
– Bài luận về mục đích học tập (Statement of Purpose – SOP) và/hoặc bài luận cá nhân (Personal Statement) có trường đòi hỏi cả hai, có trường chỉ đòi một trong hai.
– Porfolio (là một tài liệu bao gồm các hình ảnh hay chữ viết về những đồ án bạn đã từng làm, có thể dịch là “hồ sơ năng lực” nhưng không phổ biến, trong giới kiến trúc, thiết kế, portfolio được dùng phổ biến)
– Sơ yếu lý lịch (còn gọi là resume hoặc curricular vitae – CV).
Những tài liệu mà các trường yêu cầu bạn phải nộp có thể nộp trực tuyến nhưng cũng có trường yêu cầu nộp qua bưu chính. Về yêu cầu của từng tài liệu, cách chuẩn bị, cách nộp, tôi sẽ nói cụ thể sau ở bài thứ bảy (DnP.07 Components of Application Package – Những Thành Phần của Hồ Sơ Du Học). Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ giới thiệu qua để các bạn ý thức được những gì mình sẽ phải làm, tránh rơi vào “mông lung.” Những tài liệu trên rất quan trọng nhưng sẽ là vấn đề của giai đoạn sau khi bạn ở chặng cuối của Kế Hoạch Hai Năm. Khi mới bắt đầu, bạn chưa nên quan tâm quá đến vấn đề này vội vì bạn còn tới bốn năm để chuẩn bị, cần phải làm từng bước, không nên nóng vội.
Tôi liệt kê danh sách các yêu cầu của trường ngoài việc giới thiệu qua còn nhằm để phân tích cho các bạn hiểu rõ hơn những việc cần làm. Danh sách trên có thể gọi là “sản phẩm đầu ra” của cả quá trình lao động dài hơi. Để có được những “sản phẩm đầu ra” thì bạn phải có “nguyên liệu đầu vào.” Và các “nguyên liệu đầu vào” đó chính là những thứ bạn cần phải chuẩn bị. Đó chính là câu trả lời cho câu hỏi Cần phải chuẩn bị những gì? đặt ra ở phần mở bài. Vấn đề bây giờ là “nguyên liệu đầu vào” này là gì và làm sao để bạn có được nó. Có một điểm đặc biệt ở loại nguyên liệu này, đó là, không giống như gạch, ngói hay xi măng, bạn không thể mua những nguyên liệu này bằng tiền, mà bạn phải đánh đổi bằng công sức, thời gian học tập và sự nhanh nhạy của bạn. Những nguyên liệu đó là:Kiến Thức (bao gồm kiến thức tổng hợp và kiến thức chuyên môn), Khả Năng Ngoại Ngữ, Các Kỹ Năng, Các Mối Quan Hệ và Các Trải Nghiệm. Tôi sẽ phân tích vì sao lại là 5 loại nguyên liệu này.
Nhìn vào danh sách những gì cần nộp cho trường bạn sẽ thấy:
[Bảng điểm + Bằng tốt nghiệp + Portfolio] chính là sản phẩm đầu ra của nguyên liệu Kiến Thức [Điểm thi TOEFL/IETLS + Điểm thi GRE] là sản phẩm đầu ra của Khả Năng Ngoại Ngữ + Kiến Thức [Thư giới thiệu] là sản phẩm đầu ra của Kiến Thức + Kỹ Năng + Các Mối Quan Hệ [Các bài luận] là sản phẩm đầu ra của Kiến Thức + Khả Năng Ngoại Ngữ + Các Trải Nghiệm [Resume + CV] là bản tóm tắt giới thiệu chung cho tất cả “các sản phẩm đầu ra” còn lại, nó giống như một catalog giới thiệu sản phẩm.Việc làm Portfolio, Resume, CV và quan trọng nhất là quản lý, sắp xếp công việc thế nào lại rất cần đến Các Kỹ Năng.
Ta có thể ví von việc chuẩn bị đi du học cũng như việc trồng trọt. Hồ sơ du học của bạn có thể coi là rau củ (sản phẩm đầu ra) mà bạn thu hoạch được, việc nộp hồ sơ để đổi lấy một vị trí học cũng như bạn đem rau củ ra chợ bán. Muốn thu được kết quả tốt, tức là bán được lời, đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là làm đất phải tốt. Trau dồi Kiến Thức (cả kiến thức tổng hợp và chuyên môn) chính là công việc làm đất đó.
Ngoài ra việc chịu khó quan sát các giống cây và học hỏi những người làm trước sẽ giúp bạn có những Trải Nghiệm để áp dụng vào công việc của mình. Trong việc du học cũng vậy, khi bạn chịu khó quan sát, học hỏi thế giới xung quanh thì bạn cũng sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu có ích cho việc học tập của bạn.
Khi trao đổi bất cứ thứ gì thì chỉ chất lượng của sản phẩm thôi là chưa đủ, bạn cần có uy tín. Người mua cần cần có một cơ sở để họ tin bạn, và sự giới thiệu của những người đã có chỗ đứng trong nghề sẽ là một sự đảm bảo tuyệt vời. Đó chính là tác dụng của thư giới thiệu trong việc chuẩn bị du học, và để có được sự giới thiệu này, tất nhiên bạn phải có Các Mối Quan Hệ tốt đẹp với những người có uy tín.
Hãy tưởng tượng bạn có rau củ chất lượng tốt nhưng bạn lại không có phương tiện, công cụ để mang ra chợ bán hoặc phương tiện của bạn chậm, không nhanh, không hiệu quả bằng những người khác. Như vậy dù sản phẩm có tốt đến đâu cũng vô ích. Trong việc du học, ngoại ngữ chính là phương tiện và công cụ đó. Năng Lực Ngoại Ngữ của bạn càng cao thì khả năng bạn thu về kết quả như ý càng lớn.
Cuối cùng, trồng trọt cần phải có một kế hoạch khoa học và cụ thể. Vì vậy, Các Kỹ Năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc sao cho mọi thứ vận hành trơn tru là tối cẩn thiết. Đôi khi bạn sẽ thấy ngợp vì có quá nhiều việc phải làm. Vì vậy Các Kỹ Năng quản lý đồng hành với nhiều kỹ năng sống, làm việc khác đóng vai trò rất quan trọng.
CHUẨN BỊ THẾ NÀO?
Tôi sẽ lần lượt nói về kinh nghiệm bản thân và kinh nghiệm tham khảo được trong việc chuẩn bị 5 “nguyên liệu” trên.
1. Kiến Thức
Để nói làm thế nào để có vốn kiến thức tốt là rất khó vì nó quá rộng và…chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nó cũng như đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để trở nên hiểu biết?” Chỉ có cách là chăm chỉ tích lũy kiến thức ngày qua ngày và liên tục sắp xếp nó vào một hệ thống khoa học. Hãy tưởng tượng mỗi người làm việc trong cách ngành nghề, lĩnh vực khác nhau là một người thợ tri thức. Để làm việc được, chúng ta cần đến nguyên liệu và các công cụ, nhưng không giống như những người thợ làm việc thủ công sử dụng những nguyên liệu và công cụ hữu hình (physical), chúng ta làm việc trong các ngành công nghiệp tri thức. Sản phẩm tạo ra và công cụ chúng ta dùng để tạo ra chúng là những thứ vô hình. Nguyên liệu của chúng ta chính là kiến thức và còn công cụ là những kỹ năng. Nếu những người thợ như thợ mộc, thợ nề, thợ thủ công cần có những hệ thống nguyên liệu và công cụ, những nhà kho của họ để làm việc thì chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng cần một hệ thống kiến thức và kỹ năng, hay nói một cách hình tượng, một nhà kho tri thức chứa đựng như cái ta cần khi hành nghề. Vì vậy, khi xây dựng hệ thống kiến thức cho mình, chúng ta đang xây dựng một nhà kho tri thức để làm việc hiệu quả hơn.
Xây Dựng và Làm Đầy Nhà Kho Tri Thức
Rất may là để có nhà kho tri thức, chúng ta không cần phải xây dựng lớp vỏ bao của nhà kho vì chúng ta ai cũng có nó rồi, đó chính là bộ não, và khá may mắn là lớp vỏ bao này có sức chứa rất lớn, khó có thể nói là vô hạn nhưng chúng ta cũng không phải lo lắng là sẽ hết chỗ để cho thêm kiến thức mới vào. Việc chúng ta phải làm đó là lựa chọn nguyên liệu, công cụ và sắp xếp vào trong nhà kho đó sao cho khoa học nhất. Có hai việc chúng ta cần phải suy nghĩ: lựa chọn nguyên liệu (kiến thức) nào và sắp xếp chúng như thế nào
– Lựa chọn kiến thức thế nào?
Bạn nào có kinh nghiệm làm việc xây dựng hay các công việc đòi hỏi nhiều nguyên liệu và khí cụ như làm thủ công, làm mộc, làm sắt thép, hẳn sẽ hiểu chúng ta không bao giờ biết chính xác là sẽ cần những loại công cụ gì khi bắt tay vào xây dựng một cái gì đó, nhất là với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Đôi khi cái chúng ta nghĩ là cần thiết lại không dùng đến còn những cái chúng ta nghĩ là thừa thì lại trở nên rất hiệu quả. Kiến thức cũng như vậy, không bao giờ chúng ta biết chính xác được chúng ta sẽ cần những gì trong tương lai. Nhưng không phải vì vậy mà không chuẩn bị, bởi vì càng chuẩn bị kỹ, dành thời gian suy nghĩ và tư duy càng nhiều thì chúng ta càng có thể thu hẹp được độ chênh giữa những gì chúng ta có và những gì chúng ta cần. Vậy thì, việc chúng ta phải làm là tư duy, suy nghĩ để đưa ra một danh sách những kiến thức cần thiết cho nhà kho tri thức của chúng ta. Theo tôi, nhà kho tri thức sẽ chia làm hai phần lớn: phần kiến thức tổng hợp và phần kiến thức chuyên môn. Tôi sẽ nói về kiến thức tổng hợp trước. Tri thức của nhân loại thì mênh mông hơn nước biển, dù có là nhà bác học lỗi lạc đến đâu cũng không bao giờ nói là mình “biết tuốt” được. Kiến thức không bao giờ là đủ và việc bổ sung thêm kiến thức không bao giờ là vô ích. Tuy nhiên, chính vì chúng ta không bao giờ có thể làm chủ tất cả kiến thức nên việc nhận biết cái nào tốt cho chúng ta ở thời điểm nào là rất quan trọng. Bạn đang muốn đi du học thì tất nhiên bạn phải nghĩ xem những kiến thức nào có thể giúp ta trong việc đi học nước ngoài. Một ngành nghề, dù thuộc lĩnh vực nào, cũng không bao giờ có thể đứng hoàn toàn biệt lập. Ngay cả những lĩnh vực có mức độ chuyên môn hóa rất cao như khoa học cơ bản hay nghệ thuật thì cũng có sự tương tác với những lĩnh vực khác. Nghề kiến trúc, theo tôi, là một nghề có mức độ tương tác rất cao. Nó là sự giao thoa của rất nhiều lĩnh vực từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hôi, đến các ngành nghệ thuật. Chính vì vậy, người theo học và làm việc trong ngành kiến trúc không bao giờ có thể nói “chỉ biết về kiến trúc thôi là đủ” mà còn phải có một nền tảng kiến thức tổng hợp tốt nữa.
Những lĩnh vực mà tôi nghĩ mỗi người nên có một mức độ hiểu biết nhất định bao gồm: Triết Học, Chính Trị – Xã Hội, Địa Lý – Lịch Sử, Văn Hóa – Nghệ Thuật, Khoa Học – Công Nghệ. Bạn có thể đặc biệt hứng thú với một trong các lĩnh vực trên và muốn đi sâu tìm hiểu nhưng việc có một lượng hiểu biết nhất định ở những lĩnh vực còn lại sẽ giúp bạn hoàn thiện bản thân hơn. Những người vừa có kiến thức chuyên môn tốt vừa hiểu biết rộng bao giờ cũng được đánh giá cao. Không những thế, việc hiểu biết cả những lĩnh vực khác còn giúp bạn dễ dàng kết nối với những “chuyên gia” của lĩnh vực đó nữa. Có nhiều mối quan hệ không bao giờ là thừa cả. Vậy thì tìm những kiến thức đó ở đâu?
Đọc vẫn là cách phổ biến và hiệu quả nhất để thu nạp kiến thức. Có muôn vàn nguồn kiến thức để đọc, từ cách truyền thống như mua sách in, đọc sách điện tử, hay đọc các bài viết được xuất bản trực tuyến. Tùy vào sở thích và khả năng mà bạn chọn cho mình một phương pháp đọc phù hợp. Tuy nhiên hãy nhớ, đọc gì cũng phải có ích. Có ích? Tôi thường phân biệt những gì mình đọc thành hai loại: có ích và vô ích.
Trong Tiếng Anh, nhất là ở Mỹ, khi nói về các loại đồ ăn, người ta cũng hay nói đến đồ ăn bổ dưỡng(healthy food) và đồ ăn rác (junk food). Có người sẽ dịch “junk food” là đồ ăn vặt hay gì đó nhưng tôi thường thích dịch nó là “đồ ăn rác.” Có nghĩa là đồ ăn đó không có tác dụng gì ngoài việc để thỏa mãn cơn đói và cơn thèm của chúng ta. Thậm chí khi vào cơ thể thì những chất sinh ra bởi nó còn tạo “rác trong cơ thể” khiến chúng ta trở nên béo phì, cơ thể vận động khó khăn hơn, nhiều chất đường, chất béo trong máu khiến dễ mắc nguy cơ bệnh tim, bệnh thận, bệnh xương…Trong việc thu nạp kiến thức tôi cũng phân kiến thức, như đồ ăn, thành hai loại: healthy information (thông tin có ích) và junk information hay junk food news (thông tin rác). Thông tin có ích là những thông tin từ những nguồn có chất lượng, những cuốn sách, những nghiên cứu, hay những bài báo được viết bởi những người có kiến thức sâu rộng. Quá trình bạn tiếp thu những thông tin đó (bằng cách đọc, suy nghĩ, tư duy) cũng giống như bạn tập thể dục cho bộ não khiến bộ não làm việc tốt hơn. Những thông tin đó sau khi được thu nạp sẽ trở nên hữu ích để bạn dùng đến trong tương lai. Một ví dụ về thông tin hữu ích là khi bạn đọc một bài báo khoa học về một loại công nghệ mới như công nghệ nhận diện giọng nói, bạn có thể nảy ra ý tưởng áp dụng công nghệ đó vào ngôi nhà bạn đang thiết kế để làm nó trở nên thông minh hơn.
Ngược lại, thông tin rác, cũng như thức ăn rác, là những thông tin bạn đọc chỉ với mục đích giải trí đơn thuần (just for fun) mà không mang lại một lợi ích gì. Những thông tin kiểu như thế có thể là những thông tin về đời tư của những người nổi tiếng, về tội phạm, những tin tức giật gân. Các bài viết kiểu này thường rất sơ sài, câu cú đơn điệu, vô số các lỗi ngữ pháp và chính tả. Ở các nước phương Tây, người ta phân loại báo chí thì những báo chí kiểu này được gọi chung là báo chí “lá cải” (tabloid journalism). Việc đọc những thông tin kiểu này sẽ làm bạn tốn rất nhiều thời gian, những thông tin đó khi được thu nạp vào đầu óc chúng ta sẽ đóng vai trò như các chất cặn bã, chất béo thừa, chiếm chỗ của những thông tin có ích, khiến đầu óc chúng ta lười suy nghĩ, trở nên chậm chạp và khả năng tư duy bị thui chột. Có thể thấy những thông tin kiểu này tràn lan trên hầu hết các trang mạng, báo điện tử phổ biến của Việt Nam như dantri.com, vnexpress.net, vietnamnet.vn…Lời khuyên của tôi là các bạn tránh tối đa đọc những thông tin kiểu như vậy, tìm đến đọc những nguồn kiến thức chất lượng hơn. Nếu mua sách đọc, kể cả sách văn học thì cũng nên mua những tác phẩm văn học có giá trị thực sự, đã được đánh giá, bình luận tích cực của những tác giả tên tuổi, tránh mua những cuốn sách rẻ tiền kiểu như “30 câu chuyện tình lãng mạn nhất sưu tầm từ các blog”, “Cocktail cho tình yêu”, hay “Xin lỗi em chỉ là con đĩ.” Nếu đọc trực tuyến hãy tìm đến những trang được viết bởi những trí thức thực sự, các bài viết có lượng thông tin hữu ích cao. Những trang như blog của giáo sư Ngô Bảo Châu, trang Học Thế Nào, website của Alan Phan, trang Viet-studies, ArchAborad, các trang bách khoa toàn thư và nhiều các trang khác nữa. Về báo chí, tốt nhất là chỉ xem báo mạng Việt Nam để biết tin tức tình hình đất nước còn để đọc những bài phân tích, bình luận hay thì nên tìm đến các trang báo có uy tín như NPR, The New York Times, The Wall Street Journal…Việc đọc những cuốn sách, bài viết chất lượng đôi khi khá mệt vì dài và hàm lượng thông tin lớn nhưng đọc lâu dần sẽ quen và cảm thấy hứng thú. Có một bài viết về việc học và đọc (Học và Đọc – Phạm Tuấn Anh) viết đã được hơn 10 năm nhưng vẫn còn rất bổ ích và nguyên giá trị. Các bạn nên đọc tham khảo.
Xem cũng là một cách để bổ sung kiến thức. Ngoài việc xem các bộ phim với mục đích giải trí thì xem các series phim tài liệu về lĩnh vực cụ thể cũng giúp bạn rất nhiều. Cá nhân tôi thường thích xem những series phim tài liệu về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, địa lý và công nghệ ở các kênh truyền hình như National Geogrphic, Discovery Channel, PBS hoặc các trang xem phim trực tuyến như Netflix, Xfinity TV…
Trao đổi là một cách khác để bạn thu mói kiến thức và trau dồi những kiến thức đã có. Bạn có thể tham gia các diễn đàn về một lĩnh vực nào đó, có thể viết về một chủ đề để mọi người bàn luận hoặc tham gia bàn luận ở một chủ đề nào đó. Viết blog về một lĩnh vực bạn yêu thích tìm hiểu cũng là một cách. Tôi thường không tham gia trao đổi nhiều trên các diễn đàn nhưng các bạn có thể thử. Trang mạng xã hội LinkedIn (dành cho những người đi làm) có chức năng thảo luận nhóm, bạn có thể tham gia vào một nhóm những người có cùng lĩnh vực quan tâm và trao đổi, thảo luận về một chủ đề nào đó. Việc trao đổi rất có ích ở chỗ bạn có cơ hội kiểm tra “test” kiến thức mình đang có và đồng thời cũng thu nạp kiến thức từ người khác trong quá trình trao đổi.
– Sắp xếp kiến thức như thế nào?
Khi đã xác định được những nguồn kiến thức và bắt đầu thu nạp kiến thức thì việc sắp xếp chúng trong bộ não theo một thứ tự gọn gàng cũng rất cần thiết. Bạn không thể mở hộp sọ ra rồi chia bộ não thành từng ngăn nhưng bạn có thể phân loại chúng được. Mỗi khi có được một kiến thức gì mới hãy luôn suy nghĩ xem nó thuộc “hạng mục” kiến thức nào và liên kết những cái mới này với những kiến thức sẵn có bằng cách tự hỏi “cái này liên hệ với cái kia thế nào? từ những cái cũ kết hợp với những cái mới sẽ tạo ra những gì?” việc làm này giống như khi bạn ghép tranh (puzzle) vậy. Việc tư duy như thế sẽ vừa giúp bạn phân loại kiến thức, vừa giúp ôn lại kiến thức cũ và cũng giúp bạn ghi nhớ kiến thức mới nhanh hơn.
Ngoài ra trước khi thu nạp một kiến thức gì đó mới, hãy luôn tự hỏi nó có cần thiết cho mình ở thời điểm hiện tại và trong một khoảng tương lai gần không? Nên nhớ bạn đang chuẩn bị kiến thức để đi du học, hãy ưu tiên cho những thứ thiết thực cho việc du học. Ví dụ như bạn đang muốn du học ngành kiến trúc thì đọc một bài viết về “Lịch Sử Nghệ Thuật Châu Âu” chắc hẳn sẽ có ích hơn, tại thời điểm hiện tại, một bài phân tích về “Đặc Điểm Trong Hoạt Động Tình Dục Của Loài Bọ Hung.”
Quá trình tìm kiến thức mới và sắp xếp kiến thức cũ là quá trình thường xuyên lặp đi lặp lại, nó giúp cho bộ não của bạn được “tập thể dục” và những kiến thức bạn có sẽ được vận dụng một cách có hiệu quả hơn.
Xây Dựng Hệ Thống Kiến Thức Chuyên Môn Ngành Kiến Trúc
Về cơ bản, việc xây dựng hệ thống kiến thức chuyên ngành cũng tương tự như đã làm với kiến thức tổng hợp, chỉ là bạn chú trọng vào các nguồn bàn về ngành kiến trúc và các lĩnh vực liên quan. Các bạn nên động não suy nghĩ (brainstorm) xem kiến thức ở những lĩnh vực nào là cần thiết cho ngành kiến trúc. Nhìn chung quy trình thu nạp và sắp xếp kiến thức cũng giống như đã áp dụng với kiến thức tổng hợp. Tuy nhiên tôi sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân.
– Về chương trình học, thực ra ở đâu cũng vậy, dù ở Việt Nam hay nước ngoài, kiến thức giảng dạy trong trường bao giờ cũng có độ chênh với kiến thực tế nhất là các kiến thức có tốc độ cập nhật nhanh như công nghệ, vật liệu…Những lý thuyết mang tính nguyên lý thì có thể lâu bị lỗi thời hơn, tuy nhiên nhìn chung thì bao giờ trường học cũng đi sau thực tế. Đặc biệt ở Việt Nam, những kiến thức từ hệ thống giáo trình trong nhà trường thì quá lỗi thời. Nói vậy không phải để chê trường học ở Việt Nam mà chỉ đơn giản đó là một thực tế. Rất nhiều thày cô đã cố gắng vận dụng kinh nghiệm làm việc thực tế của mình vào để giảng dạy cho sinh viên nhưng nhìn chung, do chưa mang tính toàn diện nên xét trên diện rộng thì không cải thiện được quá nhiều. Trong một môi trường như vậy, các bạn sinh viên, không còn cách nào khác là phải tự tìm lối thoát cho mình. Vậy thì tìm lối thoát như thế nào? Rất may mắn cho chúng ta, chúng ta ai cũng có trong tay một công cụ để tìm lối thoát cho mọi vấn đề, đó là Internet thần thánh với anh Google biết tuốt. Nếu tôi là các bạn sinh viên, tôi sẽ vào trang chủ của các trường kiến trúc nước ngoài, xem giáo trình họ giảng dạy như thế nào, có những môn gì, yêu cầu tài liệu tham khảo thế nào rồi tìm đọc các tài liệu đó. Các bạn cũng có thể vào hệ thống dữ liệu của các trường này xem các bài giảng được quay lại và lưu trữ online cho mọi người xem. Các trường nước ngoài có một nét văn hóa là mời những người nổi tiếng, thành công trong công việc thực tế hay những giáo sư có tiếng tăm ở các nơi khác đến thuyết trình cho sinh viên trường mình, các bạn hoàn toàn có thể xem những bài giảng đó miễn phí, mang lại lợi ích lớn vô cùng. Ngoài ra có rất nhiều trường đại học trên thế giới cung cấp các khóa học online hoàn toàn miễn phí cho người dùng toàn thế giới. Một hệ thống học online rất phổ biến hiện nay là Coursera. Đây là nơi các trường đại học thuộc loại danh tiếng nhất thế giới như Harvard, Princeton, Columbia, Oxford, Cambridge cung cấp các khóa học thuộc mọi lĩnh vực. Nó cũng giống như một môn học ở các trường này, do giáo sư thật giảng dạy, có hệ thống bài tập, chấm điểm, thảo luận như một lớp học truyền thống, chỉ khác là bạn ngồi ở nhà thay vì đến trường học. Tất nhiên các bạn cũng không nên phủ nhận va bỏ bê hoàn toàn việc học trên lớp, nhớ rằng bạn cần có một bảng điểm “đẹp” và một tấm bằng để nộp hồ sơ xin học cao học. Theo một cách nào đó, “học chỉ vì điểm” có thể được áp dụng ở đây.
– Tham gia các cuộc thi thiết kế quốc tế là một cách rất hay để vừa trau dồi kiến thức đã học ở trường vừa cập nhật những kiến thức mới. Các cuộc thi thiết kế thường đòi hỏi bạn phải giải quyết những vấn đề đương đại. Vì vậy, để làm một cuộc thi, bạn phải tìm hiểu kiến thức mới liên quan đến những vấn đề đó. Đồng thời khi thiết kế bạn sẽ vận dụng những gì mình học được trong trường. Như vậy bạn vừa ôn lại kiến thức cũ vừa khám phá những cái mới. Tham gia các cuộc thi còn giúp làm đẹp hồ sơ của bạn khi xin học và làm đa dạng portfolio. Nếu bạn được giải nào đó, nó còn là cơ hội để bạn mở rộng quan hệ khi giao lưu với những người tổ chức và những người được giải khác. Để tìm các cuộc thi, các bạn có thể vào trang deathbyarchitecture. Đây là trang chuyên đăng tải thông tin về các cuộc thi thiết kế, kiến trúc. Một số cuộc thi quốc tế mà sinh viên Việt Nam thường tham gia và có cơ hội “dễ ăn” là Futurarc, Holcim, hay ArchMedium.
– Tham gia các workshop thiết kế là một cách khác để học thêm kiến thức mới ngoài những gì được giảng dạy ở nhà trường. Khác với các cuộc thi, các workshop thiết kế thường có thời gian ngắn hơn, dài nhất thường là vài tuần đến ngắn nhất có thể chỉ 1 ngày. Workshop là một hoạt động mà ở đó sinh viên kiến trúc hay các kiến trúc sư tập hợp lại, có thể chia thành các nhóm, để đề xuất một phương án thiết kế theo một đề bài cho sẵn rồi sau đó thảo luận kết quả với nhau. Workshop rất phổ biến với sinh viên nước ngoài, có thể hai trường hoặc vài trường hợp tác với nhau tổ chức một workshop để sinh viên của mình đến cùng một địa điểm, cùng làm và trao đổi. Workshop có thể mang tính quốc tế khi sinh viên nước này sang nước khác để làm. Ví dụ như trường Waseda ở Nhật Bản cho sinh viên đi khắp nơi làm workshop: Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam. Tôi đã từng làm workshop với các bạn Nhật ở Việt Nam và làm với các bạn quốc tế ở Nhật. Ở Việt Nam hoạt động này chưa được phổ biến, gần như các trường kiến trúc ít giao lưu với nhau. Chỉ có Festival Sinh Viên Kiến Trúc Toàn Quốc được tổ chức 2 năm một lần thì nội dung thi ý tưởng kiến trúc (thiết kế nhanh) được coi là một workshop. Để tham gia các workshop thiết kế này, các bạn có thể tìm thông tin ở Internet, vào trang chủ của các tổ chức như Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam, Hội Kiến Trúc Sư Châu Á, Hội Kiến Trúc Sư Thế Giới, có thể họ sẽ có thông tin về những workshop như vậy.
– Các khóa đào tạo ngoài trường cũng là một lựa chọn hay để mở rộng hiểu biết kiến trúc. Có thể nói ở Việt Nam, mô hình các khóa đào tạo kiểu này nhiều vô kể. Các bạn nên cẩn thận chọn những khóa học có chất lượng và uy tín tránh lãng phí thời gian và tiền bạc. Tôi đã từng theo học một khóa học Design Thị Giác (Visual Design) do Kiến trúc sư Nguyễn Luận giảng dạy và Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam bảo trợ. Tôi đánh giá đây là một khóa học vô cùng hữu ích, cung cấp cho bạn những kiến thức về những yếu tố cơ bản trong thiết kế như điểm, nét, hình, mảng, không gian, màu sắc, khối, chất liệu. Khóa học không hẳn là chuyên dạy về kiến trúc mà là dạy về những yếu tố cơ bản nhất của thiết kế và cách vận dụng các yếu tố đó vào thiết kế kiến trúc. Tôi biết thày Nguyễn Luận từng dạy hai lớp khác nữa là Kiến Trúc Cảnh Quan và Hình và Ý Trong Sáng Tác Kiến Trúc. Tuy nhiên tôi không rõ hiện nay thày còn dạy nữa không. Bạn nào quan tâm có thể tìm thông tin qua mạng.
2. Kỹ năng
Giả sử bạn muốn làm một chiếc ghế, bạn có nguyên liệu là một loại gỗ rất tốt nhưng lại không có công cụ tốt thì bạn sẽ hoặc là không làm được hoặc là sản phẩm sẽ rất xấu. Kiến thức cũng như loại vật liệu đó, chỉ trở thành các sản phẩm hữu ích khi được vận dụng đúng cách. Cái giúp bạn vận dụng đúng cách chính là các kỹ năng. Nói về kỹ năng, không như kiến thức, kiến thức có thể có được thông qua các hoạt động một chiều như đọc và học. Nhưng bạn không thể chỉ có đọc sách mà có kỹ năng, bạn phải làm. Qua những lần làm thử, kỹ năng của bạn sẽ được trau dồi và trở nên sắc bén hơn, hữu ích hơn, giúp bạn tạo ra những sản phẩm chất lượng cao hơn trong thời gian ngắn hơn.
Kỹ năng thì có rất nhiều loại kỹ năng: kỹ năng máy tính, phần mềm, kỹ năng xã hội như giao tiếp, các kỹ năng quản lý, sắp xếp công việc, cuộc sống…Kể ra thi rất nhiều, quan trọng là bạn phải xác định cái gì là ưu tiên cho thời điểm hiện tại để dành thời gian tập trung vào nó.
Tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp bạn tăng cường kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, quản lý công việc.
Tham gia các diễn đàn trao đổi có thể giúp bặn mài rũa các kỹ năng máy tính, đồ họa
Các bạn cũng có thể tìm đến những người đi trước, những cơ sở giáo dục kỹ năng sống để tham khảo và học hỏi.
3. Tiếng Anh
So với bạn bè là du học sinh, tôi tự nhận thấy trình độ Tiếng Anh của mình vào loại trung bình, hơi thấp một chút. Nhưng so với cộng đồng sinh viên kiến trúc và du học sinh kiến trúc, tôi nghĩ Tiếng Anh của tôi cũng thuộc loại kha khá. Để nói về Tiếng Anh của dân kiến trúc, có lẽ tôi nên kể một câu chuyện. Năm thứ nhất đại học, tôi mày mò đi học Tiếng Anh. Tôi xin học ở lớp 100 Trần Hưng Đạo của thày Nguyễn Thanh Hoàn. Học lớp thày Hoàn tiếng Anh của tôi lên rõ rệt nhưng tôi sẽ nói về việc đó sau, còn tôi muốn kể một chuyện khác. Đó là một lần có một bạn học viên hỏi xem thày đánh giá thế nào về trình độ Tiếng Anh của sinh viên các trường ở Hà Nội. Thày nói khá nhất là sinh viên Ngoại Thương, Ngoại Giao, rồi đến các trường như Kinh Tế, Ngân Hàng, tiếp sau là Bách Khoa hoặc Đại Học Khoa Học Tự Nhiên. Thày liệt kê một loạt các trường, mà mãi không thấy trường Kiến Trúc Hà Nội hay Xây Dựng đâu. Tôi mới hỏi thày thế trường Kiến Trúc thì sao, thày quay sang hỏi lại “cái bọn dân kiến trúc nó có học được tí Tiếng Anh nào đâu mà đánh giá.” Quả thật thì đúng là dân kiến trúc nói chung vẫn nổi tiếng về trình độ Tiếng Anh lởm khởm của mình.
Để chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh của mình, tôi sẽ viết cụ thể hơn trong bài thứ tư của series này (DnP.04 Học Tiếng Anh và Bài Thi TOEFL – Learning English and the TOEFL Test). Tuy nhiên tôi muốn lưu ý các bạn một điểm: đừng đánh đồng Tiếng Anh và TOEFL hay IELTS là một. TOEFL thì có thể học xong chứ Tiếng Anh thì là học cả đời. TOEFL chỉ là một bài kiểm tra dựa trên một số tiêu chí nhất định. Có thể điểm TOEFL của bạn cao nhưng chưa chắc Tiếng Anh của bạn tốt hơn người có điểm TOEFL thấp hơn. Tuy nhiên học Tiếng Anh chắc và có hệ thống sẽ giúp bạn có điểm TOEFL cao hơn. Vì vậy, ở thời điểm vừa bắt đầu này, bạn không nên quá tập trung vào ôn luyện TOEFL vội (nên nhớ bạn có còn tới 4 năm trong đó 2 năm đầu là chuẩn bị nền tảng, 1 năm sau ôn luyện TOEFL/GRE). Bạn nên, trước hết, củng cố nền tảng tiếng Anh của mình trước. Nói như vậy là bởi vì hầu hết sinh viên Việt Nam, nhất là sinh viên kiến trúc (kể cả tôi) thì tiếng Anh đều thuộc dạng “vá víu” không có nền tảng chắc chắn, hay bị hổng kiến thức. Tức là thuộc dạng biết một chút mà chẳng biết gì cả. Những người như vậy được gọi là (theo một bạn du học sinh mà tôi biết) những người có trình độ Tiếng Anh “lỡ cỡ.” Cần phải ngồi xem xét lại xem mình thiếu gì, như thế nào, để xây một cái móng khá vững trước khi tập trung vào bài thi TOEFL. Bạn có thể gặp những người có kinh nghiệm, những người học và giảng dạy Tiếng Anh để xin lời khuyên xem nên bắt đầu “vá víu” thế nào. Bạn du học sinh mà tôi vừa nhắc (Nguyễn Phương Chi, đang học cao học về giáo dục tại Đại Học Pennsylvania –University of Penssylvania) có viết một loạt bài “Học Tiếng Anh cho người “lỡ cỡ” rất hay và bổ ích. Có thể nói là bắt đúng bệnh của các “con bệnh” và chia sẻ các bài thuốc rất có tác dụng. Tôi rất khuyên (highly recommend) các bạn nên đọc bài viết đó để chấn chỉnh Tiếng Anh của mình.
Tôi cũng đã từng học qua vài lớp Tiếng Anh và tôi thấy mỗi lớp lại có những hiệu quả riêng. Tôi sẽ chia sẻ một số địa chỉ học và những gì tôi cảm thấy là tốt ở đó.
– Lớp thày Nguyễn Thanh Hoàn ở địa chỉ 100 Trần Hưng Đạo, Hà Nội
Điều tôi cảm nhận rõ ràng nhất khi học ở đây là khả năng nghe cải thiện rõ rệt. Thời gian đầu đi học thày sẽ cho nghe băng (rất dè, hy vọng bây giờ thày đã nâng cấp lên công nghệ kỹ thuật số) một bài nói do người Mỹ đọc (vào thời điểm tôi học thì thày cho nghe series The Making of a Nation trên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ – VOA). Học viên sẽ được nghe 1 câu lặp lại 3 lần rồi thày bắt đọc lại (thú thật là lúc mới đi học tôi gần như không nghe được gì cả). Sau khi yêu cầu vài người đọc lại, thày viết lại câu đó lên bảng để mọi người ghi lạ vào sổ. Quy trình cứ lặp đi lặp lại như vậy đến cuối buổi học khi cả lớp đã nghe và chép lại được một đoạn. Thày giáo sẽ dịch qua cả đoạn sang Tiếng Việt rồi giải thích một số từ vựng quan trọng. Yếu tố mà tôi nghĩ có tác dụng nhất chính là việc thày yêu cầu sinh viên học thuộc lòng cả đoạn đó để buổi sau kiểm tra. Ai không chịu học thuộc thì sẽ bị đuổi học. Việc học thuộc đó có tác dụng rất lớn, làm bạn nhớ từ hơn, quen từ hơn và lần sau nghe những từ như vậy thì nhận ra. Thày có nói một câu tôi thấy rất đúng đó là “phải đọc chuẩn thì mới nghe được.” Lý do là nếu chúng ta phát âm một từ sai thì khi nghe người bản xứ nói đúng, làm sao ta nhận diện được từ đó. Một kết quả rất tồi của giáo dục tiếng Anh ở các cấp trung học của Việt Nam là không dạy phát âm tiếng Anh đúng. Chính vì thế mà hầu hết sinh viên Việt Nam đều đọc five, fine, find, fire, file thành “phai” và khi người khác nói một trong 5 từ tiếng Anh kia thì chúng ta không thể nào nhận ra đó là từ nào. Vậy là bài học bổ ích nhất rút ra ở lớp thày Hoàn đối với tôi là “muốn nghe tốt thì phải tập đọc chuẩn.” Một khóa học ở lớp thày Hoàn thường kéo dài, có lẽ tới hơn 1 năm, học nghe chỉ là phần đầu tiên. Sau đó thày còn dạy ngữ pháp và gì nữa thì tôi không rõ do tôi bỏ học giữa chừng (dính vào đồ án kiến trúc). Những bài tập ngữ pháp của thày rất khó và thày thường yêu cầu dịch những câu rất oái ăm (cực khó), tôi nghĩ nếu theo đến cùng và làm chủ được những kiến thức ngữ pháp thày dạy thì khả năng Tiếng Anh (nhất là viết) của bạn sẽ rất tốt. Tuy nhiên tôi nghĩ nó tương đối nâng cao so với những bạn chưa có nền tảng tốt.
– Lớp Esllearning của thày Ngô Văn Nghiêm
Có lẽ thày Nghiêm không xa lạ với nhiều bạn đi Mỹ. Thày có lớp TOEFL khá nổi tiếng. Như tôi đã nói, bạn không nên tập trung quá vào TOEFL vội ở thời gian đầu, tuy nhiên lớp TOEFL của thày Nghiêm lại rất phù hợp cho những người hổng kiến thức tiếng Anh. Thực sự thì tuy gọi là lớp TOEFL nhưng thày không hoàn toàn dạy theo format bài thi TOEFL theo kiểu cho các đề luyện thi. Nói một cách đơn giản hơn, lớp này đi theo hướng tạo ra một môi trường để học viên học bằng Tiếng Anh chứ không chỉ là học Tiếng Anh (not just studying English, but study in English). Điều tôi thấy bổ ích nhất ở lớp Esllearning là bài chữa lỗi sai. Mỗi một buổi thày đều phát cho sinh viên một bài báo được đã được thày viết lại thêm vào các lỗi sai và học viên phải tìm ra lỗi sai đó sau đó thì chữa. Những lỗi sai này thường rất khó tìm và thường là các lỗi về cấu trúc mà ít ai để ý. Khi chữa thày giải thích rất kỹ vì sao lại sai và chỉnh sửa thế nào. Làm bài tập này giúp bạn biết thêm rất nhiều cấu trúc Tiếng Anh, kiểu như từ nào đi với từ nào, từ này đi với từ này có nghĩa là gì còn đi với từ khác có nghĩa là gì. Nếu chăm chỉ làm bài và chữa bài này thì một thời gian sau ngữ pháp và từ vựng của bạn sẽ cải thiện đáng kể và kết quả là kỹ năng viết cũng được cải thiện. Thêm nữa là những bài báo mà thày phát cho sinh viên thuộc đủ mọi lĩnh vực, đăng trên các tờ báo uy tín của thế giới nên bạn sẽ tăng được hiểu biết của mình. Một điều rất quan trọng ở lớp Esllearning mà tôi thấy là tính truyền động lực, cảm hứng. Thày Nghiêm có khả năng thần kỳ trong việc khích lệ (hoặc khích tướng) sinh viên đi du học nước ngoài, nhất là Mỹ. Có những bạn nói “mỗi lần đi học xong là em lại muốn đi Mỹ ngay lập tức.” Trong những việc làm dài hơi và dễ gây nản chí như việc chuẩn bị du học thì tìm cho mình một nguồn động lực cũng rất quan trọng, nó như bạn tìm một nguồn điện để sạc khi bạn hết pin vậy. Ngoài ra thày Nghiêm còn có lớp dịch thuật (tôi không học nhưng được nghe nói là rất bổ ích), dịch vụ sửa bài viết TOEFL và dịch vụ tư vấn du học. Các bạn rất nên tham khảo.
Ngoài các lớp học, các bạn cũng nên tham gia các câu lạc bộ Tiếng Anh để luyện khả năng giao tiếp, đặc biệt là để có cơ hội nói chuyện với người bản xứ hay có cơ hội tiếp cận với các phương tiện học tập. Trung Tâm Hoa Kỳ thuộc Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là một địa điểm như thế. Đến đây, các bạn có cơ hội được sử dụng rất nhiều đầu sách tiếng Anh thuộc đủ mọi lĩnh vực, các phương tiện học tập tiên tiến như máy tính, máy tính bảng, máy chạy DVD…Không những thế, các bạn còn được tham các hoạt động, sự kiện văn hóa, giáo dục với rất nhiều các chủ đề khác nhau, vừa luyện tập Tiếng Anh, vừa tăng cường hiểu biết, lại nắm bắt nhanh các thông tin về du học và học bổng.
4. Các mối quan hệ
Khi tôi tham dự một lớp học về Kỹ năng lãnh đạo (Leadership) ở Đại Học Notre Dame (University of Notre Dame), có một ông giáo sư đã nói “Các mối quan hệ chính là vốn xã hội (relationships are social capitals).” Qua đó mới thấy tầm quan trọng của các mối quan hệ. Vốn vật chất và kiến thức có thể trở nên vô dụng nếu không có các mối quan hệ. Để các bạn, nhất là các bạn sinh viên, hiểu tầm quan trọng của các mối quan hệ trong học tập và làm việc, tôi sẽ chia một kinh nghiệm của bản thân.
Năm 2010, khi tôi đang học năm thứ 4 đại học, có một đoàn sinh viên Nhật Bản từ Đại Học Waseda tới Hà Nội làm workshop về các vấn đề đô thị. Họ được một công ty Nhật Bản chuyên về cơ sở hạ tầng đô thị (Almec) và Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA – Cơ quan có chức năng quản lý việc phân phối tất cả nguồn vốn ODA mà Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam) mời sang. Để tăng tính tương tác của workshop, công ty Almec muốn mời thêm một số sinh viên Việt Nam tham gia và họ đã liên hệ với thày hiệu phó trường Đại Học Kiến Trúc Hà Nội để trường cử sinh viên đại diện. Theo các bạn thì trường chọn sinh viên thế nào? Tổ chức một cuộc thi nhỏ hay căn cứ vào điểm số? Không ! Ai cũng bận rộn mà những việc làm như thế là rất mất thời gian. Vậy thì thày chủ nhiệm Khoa Kiến Trúc sẽ…gọi đứa nào xuất hiện trong đầu trước tiên. Thế là một chị ở khóa trên tôi (vốn là phó chủ nhiệm câu lạc bộ Kiến Trúc Trẻ, tham gia nhiều hoạt động sinh viên và gặp gỡ tiếp xúc với nhiều thày cô trong trường). Thày chủ nhiệm hỏi “Mày có nói được Tiếng Anh không?” Đáp: “Dạ có.” Hỏi tiếp: “Thế mày có kiếm được vài đứa nữa nói được Tiếng Anh không?” Đáp: “Dạ có.” Hỏi tiếp: “Thế mày có gọi chúng nó bảo chúng nó lên đây bây giờ được không?” Đáp: “Dạ có.” Đó là lý do vì sao tôi có workshop quốc tế đầu tiên với các bạn Nhật vì tôi nằm trong số “chúng nó” đó. Sở dĩ như vậy là vì trước đó tôi có tham gia một số hoạt động sinh viên nên có quan hệ chị em, bạn bè và làm việc khá tốt với chị này.
Chưa dừng lại ở đó, đúng một năm sau, 2011, khi Đại Hội Kiến Trúc Thế Giới lần thứ 24 diễn ra ở Tokyo. Hội Kiến Trúc Sư Quốc Tế (UIA – International Union of Architects) có ý tưởng tổ chức một workshop dành riêng cho sinh viên và các kiến trúc sư trẻ trên toàn thế giới. Mỗi quốc gia thành viên của UIA (trong đó có Việt Nam) được tiến cử 2 đại biểu đại diện cho sinh viên nước đó tham dự workshop. Những sinh viên được tiến cử sẽ được trao học bổng bao gồm chi phí tham dự Đại Hội, chi phí tham dự workshop, chỗ ăn và ngủ. Vào thời điểm này, sau một năm thì tôi đã là Chủ nhiệm của Kiến Trúc Trẻ, tức là tôi lại ở vào vị trí của chị gái đã kể ở trên (thậm chí cao hơn một ít vì Chủ nhiệm thì đương nhiên phải oách hơn phó). Và lần này, cái đứa “dạ có” 3 lần kia lại là tôi. Thế là tôi có được cơ hội du hí Nhật lần đầu cùng bạn gái, có cơ hội không thèm nghe Tadao Ando giảng bài mà trốn đi mua bánh ăn ở Asakusa, được các bạn Nhật đã gặp ở Hà Nội ra tận sân bay đón, chiêu đãi hải sản no nê, ăn sushi đích thực ở Omotesando hay ngắm nghía sex toy ở Kabukicho…à còn làm workshop nữa (quên mất mục đích chính chuyến đi).
Nói như vậy để các bạn hiểu tầm quan trọng của các mối quan hệ. Nhưng không có nghĩa là bạn không cần có năng lực, chỉ cần có quan hệ là được. Bạn phải có cả hai, cái tôi đang nói là so sánh giữa việc chỉ có năng lực và có năng lực cộng với có các mối quan hệ. Ví dụ như nếu tôi cũng học hành khá, điểm cao, cũng học tiếng Anh tốt nhưng không bao giờ tham gia hoạt động gì ngoài lớp, không biết ai ở khóa trên, ở lớp khác, các thày cô không biết gì đến mình thì bao giờ mới được chọn. Vậy thì mở rộng các mối quan hệ, khi còn là sinh viên, như thế nào?
Tôi phải thú nhận là tôi không phải là chuyên gia trong vấn đề này, nhưng tôi thấy nó quan trọng và muốn chia sẻ với các bạn. Chú ý mở rộng quan hệ không phải là có càng nhiều các mối quan hệ càng tốt, bất chấp nó lỏng lẻo thế nào. Cá nhân tôi luôn hướng đến tiêu chí “đối tác cũng là bạn bè” khi có thêm một mối quan hệ nào đó, tôi thường nghĩ là mình có thêm một người bạn mới chứ không chỉ là một đối tác làm ăn. Đó chỉ là quan điểm cá nhân của tôi nhưng tôi luôn thích những thứ “ít mà chất” còn hơn “nhiều mà nhạt.”
Quay trở lại với việc mở rộng mạng lưới các mối quan hệ khi là sinh viên như thế nào. Có rất nhiều cách và các cách sau tôi nghĩ là hiệu quả cho các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên kiến trúc:
– Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa trong trường là cách rất hiệu quả để mở rộng quan hệ. Tham gia các hoạt động này bạn sẽ có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu, hoc hỏi và mở rộng quan hệ trước tiên là với các bạn sinh viên ở lớp khác, ở trường khác, ở vùng khác, thậm chí là nước khác (như tôi với các bạn Nhật Bản đã nói ở trên). Trong trường luôn có những thày cô quan tâm đến hoạt động sinh viên, khi tham gia các hoạt động này, nếu bạn chứng tỏ được năng lực của mình và được thày cô ghi nhận thì nhiều cơ hội khác sẽ đến với bạn như tôi đã nói về việc chọn sinh viên ở trên. Những hoạt động này còn thu hẹp khoảng cách giữa thày cô và sinh viên, khiến mối quan hệ trở nên thân mật hơn. Như khi tôi tham gia Festival Sinh Viên Toàn Quốc lần 8 tổ chức ở Đà Nẵng, cả nhóm thày và trò cùng nhau rong ruổi trên xe bus đi khắp nơi. Qua những dịp như vậy, các thày cô thậm chí trở thành những người bạn lớn của sinh viên, chia sẻ, truyền đạt không chỉ kiến thức mà còn kinh nghiệm trong cuộc sống, cách đối nhân xử thế…Cơ hội tiếp xúc với các kiến trúc sư đang hành nghề thực tế là một lợi ích khác khi tham gia vào các hoạt động ngoại khóa. Ở trường Kiến Trúc Hà Nội, câu lạc bộ Kiến Trúc Trẻ thường mời các kiến trúc sư đến nói chuyện và chia sẻ kiến thức với sinh viên. Khi tham gia chuẩn bị những sự kiện như thế, bạn hoàn toàn có cơ hội tiếp xúc với những kiến trúc sư thành danh như Nguyễn Tuấn Anh hay Võ Trọng Nghĩa. Và biết đâu từ một cuộc nói chuyện, các bạn lại có thể tìm được một cơ hội thực tập tại văn phòng của các kiến trúc sư đó.
Một hình thức phổ biến để tham gia các hoạt động ngoại khóa là đăng kí làm thành viên của các tổ chức sinh viên như hội sinh viên, các câu lạc bộ học thuật, các nhóm tình nguyện…Tham gia nhóm nào cũng tốt và có những lợi ích riêng nhưng bạn nên suy nghĩ kỹ xem hoạt động nào hợp với mình và có lợi nhất cho mình. Nếu bạn thấy mình hợp với các hoạt động học thuật và làm giàu kiến thức về chuyên ngành thì nên tham gia các câu lạc bộ học thuật. Các bạn sinh viên trường Kiến Trúc Hà Nôi, tôi khuyên các bạn nên tham giác các câu lạc bộ Kiến Trúc Trẻ, Quy Hoạch Trẻ hay Mỹ Thuật Trẻ.
– Các địa điểm giao lưu trao đổi văn hóa, kiến thức, ngoại ngữ như trung tâm Hoa Kỳ tôi đề cập ở trên cũng là những nơi rất tốt để mở rộng quan hệ. Trước tiên là với những người có cùng mong muốn du học như bạn, những người đó có thể sẽ chia sẻ với bạn các thông tin về trường, về học bổng và sau này có thể trở thành bạn của bạn khi cùng nhau đi học ở nước ngoài. Tại Đại Sứ Quán Hoa Kỳ, Trung Tâm Tư Vấn Giáo Dục Hoa Kỳ – Education USA cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo với sự có mặt của các đại diện trường đại học đến từ Mỹ và bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhân viên văn phòng tuyển sinh của trường đại học mà bạn đang có ý định nộp hồ sơ.
– Tham gia làm tình nguyện viên ở các triển lãm du học như triễn lãm giáo dục Hoa Kỳ của Viện Giáo Dục Quốc Tế (Institute of International Education – IIE) cũng mở ra cho bạn các cơ hội được tiếp xúc với các đại diện trường đại học từ khắp nước Mỹ, nếu bạn tạo được ấn tượng tốt và giữ quan hệ tốt, có thể bạn sẽ được họ quan tâm và gửi các thông tin về tuyển sinh và học bổng.
– Nộp đơn đăng kí các chương trình trao đổi của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dành cho sinh viên đại học Việt Nam, nếu bạn thành công, đó sẽ là một bước đệm lớn cho bạn. Khi đã tham gia vào các chương trình đó, bạn sẽ là một phần của mạng lưới toàn cầu các State Alumni (Những người được Chính phủ Hoa Kỳ trao học bổng) và nhiều mối quan hệ khác. Năm 2011, tôi được trao học bổng UIELSP từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để tham gia một khóa học hai tháng hè tại Đại Học Notre Dame. Chuyến đi này, có thể nói, đã thay đổi tôi rất nhiều, một phần quan trọng trong đó là các mối quan hệ mới. Đi cùng các bạn Việt Nam khác, tôi đã có thêm bạn bè ở cả Bắc – Trung – Nam. Sang đến Mỹ học cùng những sinh viên quốc tế được trao cùng học bổng, tôi lại có bạn bè ở gần như khắp các vùng trên thế giới từ Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu, Châu Phi, Châu Á. Khi trở về, tham gia trại hè do Sứ quán Mỹ tổ chức, tôi lại có cơ hội kết bạn với những bạn Việt Nam tham gia các chương trình trao đổi khác. Những người này sau đó lại đi du học ở khắp nơi trên thế giới, và một lần nữa, mạng lưới bạn bè của tôi lại mở rộng. Tôi sẽ viết bài chia sẻ về các chương trình trao đổi dành cho sinh viên Việt Nam do Bộ Ngoại Giao Mỹ tài trợ vào một dịp khác.
Có rất nhiều cách để mở rộng các mối quan hệ, trên đây tôi đã chia sẻ những kinh nghiệm của cá nhân tôi. Các bạn có thể có nhiều cách khác nhưng tôi tin là những cách trên rất đáng để tham khảo.
05.Trải nghiệm
Các bạn có lẽ không ai là không biết Huyền Chip. Tôi thì chưa đọc sách của bạn này, tôi cũng không quan tâm bạn này nói thật hay nói dỗi hay quan tâm gì đến vụ ồn ào với Trần Ngọc Thịnh. Cái tôi muốn nói ở đây là chuyến đi vòng quanh thế giới của bạn này và chuyện được nhận vào Standford. Tôi không được đọc SOP (Statement of Purpose) của bạn này nhưng tôi khác chắc là một trải nghiệm như thế, đóng một vai trò quan trọng trong trong SOP. Người Mỹ thích những người khác biệt, tách khỏi đám đông và các trường đại học Mỹ cũng không phải ngoại lệ, họ thích những ứng viên khác với những người khác. Một trong những thứ làm bạn trở nên khác biệt chính là những trải nghiệm của bạn và những bài học bạn rút ra từ đó.
Nòi thêm về SOP hay PS (Personal Statement), nếu bạn tra kinh nghiệm viết hai bài luận này thì luôn có một yêu cầu là nêu bật lên được bạn là ai? bạn muốn gì? điều gì làm bạn trở lên đặc biệt, khác với những người khác? đây có lẽ là tiêu chí làm sinh viên Việt Nam lúng túng hơn cả. Sinh viên Việt Nam gặp khó khăn để hiểu chính bản thân mình. Một trong các lý do xuất phát từ cách giáo dục luôn có xu hướng bắt học sinh, sinh viên phải “đồng phục,” nghĩ theo cùng một hướng, làm theo cùng một hướng. Sự tự do bày tỏ chính kiến, cá tính và các sáng tạo bị hạn chế. Chính vì thế gần như từ khi bắt đầu đi học đến khi vào đại học, sinh viên Việt Nam đều làm theo những gì người khác muốn chứ không phải mình thực sự muốn. Đến khi được hỏi bạn muốn gì? bạn muốn trở thành người thế nào? thì chịu không trả lời được. Mỗi bài SOP hay PS là để sinh viên kể câu chuyện về mình, mà muốn kể một câu chuyện thì trước hết bản thân bạn phải là một câu chuyện đã (want to tell a story? be a story first). Đó chính là sự quan trọng của trải nghiệm, nó làm cho bạn trở thành một câu chuyện, làm bạn trở nên có ý nghĩa hơn, hiểu rõ bản thân hơn, hấp dẫn hơn, và làm cho bạn khác những người khác.
Vậy thì tìm kiếm những trải nghiệm như thế nào? Hãy đi ra ngoài và làm một cái gì đó khác biệt (go out there, do something different). Dừng làm những gì mà bạn đã lặp đi lặp lại bao nhiêu năm, làm cái gì đó mới mẻ. Với sinh viên kiến trúc, hãy tự làm một cái gì đó, dù là rất nhỏ thôi. Bạn có tháy cái ghế Xuân Hòa bạn đang ngồi thật nhàm chán không? Tự thiết kế, tự đóng một cái ghế cho riêng bạn. Làm đồ án K1 – chòi nghỉ trên giấy mãi phát chán với những hình thù sách vở không ra sao, tại sao rủ một nhóm bạn ra siêu thị mua cả tấn cốc giấy về ghép lại với nhau thành một cái chòi nghỉ (pavilion) trong sân trường? Bạn hãy tạo ra cái gì đó của riêng bạn (create something yourself), có thể không phải là cái gì đột phá ghê gớm, chỉ là một quyển làm từ giấy xi măng mà bạn tự tay làm từ A – Z hay như cái túi đựng bút ghép từ một loạt phéc-mơ-tuya để tặng người yêu nhưng những thứ đó sẽ kích thích trí sáng tạo cả bạn và tạo cho bạn những câu chuyện ý nghĩa để kể.
Hãy đi du lịch, hãy khám phá, bước chân ra khỏi phòng mình để thấy cây cối đang thay lá hay con mèo nhà hàng xóm mới đẻ con. Hãy khám phá chính khu phố nhà mình, nói chuyện với bác thợ cắt tóc đối diện ngay bên đường mà bạn gặp hàng ngày nhưng chưa bao giờ hỏi thăm. Hãy đến từng ngõ ngách của thành phố mình đang ở để hiểu rõ hơn cái nơi mình đang sống. Hãy lên Hà Giang để đứng ở địa đầu Tổ Quốc, đến Sơn La để thấy trẻ em dân tôc dùng lá đội lên đầu che mưa khi đi học, để uống rượu ngô của người H’mong, đổ đèo leo dốc ở Đồng Văn để thấy đất nước mình hùng vĩ thế nào. Hãy vào Huế, đi dọc sông Hương để biết rằng đất nước mình còn nghèo, vào Sài Gòn, xuống Cần Thơ uống bia với ba khía rang muối. Nếu có cơ hội hãy đi thăm quan những quốc gia lân cận để thấy mình còn phải học tập nhiều lắm. Muốn có những trải nghiệm và những câu chuyện, không có cách nào khác ngoài việc hãy đi ra ngoài và khám phá thế giới !
KTS Nguyễn Nhật Huy / (Blog ArchAbroad)