11/05/2021

Hạ tầng giao thông tạo cú huých để Bắc Giang đón sóng đầu tư

(KTVN) – Nhiều năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, hàng loạt công trình trọng điểm được mọc lên đã góp phần kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thay đổi diện mạo đô thị Bắc Giang.

Thay đổi diện mạo đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

Hàng trăm công trình lớn nhỏ từ trụ sở làm việc, cơ sở y tế đến các tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh Bắc Giang do Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh (gọi tắt là Công ty Tân Thịnh) thi công đang thúc đẩy đô thị Bắc Giang “thay da đổi thịt” từng ngày. Từ công trình Trụ sở mới Thành ủy, HĐND, UBND TP Bắc Giang đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang; cùng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối như đường nối từ đường tỉnh 299 (Cầu Bến Đám) đi đường Tây Yên Tử, Dự án cầu Đồng Sơn và đường dẫn đường dẫn lên cầu, cầu vượt đường tỉnh 295B… Và gần đây nhất là sự kiện hợp long cầu Chũ bắc qua sông Lục Nam vượt tiến độ có ý nghĩa to lớn, góp phần kết nối giao thông liên vùng.

Công ty Tân Thịnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Chũ kịp thời đưa vào khai thác đúng dịp thu hoạch vải thiều

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Giám đốc Công ty Tân Thịnh, để đạt được tiến độ trên, Công ty đã tập trung cao nhân lực, vật lực, chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới trong thi công, nhiều giai đoạn công trường tổ chức thi công cả 3 ca. Ngay sau khi hợp long cầu Chũ, Công ty tiếp tục tập trung thi công đồng bộ phần còn lại của cầu và đường dẫn hai bên, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 30/5/2021 (về trước kế hoạch 10 tháng), kịp thời đưa vào khai thác đúng dịp thu hoạch vải thiều.

Chia sẻ với KTVN, ông Hoàng Văn Thanh – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cho rằng: “Công ty Tân Thịnh có đủ nhân lực, đủ năng lực và hệ thống máy móc hiện đại, vì vậy thi công bao giờ cũng tốt hơn so với các doanh nghiệp khác. Khi cần đẩy nhanh tiến độ, tăng ca, tăng kíp thì Công ty có thể chủ động, không phải đi thuê và phụ thuộc vào các đơn vị khác”.

Đánh giá về năng lực và chất lượng thi công của Công ty Tân Thịnh, ông Nguyễn Trung Trực – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, TP Bắc Giang cho rằng, Công ty Tân Thịnh là nhà thầu có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tốt nhất tại Bắc Giang hiện nay.

Các công trình do Công ty Tân Thịnh làm nhà thầu thi công đa phần đều đảm bảo chất lượng và vượt tiến độ từ 6 đến 9 tháng. Cụ thể như trụ sở mới của UBND TP Bắc Giang vượt 9 tháng; cầu vượt đường Xương Giang nối đường Nguyễn Thị Minh Khai với đường Trần Quang Khải, khánh thành vào ngày 30/7/2020, hoàn thành trước hạn 18 tháng; xây dựng đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Võ Nguyên Giáp và cầu vượt đường tỉnh 295B, thông xe kỹ thuật vào ngày 02/10/2020, công trình này hoàn thành trước thời hạn 12 tháng… Đây đều là những công trình trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo hạ tầng đô thị cho TP Bắc Giang.

Nhiều công trình do Công ty Tân Thịnh làm chủ đầu tư sau đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả đầu tư, góp phần kết nối khu vực đô thị của TP Bắc Giang với các khu, cụm công nghiệp cùng một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trọng điểm của tỉnh Bắc Giang. Điển hình như Dự án cầu Đồng Sơn và đường dẫn lên cầu theo hình thức BT đã hoàn thiện vượt tiến độ và đưa vào sử dụng từ năm 2018, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và mục tiêu dự án đề ra.

Cầu Đồng Sơn góp phần kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương

Dự án cầu Đồng Sơn và đường dẫn lên cầu theo hình thức BT được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư năm 2016. Công ty Tân Thịnh được lựa chọn là nhà đầu tư hiện dự án. Sau khi hoàn thiện các cơ sở pháp lý, Công ty Tân Thịnh đã cho triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 8/2018. Cầu dài 370m, rộng 16m; tuyến đường dẫn hai bên dài hơn 11km.

Là một người dân sống tại thôn Sòi, xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang, chứng kiến sự đổi thay từ khi xây dựng Cầu Đồng Sơn, ông Nguyễn Văn Thìn chia sẻ: “Ngày trước ở đây chưa có cầu, muốn di chuyển giữa hai bên chúng tôi phải đi đò, hoặc di chuyển bằng cầu trên TP Bắc Giang cách đây vài km rất bất tiện. Cầu mới được xây dựng và đưa vào sử dụng giúp người dân thoát cảnh “qua sông lụy đò” mà giao thương buôn bán cũng sầm uất hơn”.

Không chỉ giao thông thuận lợi mà giá đất tại khu vực này cũng được tăng thêm nhờ hạ tầng kết nối. Ông Nguyễn Văn Hưng, thôn Đọ, xã Tân Tiến, TP Bắc Giang cho biết: “Từ ngày có cây cầu đi từ thành phố đến huyện Yên Dũng giờ cũng nhanh hơn rất nhiều. Có cầu thì giá đất bỗng tăng thêm, vừa rồi đấu giá khu vực thôn Sòi thấy giá tăng cao ngất ngưởng”.

Tìm hiểu được biết, ngày 03/01/2021, Công ty Đấu giá hợp danh Đại Dương Group phối hợp với Phòng Tài chính và Kế hoạch, TP Bắc Giang tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 75 lô đất ở thuộc khu dân cư thôn Sòi, xã Đồng Sơn.

Tham gia phiên đấu giá đợt này có 757 khách hàng với 2.594 hồ sơ. Số lô đất đưa ra đấu giá gồm 75 lô, với tổng diện tích 6.519m2, tổng giá khởi điểm của 75 lô đất trên 46 tỷ đồng. Sau khi nghe đấu giá viên phổ biến nội quy, cách thức đấu giá các lô đất đấu giá đợt này, các khách hàng đã tiến hành bỏ phiếu trả giá. Kết thúc phiên đấu giá, 75/75 lô đất ở đã được đấu thành công, đúng quy định với tổng giá trúng là 147 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng là 214% so với giá khởi điểm.

Khó khăn cần kịp thời tháo gỡ

Dự án cầu Đồng Sơn không chỉ đảm bảo kết nối giao thương, tạo hệ thống hạ tầng cơ sở khang trang, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế giữa TP Bắc Giang và các huyện lân cận. Tuy nhiên, quá trình đầu tư xây dựng công trình cũng cho thấy những vấn đề bức thiết đặt ra đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như những khó khăn của doanh nghiệp cần kịp thời xử lý, tháo gỡ.

Thời gian gần đây, một số thông tin cho rằng, chất lượng thi công cầu Đồng Sơn không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình như: Sử dụng phối đá dăm loại 2 làm vật liệu dạng hạt bắp mang cống, mố cầu; không thí nghiệm hằn lún vệt bánh xe khi thực hiện thiết kế thành phần bê tông theo quy định… Đây cũng là vấn đề đã được Thanh tra Chính phủ kết luận trước đó và nhà đầu tư cũng thừa nhận.

Tuy nhiên, để hiểu rõ sự việc, phóng viên KTVN đã có cuộc trao đổi ông Hoàng Văn Thanh – Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, với 15 kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông của mình, ông Thanh cho rằng: “Việc đắp vật liệu dạng hạt trong thi công mang cống, mố cầu theo Kết luận Thanh tra, việc làm này còn tốn chi phí hơn nhưng đấy là “mẹo” của nhà thầu thi công, sẽ giảm lún hơn. Về mặt kỹ thuật, mang cống, mố cầu khi thi công phải đắp bằng vật liệu thoát nước tốt, nếu đắp bằng cát hạt thô và sỏi sạn theo đúng kỹ thuật thì sẽ lún nhiều, lún nhiều đồng nghĩa phải sửa bảo hành, sửa nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín của đơn vị thi công. Việc họ đắp thay cát hạt thô và sỏi sạn bằng cấp phối đá dăm cũng là để giảm thiểu lún”.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng cho rằng, việc sử dụng phối đá dăm loại 2 làm vật liệu dạng hạt bắp mang cống, mố cầu không ảnh hưởng đến kết cấu công trình và vẫn đảm bảo được chất lượng.

Cầu Đồng Sơn đảm bảo chất lượng tốt sau thời gian vận hành

Đánh giá về chất lượng cầu Đồng Sơn, ông Thanh khẳng định: “Mặc dù kết luận là tiềm ẩn nguy cơ nhưng có thể thấy đến thời điểm hiện tại thì mang cống, mố cầu tại dự án này lại không bị lún và an toàn đến bây giờ, dù đã hết thời hạn bảo hành. Tôi có thể đánh giá đây là đơn vị rất có kinh nghiệm thi công”.

Về việc không thí nghiệm hằn lún vệt bánh xe, ông Thanh nhận định: “Có thể thấy sau gần 3 năm đưa vào khai thác, sử dụng thì hiện trạng mặt đường vẫn rất tốt, không có hằn lún vệt bánh xe. Công trình mặt đường nhựa có thời hạn sử dụng là 10 năm sẽ phải làm lại, hiện nay đã sử dụng 1/3 quãng đường thì có thể đánh giá là tốt”.

“Đây là dự án bàn giao cho Sở Giao thông Vận tải quản lý, tôi là người tiếp nhận bàn giao từ doanh nghiệp. Theo đánh giá của cá nhân tôi thì chất lượng công trình này tương đối ổn, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, việc thi công đường dẫn lên cầu do là nền đắp mới nên xuất hiện một vài điểm lún, võng nhỏ không đáng kể. Về mặt kỹ thuật, đắp cao sẽ không thể tránh khỏi việc lún, võng theo thời gian. Đối với đường dẫn lên cầu Đồng Sơn, việc đắp cao như vậy ở đất mới qua cánh đồng mà lún ít cũng cho thấy họ thi công khá là tốt”, ông Thanh cũng khẳng định.

Thực tế cho thấy, cầu Đồng Sơn sau nhiều năm đưa vào sử dụng đã phát huy tính hiệu quả và nhà đầu tư cho rằng, đây là kinh nghiệm sau nhiều năm đúc kết. Vì vậy, để đáp ứng tình hình thực tế hiện nay, một số tiêu chuẩn quy chuẩn như đã nêu, hiện tại đã lạc hậu và các nhà quản lý ngành Giao thông cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá lại những phương pháp thay thế vật liệu trong từng tình huống cụ thể cho phù hợp và đảm bảo chất lượng công trình và công bố để các nhà thầu được sử dụng một cách hợp pháp.

Về việc thí nghiệm hằn lún vệt bánh xe, đã có không ít đề tài khoa học cảnh báo về vấn đề này. Với khí hậu nhiệt đới tại Việt Nam, ở điều kiện nhiệt độ cao vào thời điểm mùa hè, tạo ra vật liệu chảy, bánh xe quá tải dừng đột ngột, tạo vết hằn hai bên đầu cầu. Đây là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc từ nhiều năm nay, trên thực tế nhiều nhà thầu thi công trên một số đoạn đường mà vật liệu không đảm bảo chất lượng về độ sạch, độ đều của hạt và nhựa đường thì việc xảy ra hằn lún vệt bánh xe là chuyện không thể tránh khỏi. Như vậy, có phải công trình giao thông nào cũng cần phải có thí nghiệm hằn lún vệt bánh xe hay không? Việc này, ngành giao thông cũng cần phải nghiên cứu để đỡ tốn kém và gây khó cho doanh nghiệp.

Mặt khác, dù đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2018 nhưng đến nay các ngành chức năng tỉnh Bắc Giang vẫn chưa hoàn thành việc thanh quyết toán cho dự án cầu Đồng Sơn và đường dẫn lên cầu theo hình thức BT. Lãnh đạo Tỉnh Bắc Giang cũng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhưng thực tế cho thấy còn nhiều vướng mắc cần kịp thời xử lý, tháo gỡ.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, dù công trình cầu Đồng Sơn và đường dẫn lên cầu đã hoàn thành đưa và sử dụng gần 3 năm và đã hết thời gian bảo hành nhưng nhà thầu thi công vẫn chưa được thanh quyết toán do còn nhiều vướng mắc.

Tìm hiểu được biết, thời gian qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Nhà đầu tư dự án phối hợp với UBND các huyện để hoàn thiện hồ sơ quyết toán công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cầu Đồng Sơn. Tuy nhiên, tính đến nay dự án vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục để trình phê duyệt quyết toán dự án, cụ thể: Chưa hoàn thiện các Phụ lục hợp đồng ghi nhận giá trị BT điều chỉnh theo các lần điều chỉnh, bổ sung dự án, các đợt giao đất thanh toán dự án BT…; việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất và nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa chưa được UBND các huyện, thành phố thực hiện…

Nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề nêu trên, vừa qua, trong các cuộc họp của HĐND và UBND tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, theo đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành chức năng và phòng ban chuyên môn bảo đảm đẩy nhanh quá trình thanh quyết toán.

UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh và nhà đầu tư dự án phải xác định rõ trách nhiệm, tập trung hoàn thiện hồ sơ và thủ tục còn thiếu để trình quyết toán dự án xây dựng cầu Đồng Sơn và đường lên cầu, đồng thời giải quyết dứt điểm các vấn đề còn vướng mắc khác.

Theo đó, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh tập trung rà soát lại toàn bộ thủ tục còn tồn tại của dự án BT; thống nhất nội dung với các Sở, ngành liên quan… như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường phối hợp giải quyết các công việc liên quan đến nhiệm vụ và kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các nội dung; kịp thời tham mưu và báo cáo các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Hoàn thiện toàn bộ hồ sơ, thủ tục còn thiếu; hoàn thành quyết toán dự án xây dựng cầu Đồng Sơn và đường lên cầu xong trong tháng 6/2021.

Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh thành lập ngày 7/10/2005; là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế và an sinh xã hội của tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, công ty đang triển khai nhiều lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh. Đặc biệt là xây dựng và sửa chữa các công trình thủy lợi, dân dụng, giao thông; lắp đặt và sửa chữa các thiết bị cơ khí; xây lắp đường dây và trạm biến áp đến 35kV; khoan phụt vữa và gia cố chất lượng đê và đập ngăn nước; xây dựng đô thị; cho thuê máy móc, thiết bị thi công; sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn… Các công trình trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế, văn hóa… của tỉnh Bắc Giang đã được công ty thi công vượt tiến độ, chất lượng cao, góp phần làm thay đổi diện mạo hạ tầng ở các địa phương. Thời gian gần đây, công ty còn mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh tại nhiều địa bàn trên cả nước.

Việt Khoa