“Cứu” di tích lịch sử bị IS phá hủy bằng công nghệ in 3D
Trước tình trạng hàng loạt những di tích lịch sử cổ đại bị Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tàn phá với mục đích “xóa hết tàn dư văn minh”, một số nhà khoa học đã lên kế hoạch sử dụng công nghệ in 3D để tái tạo lại các công trình vĩ đại của nhân loại. Các nhà khoa học hy vọng, kế hoạch này sẽ giúp những di tích lịch sử trường tồn giữa làn bom đạn của IS.
Dự án “Quét Trung Đông bằng máy in 3D” hy vọng sẽ giúp bảo tồn các di sản văn hóa của nhân loại trước sự tấn công phá hoại của IS
“Quét Trung Đông bằng máy in 3D”
Dự án do Viện Kỹ thuật số Khảo cổ học (IDA) ở Oxford (Anh) khởi xướng, được đầu tư khoản chi phí 2 triệu Bảng Anh. Theo đó, các chuyên gia khảo cổ sẽ tiến hành quét, lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số tất cả hình ảnh các công trình xây dựng, tượng đài đang bị đe dọa bởi phần tử thánh chiến. Nếu những công trình này bị phá hủy, các nhà khảo cổ có thể tái tạo lại bằng cách sử dụng công nghệ in ấn công nghệ cao.
Thông tin về dự án được công bố chỉ vài ngày sau khi các chiến binh thánh chiến IS đánh phá đền thờ BaalShamin 2.000 năm tuổi ở Palmyra (Syria). Cơ quan giám sát văn hóa của Liên hiệp quốc cho rằng, đó là một “tội ác chiến tranh”. Roger Michel, Giám đốc IDA nói với tờ The Times rằng, những kiến trúc cổ xưa bị IS phá hủy tại thành phố Palmyra đã gióng lên hồi chuông báo động về việc cần phải bảo vệ khẩn cấp di sản văn hóa nhân loại.
“Nếu IS tiếp tục phá hủy những công trình tiêu biểu cho giá trị lịch sử, thẩm mỹ của nhân loại, chúng ta sẽ phải chịu tổn thất không thể xác định bằng vật chất”, ông Roger Michel nói. “Tuy nhiên, giờ đây chúng ta đã có giải pháp mới. “Hồ sơ di tích” sẽ được số hóa và cách này sẽ vượt tầm kiểm soát của những kẻ phá hoại và khủng bố”, Giám đốc IDA nói tiếp. Theo đánh giá của IDA thì tốc độ phá hủy di sản của IS nhanh “với tốc độ đáng sợ”. IDAUnesco mong muốn sẽ quét, lưu giữ được 5 triệu hình ảnh các di sản từ nay đến cuối năm 2015. Mục tiêu đến cuối năm 2017 sẽ lưu giữ được 20 triệu hình ảnh có giá trị.
Quá trình triển khai dự án “Quét Trung Đông bằng máy in 3D” cần sự trợ giúp tích cực của mạng lưới cộng tác viên ở các quốc gia như Iraq, Lebanon, Iran, Yemen và miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ. Các cộng tác viên sẽ chụp ảnh di sản sau đó tải chúng lên một cơ sở dữ liệu. “Thông tin dữ liệu di sản sẽ được cập nhật thường xuyên, thậm chí được định vị vị trí từng di sản”, ông Michel nói.
Ông Michel cho biết thêm, công nghệ in 3D đang phát triển và sẽ mở ra những hướng đi mới trong công tác bảo tồn, gìn giữ di sản. Năm ngoái, một ngôi nhà 5 tầng ở khu công nghiệp Giang Tô, Trung Quốc đã được xây dựng bằng vật liệu từ máy in 3D. Đó là một máy in cao 6,4m, rộng 9,75m và dài 152m. “Mực” mà máy in 3D sử dụng là hỗn hợp gồm chất thải tái chế xây dựng, kính, thép và xi măng. Máy in 3D sẽ phun mực từng lớp, từng lớp cho đến khi bức tường dày được tạo ra.
Di tích lịch sử nghìn năm tuổi đang dần biến mất
Những cuộc tấn công của IS vào các công trình là biểu tượng văn hóa, di tích lịch sử của nhân loại vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo đánh giá của các chuyên gia khảo cổ học, một mặt, IS muốn xóa bỏ những biểu tượng văn hóa của nhân loại, gây thanh thế cho tổ chức, mặt khác, IS lấy cổ vật, bán ra nước ngoài để kiếm tiền khủng bố. Việc kinh doanh đồ cổ là một trong những nguồn kiếm tiền chính của IS. Có nguồn tin cho rằng, IS kiếm được 23 triệu Bảng Anh trong những tháng đầu năm nay từ việc bán 800 cổ vật đánh cắp được từ các thành phố cổ của Al-Nabk, gần Damascus. Cổ vật 10.000 năm tuổi có thể được bán “trao tay” với giá 1 triệu USD.
Các cuộc tấn công vào di tích văn hóa ở Trung Đông bắt đầu vào năm 2001 khi phiến quân Taliban phá hủy hai pho tượng Phật được chạm khắc trên những ngọn đồi ở Bamiyan, Afghanistan. Trong những năm qua, IS đã phá hủy hàng chục nhà thờ và các điểm di tích lịch sử. Gần đây nhất, IS đã sử dụng một xe ủi đất để phá hủy Tu viện Mar Elian 1.500 tuổi. Tu viện Mar Elian ở Al-Qaryatayn được coi là kho báu quốc gia của Syria.
Nhóm khủng bố này cũng gây nên sự phẫn nộ trên toàn cầu khi các chiến binh thánh chiến tiến hành phá hủy hàng loạt bức tượng vô giá bên trong một bảo tàng ở Mosul (Iraq). Vào tháng 4-2015, một cảnh quay cho thấy, chiến binh IS sử dụng búa tạ và bom để phá hủy Nimrud – một thành phố xuất hiện từ thế kỷ thế XIII trước công nguyên ở Iraq. Đoạn video cho thấy, các chiến binh đã dùng búa đập vào tác phẩm điêu khắc 3.000 năm tuổi trước khi cho nổ tung khu di tích.
Không chỉ phá hủy những di sản văn hóa, hành vi chặt đầu, treo thi thể nhà khảo cổ ở thành Palmyra của IS vào trung tuần tháng 8 vừa qua đang gây nên sự phẫn nộ trong công chúng. Nạn nhân là nhà khảo cổ học Khaled Asaad, 82 tuổi bị hành quyết sau hơn 1 tháng bị IS bắt giữ. Ông Khaled Asaad có hơn 50 năm nghiên cứu về thành cổ Palmyra. Ông cũng từng làm việc cùng một số chuyên gia khảo cổ học nổi tiếng trên thế giới để nghiên cứu, công bố nhiều tài liệu lịch sử quý về thành Palmyra. Được biết Palmyra là thành cổ 2.000 năm tuổi và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Theo Khôi Nguyên/ANTĐ