Vừa qua, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã xuất bản cuốn Giáo trình Văn hóa và Kiến trúc. Cuốn sách giáo trình do PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi và TS.KTS Nguyễn Tất Thắng chủ biên và biên soạn.
Giáo trình nhằm đáp ứng tài liệu phục vụ giảng dạy học tập, nghiên cứu, tham khảo dành cho học viên cao học, sinh viên các ngành Kiến trúc, Kiến trúc nội thất, Kiến trúc cảnh quan, Kiến trúc và quy hoạch cũng như các ngành nghệ thuật khác có liên quan và các bạn đọc có quan tâm đến lĩnh vực văn hóa – kiến trúc.
Cuốn giáo trình cung cấp cho học viên, sinh viên những hiểu biết và nắm được kiến thức cơ bản về mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và kiến trúc, sự ra đời và quá trình phát triển của văn hóa và kiến trúc, các giá trị của văn hóa mang lại đối với kiến trúc và ngược lại. Giáo trình Văn hóa và Kiến trúc được bố cục gồm 4 chương, với các nội dung sau:
Chương 1. Mối quan hệ giữa văn hóa và kiến trúc: Giới thiệu khái niệm chung về văn hóa và kiến trúc, sơ lược quá trình hình thành văn hóa và kiến trúc, phân tích các yếu tố ảnh hưởng và mối quan hệ giữa văn hóa và kiến trúc.
Chương 2. Văn hóa và kiến trúc thế giới: Lược khảo về văn hóa tổ chức xã hội, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần từ thời kỳ xã hội nguyên thủy cho đến nay của lịch sử xã hội loài người; phân tích sự ảnh hưởng giữa văn hóa và kiến trúc trong tiến trình lịch sử phát triển tại một số nước phương Tây và phương Đông.
Chương 3. Văn hóa và Kiến trúc Việt Nam: Giới thiệu về văn hóa tổ chức xã hội, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, sự ảnh hưởng và giao thoa giữa văn hóa và kiến trúc trong tiến trình lịch sử phát triển của xã hội Việt Nam.
Chương 4. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua kiến trúc: Đề xuất việc gìn giữ và phát huy các yếu tố đặc trưng văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển nền kiến trúc Việt Nam, thông qua nhận diện các yếu tố đặc trưng có giá trị của văn hóa truyền thống.
TS.KTS Nguyễn Tất Thắng
Để giúp cho sinh viên, học viên dễ dàng tiếp thu kiến thức trong khi đọc, cuốn sách giới thiệu mang tính đại cương, gợi mở và hệ thống hóa tiến trình theo xu hướng phát triển của lịch sử xã hội. Sau mỗi chương, có các câu hỏi thảo luận giúp hệ thống lại kiến thức của chương đó và kiến thức chung của giáo trình.
Trong quá trình biên soạn, nhóm tác giả không tham vọng đi sâu về vấn đề văn hóa hay vấn đề kiến trúc mà chỉ mong muốn tập trung làm rõ mối quan hệ giữa văn hóa và kiến trúc để người đọc thấy được mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau giữa hai đối tượng nghiên cứu là văn hóa và kiến trúc. Nghiên cứu lấy văn hóa làm trọng tâm để xem xét đến vấn đề kiến trúc.
Đây cũng là kết quả phối hợp, hợp tác giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa Viện Kiến trúc Quốc gia và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi
Nhóm tác giả bảy tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Ban Giám hiệu Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Phòng Quản lý Đào tạo, Thư viện, Khoa đào tạo sau Đại học, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Bộ môn Lý thuyết và Lịch sử kiến trúc cùng các bạn đồng nghiệp; đặc biệt các tác giả xin chân thành cảm ơn Nhà Xuất bản Xây dựng đã tạo mọi điều kiện, giúp đỡ để xuất bản cuốn sách.
Nhóm tác giả