24/05/2022

Chuyển đổi xanh – Lợi ích bền vững cho doanh nghiệp ngành xây dựng

Chuyển đổi xanh giúp cho các doanh nghiệp trong ngành tạo ra lợi thế cạnh tranh đồng thời đạt được các lợi ích lâu dài trong toàn bộ quá trình vận hành.

Trong những năm gần đây, việc phát triển các công trình xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam. Với các đặc tính thân thiện người sử dụng, góp phần vào giảm thiểu tác động đến môi trường, công trình xanh được coi là một loại đầu tư bền vững giúp tạo ra các lợi ích trong dài hạn cho chính chủ của dự án cũng nhưng những đơn vị khác trong ngành.

Lợi thế cạnh tranh nổi bật

Từ các nghiên cứu mới nhất về nhu cầu của khách hàng trong lĩnh vực bất động sản, có thể thấy một xu hướng rất rõ ràng là các dự án xanh luôn chiếm được sự chú ý và ưu tiên lớn hơn. Theo Khảo sát của Batdongsan.com.vn tại Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản năm 2022 [1], sau một giai đoạn biến động, người mua nhà có xu hướng ưu tiên các dự án có không gian xanh, nhiều không gian tiện ích…

Nghiên cứu của Green Street Advisors [2] năm 2020 cũng chỉ ra rằng, những tòa nhà xanh đạt được tỷ lệ lấp đầy tốt hơn so với các dự án ít bền vững. Theo đó, các tiêu chuẩn xanh đáp ứng được nhu cầu về không gian sinh hoạt an toàn, lành mạnh và thân thiện của đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là khi các vấn đề môi trường và sức khỏe đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của họ.

Ngoài ra, sự dịch chuyển trong nhu cầu của khách hàng đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong lĩnh vực liên quan như vật liệu xây dựng theo đuổi các sản phẩm bền vững và cho ra đời các giải pháp ngày càng xanh hơn.

Bà Nguyễn My Lan, Tổng giám đốc Đơn vị Sơn trang trí AkzoNobel Việt Nam, chia sẻ về chiến lược phát triển của doanh nghiệp này trong ngành sơn và chất phủ: “AkzoNobel tập trung vào cải thiện độ bền của sản phẩm với khả năng tăng tuổi thọ cho công trình, đồng thời ưu tiên cải thiện năng suất để từ đó đẩy nhanh tiến độ và tiết kiệm nhiều nguồn lực hơn. Đối với sức khoẻ của người sử dụng công trình, sơn của AkzoNobel có các tính năng giúp giảm ô nhiễm, loại bỏ những chất độc hại trong không khí… Chúng tôi tin đây là hướng làm đúng đắn và có thể giúp chúng tôi có được lợi thế cạnh tranh tốt hơn và phát triển lâu dài trong tương lai”.

Lợi ích bền vững trong quá trình vận hành

Chuyển đổi xanh cũng giúp các doanh nghiệp có thể đạt được hiệu quả chi phí vận hành cao hơn, nổi bật nhất là các chi phí liên quan đến tiêu thụ năng lượng và bảo dưỡng, bảo trì trong toàn vòng đời của công trình.

Bà My Lan lấy ví dụ sơn có công nghệ KeepCoolTM – một trong những công nghệ nổi tiếng nhất của thương hiệu Dulux Professional thuộc AkzoNobel – có thể giúp làm mát các bức tường ngoại thất lên tới 5oC so với nhiệt độ bên ngoài, đồng thời tiết kiệm từ 10% đến 15% chi phí điện năng. Hay như sản phẩm Dulux Professional Weathershield Express cho phép hoàn thiện thi công với 2 lớp thay vì 3 lớp sơn, giúp chủ đầu tư tiết kiệm chi phí, nhân lực lẫn thời gian thi công.

Tuy nhiên, vấn đề bền vững trong ngành xây dựng không chỉ nằm ở các sản phẩm hoàn thiện mà còn ở cả quá trình sản xuất và thi công. Bà My Lan cho biết, 98% phát thải cacbon của ngành sơn và chất phủ đến từ các nhà cung cấp và khách hàng. “Một mình nhà sản xuất thì không đủ để tạo nên sự bền vững trọn vẹn khi phần lớn phát thải cacbon lại nằm ở phần không thuộc quản lý của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi có thể kiểm soát vấn đề đó bằng cách hợp tác với các nhà cung cấp để tăng cường tái sử dụng nước, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu gốc sinh học, tái chế, và vật liệu thô được sản xuất bằng năng lượng tái tạo,” bà chia sẻ.

Đối với thép và xi măng – vật liệu phổ biến nhất của ngành xây dựng, hai lĩnh vực này là nguyên nhân chính gây ra lượng khí CO2 công nghiệp toàn cầu trong năm 2021, theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc [3]. Trong những năm gần đây, có thể thấy các nhà phát triển trong hai ngành đều đang tích cực thúc đẩy việc sản xuất bằng vật liệu sinh học, tái chế nhằm tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất và giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường.

Theo thống kê của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) [4], tính đến quý 3/2021, thị trường công trình xanh ở Việt Nam được đánh giá là đang có sự phát triển với số lượng tòa nhà sở hữu chứng nhận xanh là 201. Hiện tại, xu hướng bất động sản xanh cũng đang được thúc đẩy nhờ chính sách của Chính phủ và nguồn cung thị trường. Theo Quy định của Bộ Tài chính năm 2020, các doanh nghiệp được yêu cầu công bố đánh giá tác động ESG trong báo cáo thường niên.

Phương Thảo