Gánh nặng quy hoạch và quản lý đô thị
Theo ước tính Dân số Thế giới của Liên Hợp Quốc, dân số thế giới hiện có khoảng hơn 7 tỷ người, dự kiến đạt 8,1 tỷ vào năm 2025 và 9,6 tỷ vào năm 2050. Làm thế nào để quy hoạch đô thị đối phó với sự tăng trưởng nhanh chóng như vậy? Quy hoạch đô thị có thể mang lại điều tốt đẹp cho các thành phố đang phát triển nhanh như vậy hay là chỉ luôn theo sau và không thể theo kịp với sự gia tăng dân số?
Quy hoạch hiệu quả mang lại hạnh phúc cho cộng đồng.
Tính đến cuối năm 2013, 10 thành phố đông dân nhất thế giới (với dân số đô thị) là:
• Thượng Hải: 17,8 triệu
• Lagos: 16 triệu
• Istanbul: 14,2 triệu
• Karachi: 13,1 triệu
• Mumbai: 12,5 triệu
• Moscow: 12,1 triệu
• Sao Paolo: 11,8 triệu
• Bắc Kinh: 11,7 triệu
• Quảng Châu: 11,7 triệu
Có ít nhất 49 quốc gia kém phát triển dự tính sẽ có số dân tăng gấp đôi từ 900 triệu năm 2013 lên đến 1,8 tỷ vào năm 2050. Mặc dù gần đây, sự gia tăng dân số nhìn chung đã chậm lại nhưng với con số nêu trên, nhắc nhở chúng ta rằng một số nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi vẫn gia tăng nhanh chóng.
Trên thực tế, có cả những ví dụ thành công và thất bại của tất cả các nơi trên thế giới về chủ đề này. Những thành phố có quy hoạch tốt thường cũng mang lại chất lượng cuộc sống tốt cho cộng đồng ở đó.
Thực tế không tránh khỏi là tất cả các thành phố đang phát triển cần phải xây dựng đường giao thông, cầu, cống, đường ống nước, nhà ở giá cả phải chăng và hệ thống chất thải rắn, cũng như không gian xanh tạo ra oxy và giải quyết nạn ô nhiễm không khí. Đây chính là một nhiệm vụ khó khăn cho các nhà quy hoạch đô thị ở bất cứ nơi nào, đặc biệt là tại các nước đang phát triển nhưng dân số tăng nhanh chóng mà lại không được tài trợ thỏa đáng.
Ấn Độ là một ví dụ điển hình. Đến năm 2020, cả nước sẽ có hơn 500 triệu người dân tập trung ở các thành phố và vào năm 2030 Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất trên thế giới với gần 1,5 tỷ người. Và ở đâu cũng vậy, nhu cầu về cơ sở hạ tầng luôn bức thiết. Theo ước tính, thành phố Mumbai cần phải đầu tư ít nhất 1 tỷ USD cho vấn đề hạ tầng.
Quy hoạch đô thị lúc này đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các nhà quy hoạch đô thị và thành phố phải để tính toán sao cho giải quyết được các nhu cầu của dân số ngày càng tăng, đồng thời vẫn phải mang lại chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, khó nhưng không phải là không có giải pháp. Quy hoạch tốt cho hệ thống xe buýt nhanh là một ví dụ về một ý tưởng sáng tạo cho thành phố nếu nó hoạt động đúng chức năng và hiệu quả. Khi quy hoạch và thiết kế chuẩn mực, hệ thống này sẽ tạo ra vô cùng tiện lợi vừa mang lại cảm giác thân thiện môi trường mà vừa giải quyết nhiều vấn đề của đô thị và khả năng thu hồi đầu tư cũng rất nhanh.
Jaime Lerner, cựu thị trưởng thành phố Curitiba, Brazil, đã từng nêu về kinh nghiệm này “Tôi hoàn toàn tin rằng hệ thống xe buýt nhanh có thể mang lại vô cùng hiệu quả và thực tế ở thành phố chúng tôi đã rất thành công trong vấn đề này. Không nhất thiết lúc nào cũng phải có hệ thống tàu điện ngầm trong khi tài chính và nhiều vấn đề khác chưa cho phép”.
Hiển nhiên là ở đây, các cơ quan quản lý đô thị và quy hoạch đô thị/vùng là cơ quan được trang bị tốt hơn và không có ai có điều kiện tốt hơn để giúp đỡ cộng đồng của mình bằng chính quy hoạch vật thể và quy hoạch chiến lược phù hợp, thông minh và sáng tạo.
Theo các chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới “Trong các nước đang phát triển, quy hoạch vùng là vấn đề vô cùng cần thiết để có thể mang đến cho cả khu vực không gian thực tế năng động có tầm nhìn và đáp ứng mong muốn của các tầng lớp khác nhau trong đô thị”.
Quy hoạch chiến lược lúc này phải sao cho có thể dự phòng và đối phó với sự gia tăng phát triển của nhiều lĩnh vực. Nếu không có quy hoạch đô thị hiệu quả thì khu vực phi chính quy và phát triển tự phát sẽ dần chiếm ưu thế và chỉ có cách là tiêu thụ sẵn có nguồn lực của chính mình, kết quả là tổn hại sinh thái môi trường ngày càng nặng, cơ sở hạ tầng kém hiệu quả, chi phí giao thông, hệ thống cống rãnh và dịch vụ nước không thể đáp ứng nổi.
Trong một thế giới cạnh tranh như vậy, thành phố phải nắm bắt cơ hội về tăng trưởng để phát triển thành công nền kinh tế, để có thể tích hợp nhiều hơn cho tăng trưởng. Huy động thêm nhiều tài trợ cho phát triển, thu hút nhiều doanh nghiệp, dẫn đến tăng trưởng hơn nữa và nâng cao mức sống. Như vậy có thể thấy quả là gánh nặng không nhỏ trên vai các nhà quy hoạch đô thị và quản lý đô thị để đi đến một tương lai tốt đẹp cho cộng đồng của mình. Tuy nhiên, vẫn là kết luận “Khó nhưng không phải là không có cách!”.
Khánh Phương/ Báo Xây dựng