25/03/2022

Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng

Nhiều dự án tại Hà Nội tuy đã được phê duyệt quy hoạch, giải phóng mặt bằng, bàn giao “đất sạch” nhưng chậm triển khai đang làm lãng phí tài nguyên. Việc khai thác, sử dụng những không gian này một cách linh hoạt có thể đem đến nguồn lợi lớn cho người dân, cộng đồng, chính quyền.

Không gian nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân. Ảnh: Lại Tấn

Nhiều mô hình sáng tạo

Trên thực tế, TP Hà Nội đã hình thành những không gian sáng tạo từ trước như: Ơ Kìa Hà Nội trong khuôn viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, 360 Đê La Thành; Complex-01 tại Nhà máy In Công đoàn, phố Tây Sơn, Đống Đa; 60S ở phố Thổ Quan, Đống Đa; 282 Design tại Bồ Đề, Long Biên hay sân chơi dành cho trẻ em (Nhóm ThinkPlayGround-TPG), sân chơi công cộng Phúc Tân (Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”)…

Không gian công cộng Public Art Phúc Tân là một sân chơi đúng nghĩa nằm sát trụ sở UBND phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Đây là một dạng thức phối hợp theo cách chính quyền mời nghệ sĩ sáng tác và đặt tác phẩm tại khu vực bức tường rào. Dự án nghệ thuật này có dư âm tốt, một số tác phẩm có tính ứng dụng cao, tạo ra sinh khí mới cho khu dân cư.

Anh Đàm Đức Thuỳ (31 tuổi), người dân sinh sống tại khu Phúc Tân chia sẻ, dự án nghệ thuật cộng đồng ở Phúc Tân đã thực sự biến nơi đây trở nên thoáng đãng, sạch sẽ hơn, thoát khỏi cái mác “bãi rác Phúc Tân”. Đáng chú ý, mọi tác phẩm được thi công bảo đảm độ bền. Nhiều tác phẩm sử dụng nguyên liệu là đồ tái chế như vỏ chai nhựa, mảnh kính, gương vỡ, thùng phuy cũ, ống bô xả… được thu gom từ chính khu vực này hoặc ở một số điểm trong TP.

Tiềm năng từ dự án “treo”

Theo ThS.KTS Nghiêm Quốc Cường – Khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, song song với sự phát triển mạnh mẽ về quy hoạch xây dựng của Hà Nội là sự xuất hiện của những “tài sản bị mắc kẹt”. Vì thế, các cấp, ban, ngành cần có chính sách, cơ chế hợp tác, khuyến khích cho phép khai thác sử dụng, tránh lãng phí quỹ đất, tăng hiệu quả kinh tế cho địa phương và chủ sở hữu đồng thời tạo công ăn việc làm cho dân cư khu vực lân cận.

Trong đó, KTS Nghiêm Quốc Cường đề xuất các chức năng không gian công cộng tùy theo từng địa điểm, nhu cầu thiết yếu của từng nhóm dân cư. Một là, với nhóm các công trình công cộng hiệu suất thấp (trụ sở cơ quan, trạm y tế, chợ…), nhiều công trình trong số đó đang cho thuê làm nơi gửi xe ô tô, kho hàng hóa, quán trà đá giải khát) để bổ sung với không gian thương mại dịch vụ, văn hóa, giáo dục đa chức năng đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân. Nhóm đất trống bỏ hoang phù hợp khai thác mạng lưới không gian xanh kết hợp nông nghiệp tại gia, tạo không gian thư giãn, cải thiện môi trường và tăng cường nhu cầu thực phẩm tươi sạch cho người dân.

Hai là, phần đất chưa sử dụng của các trường đại học, cao đẳng có thể khai thác không gian văn hóa sáng tạo, kinh tế sáng tạo; đất của nhà máy – cơ sở sản xuất cũ sau di dời có nhiều tiềm năng khai thác các không gian đa chức năng. Về phần đất dự án chờ triển khai được các không gian công cộng đa chức năng ngắn hạn từ 3 – 5 năm.

Thứ ba, với không gian chung và mái của khu tập thể có thể sử dụng làm không gian xanh, nông nghiệp trên mái, sân chơi vườn hoa và các dịch vụ cơ bản nhỏ gọn (cắt tóc, đồ ăn nhanh, đồ ăn sáng …) của người dân. Bên cạnh đó, cần khuyến khích chính quyền, chủ sở hữu tái sử dụng lại các tòa nhà bỏ trống thành tài sản kinh tế hiệu quả có lợi cho cộng đồng. Đồng thời xây dựng kế hoạch tái sử dụng một cách thích hợp, tạo ra những không gian có lợi ích về môi trường, xã hội và kinh tế, hình thành các cộng đồng sử dụng hỗn hợp để tránh lãng phí. Chính quyền, chủ sở hữu và cộng đồng làm việc cùng nhau để lên kịch bản phát triển ý tưởng sử dụng lại những tài sản mắc kẹt này.

Không gian công cộng Phúc Tân trước kia vốn là bãi rác và bờ vở lấn chiếm. Từ một điểm không ai muốn đến vì ô nhiễm và không an toàn nhưng giờ đây, những người dân Tổ 16 phường Phúc Tân còn chung tay làm thêm hàng rào an toàn, đẹp cho sân chơi; làm thêm cổng chào và biến khu này thành một không gian sống an toàn, kết nối mở cho tất cả mọi người.

Thành Luân/Kinh tế Đô thị