Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, việc lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn; thống nhất đồng bộ với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển hài hòa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn thành phố; phù hợp với khả năng cân đối, huy động về nguồn lực triển khai của Thủ đô Hà Nội. Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thu hút và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.
Việc lập quy hoạch tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư. Tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân; Bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử – văn hóa, di sản văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Phát triển Thủ đô gắn liền với liên kết phát triển vùng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ đối với một số lĩnh vực quan trọng: về quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Quyết định yêu cầu việc lập quy hoạch phải định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cấp có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên; Đảm bảo tính liên kết, thống nhất đồng bộ với điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành, các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn Thủ đô và tăng cường liên kết vùng; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp thành phố, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện; Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm sự phát triển cân bằng giữa kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia và Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.
PV