01/03/2022

Vỉa hè Hà Nội vô vàn ‘nhiệm vụ’, trừ việc dành cho… người đi bộ

Vỉa hè ở Hà Nội đang đảm nhiệm vô vàn nhiệm vụ không tên, trừ nhiệm vụ dành cho người đi bộ an toàn.

Cách đây hơn 100 năm, các kiến trúc sư người Pháp đã thiết kế vỉa hè Hà Nội theo tiêu chí an toàn cho người đi bộ. Phố có vỉa hè rộng thì trồng cây xanh che bóng mát. Nếu nhỏ hơn không đủ chỗ trồng cây thì thiết kế chế tạo các mái che đẹp mắt, có thể trú mưa.

Vỉa hè to lát gạch lá dừa ở giữa, hai bên là đất trồng cỏ hay thấm nước mưa làm mát vào mùa nắng gắt. Vỉa hè cao hơn lòng đường, ngăn cách bằng vỉa bê tông – không cho nước tràn lên vỉa hè và không có xe đạp ô tô nào dám leo qua đó.

Sau hơn 1 thế kỷ đô thị hóa, Hà Nội cải tiến làm vỉa ba toa vát để ô tô xe máy tha hồ leo lên tranh chỗ của người đi bộ. Ô tô nặng leo lên vỉa hè lát đá nguyên khối dù được thuyết trình có tuổi thọ 70 năm, nhưng ngay sau đó đá già vỡ nát.

Vỉa hè ở Hà Nội đảm nhiệm vô vàn nhiệm vụ, trừ việc dành cho… người đi bộ

Trên vỉa hè cũng làm vạch chỉ đường cho người khiếm thị nhưng nhiều chỗ dẫn thẳng vào gốc cây, tủ điện, dễ dàng làm họ vỡ mặt nếu tin mà theo lối này.

Tất cả các đường dây, đường ống đều có thể lật tung vỉa hè lát đá bất cứ lúc nào để sửa chữa hỏng hóc, ngay cả khi vỉa hè đã đổ bê tông dày lót dưới đá làm cho nước mưa không thể lọt qua thấm đi.

Vỉa hè còn là nơi bày đặt các khối bê tông, bệ đỡ cho những cột trang trí bọc nhựa treo đèn ngô nghê, chỉa các chi tiết có thể đập vào mặt người và xe cộ đi qua.

Vỉa hè Hà Nội đang đảm nhiệm vô vàn nhiệm vụ không tên, trừ nhiệm vụ dành cho người đi bộ an toàn.

Hà Nội làm rào chắn gây khó cho người đi bộ

Rào chắn vỉa hè Hà Nội: quản trị đô thị thiếu chuyên nghiệp

Những ngày gần đây, hè phố Hà Nội được rào chắn nhằm mục đích ngăn cản ô tô xe máy lao lên vỉa hè gây nguy hiểm cho người đi bộ. Nhưng, do thiết kế thi công cẩu thả dẫn đến người đi bộ cũng không thể đi vào được và phải trèo qua các rào chắn đó mới tiếp cận được vỉa hè.

Có nơi rào chắn cẩn thận như là quay chắn, bảo vệ cho các hộ kinh doanh chiếm luôn vỉa hè bày bán hàng hoá, kê bàn ăn uống, tiện thể mang cả bếp đun nấu, nướng khói um cả đoạn phố. Có nơi còn bắc vòi nước máy ra vỉa hè rửa bát đĩa, rau cỏ…

Cảnh tượng phơi phóng chăn màn quần áo, giẻ rách, rác thải các loại cũng không thiếu. Tài tình hơn là rào chắn không cho người và xe vào được, nhưng không biết bằng cách nào mà vật liệu gỗ lạt, gạch đá, cây hoa nặng hàng tạ được vận chuyển từ đâu đến “bay” gọn gàng đống lớn đống nhỏ trong các rào chắn đó.

Đấy là những hoạt cảnh mới gây chú ý gần đây còn vỉa hè có rào hay không rào thì ô tô xe máy đậu kín, hất người đi bộ xuống lòng đường cả chục năm nay.

Vỉa hè Hà Nội đảm nhiệm vô vàn nhiệm vụ, trừ việc dành cho… người đi bộ

Gợi ý cho các nhà quản lý vỉa hè đường phố

Trong những năm gần đây, nguồn nhân lực tham gia vào bộ máy quản lý đô thị ngày càng nhiều về số lượng cũng như trình độ chuyên môn.

Nhiều cán bộ từ chỗ không có chuyên môn đã được đào tạo ngày đêm trong các trường trung cấp, đại học, sau đại học và không ít người có bằng tiến sĩ, thậm chí có mấy bằng thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Nhưng những gì đang diễn ra hàng ngày, phơi ra những mặt tích cực và tiêu cực trên đường phố… đã đến lúc cần đưa ra vài ví dụ để gợi ý cho công việc quản lý đô thị, đặc biệt thuộc nội dung vỉa hè đúng với chức năng nhiệm vụ của chính cái vỉa hè hơn.

Vỉa hè của các quốc gia trên thế giới phục vụ cho người đi bộ

Bức ảnh đứa trẻ được mẹ che ô trên vỉa hè đường phố Hồng Kông bên cạnh cột đèn có gắn chuông dành cho người khiếm thị. Họ sẽ bấm chuông xin đường để đèn báo cho xe cộ nhường đường. Phía đối diện có đảo giao thông giữa đường để người đi bộ không phải vượt qua đường quá rộng. Nếu chậm chân có thể đụng xe và rào chắn giúp cho người chờ đi bộ an tâm hơn

Bức ảnh 2 công nhân đang lát vá vỉa hè bằng viên gạch màu sắc giống nhau và lát cách nhau bởi mạch vữa xi măng đỡ trơn trượt . Chỗ nào chưa khô có biển báo, xô nước sạch và giẻ lau làm cho việc sửa chữa sạch sẽ trơn chu từ lúc làm đến khi hoàn tất.

Trung tâm Stockholm (Thụy Điển) – quốc gia giàu có ở Bắc Âu, nhiều người đi bộ qua vỉa hè láng vữa xi măng. Họ làm vậy vì bên dưới vỉa hè có nhiều đường dây, đường ống cần sửa chữa thì đào lên lát lại không lãng phí.

Tại Tokyo (Nhật Bản), vỉa hè trước cửa công trường trải bê-tông nhựa đàn hồi cho xe nặng đi qua mà không làm vỡ nền. Một bảo vệ công trường cảnh giới đảm bảo an toàn cho người và xe. Bên kia đường có rào chắn và bụi cây xanh sạch mát mắt.

Vỉa hè tại HongKong, Dublin (Ailen), San Francissco, Chicago (Mỹ)

Một vỉa hè tại HongKong, nơi có cửa hàng đang sửa chữa có mái che để vật liệu không rơi vào đầu người đi bộ. Các cột chống đỡ mái che bằng sắt được bọc mút êm để không làm người đi bộ bị đau nếu va đập

Vỉa hè tại Dublin (Ailen) có các cột gang chắn ô tô không lao lên vỉa hè. Ngay cả nơi có đường dốc cho ô tô đi qua thì cũng phải dành đủ chiều rộng cho người đi bộ. Thùng rác kê trên vỉa hè cũng có khe đủ rộng để người đi qua.

Một lối dốc tại ngã tư đường phố San Francisco (Mỹ) gắn tấm nhựa cứng để người khiếm thị nhận biết. Có tên phố được khắc chìm xuống nền vỉa hè để người già còng lưng đọc được và vữa xi măng trộn cát già làm óng ánh mỗi khi có ảnh đèn để người đi xe đẩy dễ nhận ra dốc vát dễ vượt qua.

Ngay sau đó, Hà Nội đã vội vàng gỡ bỏ rào chắn vì gây cản trở cho người đi bộ tham gia giao thông

Vỉa hè trên phố Chicago (Mỹ) có chỗ dốc cao dần và tay vịn để người khuyết tật đi dễ dàng trên phố và leo lên xe bus cũng an toàn.

Những sáng kiến giành lại vỉa hè đường phố cho người đi bộ

Nhưng cũng có chỗ không có vỉa hè mà vẫn có lối đi bộ an toàn cho trẻ em đến trường. Năm 2016-2017, các kiến trúc sư Hà Nội đã tới phường Hạ Đình trong đêm vẽ sơn lên ngõ nhỏ, treo biển nhắc nhở xe máy tránh sang bên cho trẻ một lối đi an toàn vài chục phân. Báo chí ca ngợi sáng kiến về tuyến BRT đi bộ trong ngõ…

Sau 1 tuần, không biết có lý do gì đó mà họ vội vàng quét nước xi măng xoá bỏ. Đoạn đường xanh mát mắt bụi xám mù mịt, mấy hôm mưa to mới trôi hết bụi và trôi luôn giấc mơ bé nhỏ con trẻ được đi bộ an toàn trên chính con ngõ của mình.

Các kiến trúc sư Hà Nội đang sơn đường vào buổi tối và trẻ em đi bộ an toàn trong ngõ tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân. Trẻ em đi bộ an toàn trên vỉa hè phố Nhà Chung, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm… trước khi có dịch Covid

Các kiến trúc sư Hà Nội không nản chí. Họ mang sáng kiến của mình lên phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm.

Được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quận, đoạn vỉa hè ngổn ngang xe máy, hàng quán đã được xếp gọn gàng, dành lối cho các em nhỏ nối đuôi nhau đi bộ từ cổng trường ra nơi rộng hơn bố mẹ đón về nhà.

Khoảng 30 ô tô đỗ trước cổng trường, chắn lối đi của hàng nghìn học sinh đã từng bước được dẹp bỏ, nhưng “sự nghiệp” giành giật vỉa hè đi bộ an toàn cho trẻ em với đám ô tô, xe máy lấn chiếm vẫn còn tiếp diễn.

Chiến thắng hay thất bại trông nhờ ở người Hà Nội có nhận ra là Hà Nội trước khi trở thành thành phố vì Hoà Bình thì vì con người, trước tiên vì chính con em mình trước đã. Không cần nhiều, hãy bắt đầu dành ra lối đi rộng 0,6m trên tất cả các vỉa hè đường phố – đủ chỗ cho 2 bàn chân trẻ em bước đi.

Trần Huy Ánh – Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội/Vietnamnet