24/02/2022

Quy hoạch khu trung tâm lịch sử TPHCM thành không gian văn hóa công cộng đặc biệt

Cho đến nay, TPHCM vẫn chưa chính thức xác định được một khu trung tâm lịch sử, với ranh giới cụ thể, đi kèm các hướng dẫn, chính sách khuyến khích thực hiện việc bảo tồn, chỉnh trang và cải tạo mở rộng.

Trong quá trình phát triển và mở rộng các đô thị có bề dày lịch sử trên thế giới, khi khu trung tâm được mở rộng hoặc di dời sang nơi có không gian rộng hơn để xứng tầm với quy mô đô thị, thường tạo cơ hội cho việc hình thành các khu trung tâm lịch sử, đóng vai trò một tổ hợp không gian công cộng, thân thiện với người đi bộ, bản sắc địa phương, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử.

Đáng tiếc thay, nhiều đô thị tại Việt Nam, có bề dày lịch sử hàng trăm năm đến hàng ngàn năm lại bỏ qua tiềm năng này. Trong đó, TPHCM với lịch sử trên 300 năm, và đang có kế hoạch phát triển khu trung tâm mới hiện đại Thủ Thiêm bên bờ Đông sông Sài Gòn, cho đến nay vẫn chưa chính thức xác định khu trung tâm lịch sử tại bờ Tây, đi kèm kế hoạch chỉnh trang thành một không gian văn hóa công cộng đặc biệt cho địa phương. Về vấn đề này, TPHCM có thể tham khảo nhiều điển cứu khu trung tâm lịch sử thành công trên thế giới, với xu hướng quy hoạch và tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau.

Khu vực Bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM). Ảnh: Hoàng Hùng

Cơ hội nào cho khu trung tâm lịch sử TPHCM?

Cho đến nay, TPHCM vẫn chưa chính thức xác định được một khu trung tâm lịch sử, với ranh giới cụ thể, đi kèm các hướng dẫn, chính sách khuyến khích thực hiện việc bảo tồn, chỉnh trang và cải tạo mở rộng. Các tiến triển gần nhất có thể góp phần giúp hình thành một khu trung tâm lịch sử là quy hoạch khu tỷ lệ 1/2000 cho khu trung tâm hiện hữu TPHCM (300ha) do Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) thực hiện dựa trên các ý tưởng được chọn trong một cuộc thi quốc tế và đã được UBND TPHCM phê duyệt năm 2012. Trong đó, đáng chú ý có khu vực quy hoạch mang tên “Khu trung tâm văn hóa lịch sử” với ranh giới xác định bởi đường Nguyễn Thị Minh Khai – rạch Thị Nghè – Lê Thánh Tôn – Lê Lai – Cống Quỳnh. Sang năm 2013, quy chế quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu TPHCM được quy hoạch 930ha. Đáng tiếc là các chủ trương quy hoạch “Khu trung tâm văn hóa lịch sử” này chỉ ngừng ở việc quy định mật độ, chiều cao và khoảng lùi chứ không được phát triển thành một quy hoạch hoàn chỉnh, kèm với kế hoạch thực hiện bài bản. Do đó, khu vực này vẫn xảy ra tình trạng các công trình di sản tiếp tục bị xâm hại hoặc phá bỏ, nhiều công trình cao tầng sai phép hoặc không phép mọc lên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè ngày càng lan rộng…

Việc bỏ qua cơ hội chỉnh trang và chính thức hình thành một khu trung tâm văn hóa lịch sử cho TPHCM những năm qua đã dẫn đến nhiều điều đáng tiếc như: bỏ qua cơ hội tạo lập một không gian văn hóa công cộng với bản sắc lịch sử độc đáo, hấp dẫn khách du lịch, phục vụ tốt nhiều mặt cho cộng đồng dân cư, lại không tốn nhiều chi phí và thời gian thực hiện, nhờ dựa trên các nền công trình đã xây dựng, với không gian cảnh quan, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã có sẵn; bỏ qua cơ hội bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc một cách hiệu quả toàn khu vực, dựa trên quy hoạch bảo tồn và chỉnh trang, thay vì ứng phó cục bộ từng trường hợp; bỏ qua cơ hội tạo lập khu vực có các sinh hoạt văn hóa và kinh tế xã hội năng động ở trung tâm thành phố, thân thiện với người đi bộ, khuyến khích giao tiếp xã hội và cộng đồng gắn bó với nhau; bỏ qua cơ hội tạo điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân và doanh nghiệp, cho ngân sách địa phương.

Vì vậy, trước mắt TPHCM cần lưu tâm: 

– Chính thức xác định “Khu trung tâm văn hóa lịch sử” sẽ là khu trung tâm lịch sử của TPHCM, với ưu tiên hàng đầu dành cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hạn chế tối đa các dự án phát triển mới và cao tầng có thể xâm hại đến không gian di sản.

– Xác định ranh giới cụ thể của Khu trung tâm lịch sử TPHCM trong “Khu trung tâm văn hóa lịch sử” một cách hợp lý và khoa học trên cơ sở thống kê các công trình di sản, các nghiên cứu lịch sử và khảo cổ.

– Đề xuất quy hoạch chi tiết 1/500 và quy định chi tiết về quản lý không gian quy hoạch kiến trúc di sản trong và ngoài Khu trung tâm lịch sử TPHCM để tạo sự liên kết, kết nối không gian.

– Tổ chức Khu trung tâm lịch sử TPHCM thành khu vực thân thiện với người đi bộ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, tổ chức lại hoạt động ở lề đường, lòng đường, tổ chức mạng lưới giao thông công cộng và xe đạp thuận tiện.

– Khuyến khích cải tạo chỉnh trang, có thể mở rộng các công trình di sản trong Khu trung tâm lịch sử TPHCM theo hướng nâng cao giá trị bản sắc lịch sử; đề xuất kế hoạch thực hiện quy hoạch Khu trung tâm lịch sử TPHCM, kèm chính sách khuyến khích hợp tác công tư giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong khu vực.

Đây sẽ là một trong những thử thách lớn cho việc điều chỉnh quy hoạch khu trung tâm sắp tới. Nếu được, sẽ góp phần không những gia tăng quy mô, tầm ảnh hưởng của không gian văn hóa công cộng cho thành phố mà còn giúp nâng cao giá trị bản sắc đô thị, phục vụ tốt hơn các nhu cầu đa dạng của cộng đồng.

TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn/Sài Gòn giải phóng