Phát triển mạng lưới đô thị theo mô hình “3 – 3 – 3”
Khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển đô thị thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đang thực hiện Chương trình Phát triển đô thị có lộ trình, mục tiêu dài hạn, phù hợp với định hướng chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh. Trong đó, định hướng phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Quảng Nam theo mô hình “3 – 3 – 3”.
Tập trung phát triển chất lượng đô thị
Mô hình này là một trong những nội dung được đề cập trong “Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, được phê duyệt tại Quyết định số 1367/QĐ-UBND ngày 17/4/2015.
Ông Lê Tú – Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quảng Nam cho biết: Thời gian qua, quá trình phát triển đô thị của tỉnh Quảng Nam còn những hạn chế nhất định. Tỷ lệ đô thị hoá và tốc độ đô thị hoá thấp hơn mức trung bình cả nước và thấp hơn cả mức bình quân của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Do đó, nội dung cốt lõi trong Chương trình phát triển đô thị lần này không những nhằm giải quyết những tồn tại mà còn đưa ra lộ trình phát triển đô thị phù hợp định hướng chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Nam, đồng thời đặt ra vấn đề phát triển đô thị có tính toàn diện hơn. Không chỉ phát triển về quy mô đất đai, quy mô dân số mà Chương trình còn tập trung cao độ để phát triển về chất lượng đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các tiện ích xã hội; định hướng phát triển về không gian sinh thái, đô thị xanh… đảm bảo chất lượng đô thị được nâng lên qua từng thời kỳ.
Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Nam cũng hướng đến tạo ra sự liên kết, hỗ trợ phát triển giữa các đô thị với nhau và giữa đô thị với nông thôn. Những tiện ích đô thị có thể san sẻ cho nhau. Quan hệ giữa đô thị và nông thôn được xử lý tốt hơn. Đô thị sẽ là hạt nhân, là động lực để lôi kéo nông thôn phát triển.
Mô hình “3 – 3 – 3”
Ông Lê Tú cho biết: Không gian phát triển cần có một mô hình hợp lý và có khả năng tương tác cao, định hình được các trục phát triển. Các cực phát triển phải đáp ứng được các tiêu chí sao cho địa bàn này phát triển trước sẽ kéo theo sự phát triển của địa bàn lân cận, từ đó hợp thành không gian phát triển mang tính tổng thể và bền vững.
Theo đó, Quảng Nam có cấu trúc không gian chiến lược phát triển theo mô hình 3 hành lang phát triển đó là: Hành lang Bắc Quảng Nam bao gồm Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang; Hành lang Trung Quảng Nam bao gồm Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức, Phước Sơn; Hành lang Nam Quảng Nam bao gồm Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước. “Mỗi hành lang được phân tích, đánh giá đầy đủ và khoa học các ưu thế cũng như hạn chế của nó, sau đó đề xuất các định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển phù hợp, khả thi, hiệu quả và gắn với các đặc trưng của từng hành lang”, ông Lê Tú nói.
Ví dụ hành lang Bắc Quảng Nam có lợi thế lớn nhất với vị trí địa lý kinh tế nằm gần TP Đà Nẵng nên tiếp nhận được sự phát triển lan toả của Đà Nẵng, tạo được sức hút, có thuận lợi trong kết nối, có đô thị cổ Hội An phát triển mạnh về du lịch, có khu vực Đại Lộc, Điện Bàn phát triển công nghiệp rất mạnh. Thế mạnh của khu vực Nam Quảng Nam là có sân bay Chu Lai, cảng biển Kỳ Hà, Tam Hiệp và khu kinh tế mở Chu Lai. Còn hành lang có hiện trạng và tiềm năng phát triển yếu nhất là hành lang Trung Quảng Nam.
Trong 3 hành lang phát triển này, Quảng Nam chọn ra 3 cực để đóng vai trò các cụm động lực phát triển. Mô hình phát triển vùng Đông Quảng Nam thực hiện theo hình thức đa trung tâm, kết hợp với các trục kinh tế tỉnh và vùng Duyên hải Trung bộ, có 3 cụm động lực chính, trong đó, cụm động lực số 1 gồm các huyện Điện Bàn, TP Hội An và phía Đông huyện Đại Lộc; Cụm động lực số 2 là khu vực Nam Hội An, gồm phía Đông của các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn và Thăng Bình; Cụm động lực số 3 là khu vực Chu Lai, gồm TP Tam Kỳ và phía Đông của các huyện Phú Ninh, Núi Thành.
Không gian phát triển vùng Tây Quảng Nam được gắn kết chặt chẽ với 3 cụm động lực thông qua 3 hành lang phát triển và được tổ chức thành 3 cụm hỗ trợ phát triển tương ứng. Cụm Tây Bắc bao gồm các huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang, liên kết phát triển với Cụm động lực số 1 của vùng Đông Quảng Nam và khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang với TP Đà Nẵng và Điện Bàn, Hội An thông qua các tuyến QL14B, 14D và tỉnh lộ ĐT609. Cụm Trung Tây bao gồm các huyện Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn và phía Tây của các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên liên kết phát triển với cụm động lực số 2 của vùng Đông Quảng Nam và Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y (thuộc tỉnh Kon Tum) qua các tuyến QL14E, ĐT610, ĐT611, hướng để kết nối với kinh tế khu vực với các nước Lào và Campuchia. Cụm Tây Nam bao gồm các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và phía Tây Phú Ninh liên kết phát triển cụm động lực số 3 của vùng Đông Quảng Nam thông qua tuyến Nam Quảng Nam.
Theo Báo Xây dựng