16/02/2022

Nghiên cứu tính kiến trúc xanh trong kiến trúc truyền thống – Một sự quay lại với truyền thống từ góc nhìn hiện đại

Ý kiến đại biểu tại Hội thảo “Xu hướng phát triển Công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam” (Viện Kiến trúc Quốc gia – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)

TS.KTS Vũ Hoài Đức – Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội

Trong thực hành kiến trúc, nếu không hiểu xanh là gì thì sẽ không thể làm nên những CTX, thậm chí không gian xanh thôi cũng không thể… Ví dụ: Chúng ta có một bản thiết kế về cây xanh nhìn rất bắt mắt. Nhưng, ở một góc độ khác, lại có ý kiến cho rằng nếu căn cứ vào hướng nắng, hướng gió, không gian của ngôi nhà thì việc chỉ định trồng cây xanh ở bản vẽ kia không phù hợp, cần thay đổi lại hết các loại cây trồng. Và cuối cùng phương án nào sẽ được chọn?

Kiến trúc xanh thực ra là tư duy mang tính liên ngành, có tính kỹ thuật rất cao. Phải chăng đấy là gợi ý cho việc phát triển theo hệ thống quan trắc, theo dõi, và nó trở thành một ngành hỗ trợ, song hành với giới kiến trúc? Tất cả những thông số vật lý kiến trúc hay thông số khác để làm định lượng cho bất cứ một công trình nào cũng có thể trở nên “xanh” hơn. Điều đó dẫn đến việc chúng ta không thể bắt sinh viên phải học hết tất cả những nội dung về CTX. Kiến thức là vô tận, mênh mông, không ai có thể biết hết. Chúng ta chỉ có cách nhìn, phương pháp làm sao cho đúng đắn. Vì vậy cần thay đổi từ chính cái tư duy đó…
Liệu có phải hiện nay chúng ta đang đem kiến trúc đồng bằng, nhà chia lô lên trên miền núi, ở các vùng khác nhau, nhân bản hóa mà không thích ứng với điều kiện văn hóa, địa hình, khí hậu? Đấy là công trình “xám” chứ không phải là công trình “xanh”. Điều này cần được nhận thức rõ. Muốn thay đổi nhận thức phải thay đổi từ những tế bào, từng thực thể cá nhân. Bởi đó là thứ thay đổi từ cái gốc rễ, cái dễ nhất chứ không thể thay đổi cả một thể chế. Ngược lại, thể chế sẽ làm gì để dẫn dắt, giúp thay đổi cái gốc rễ đó?

Về mặt kỹ thuật, khi nói về kiến trúc truyền thống, CTX dường như có sự quay lại, một vài cái phát triển đi lên, có sự gặp gỡ lại kiến trúc truyền thống với những yếu tố bản địa. Vậy thì 95% công trình nhà ở, không phải là chung cư sẽ học hỏi gì?

Sách Lịch sử Kiến trúc Việt Nam – cuốn mới nhất nói rất nhiều về nhà ở, phân vùng về nhà ở dân gian tất cả các dân tộc, vùng miền. Nhưng đấy mới chỉ là nhìn thấy, nó là định tính. Cần mở ra những nghiên cứu, xem tính kiến trúc xanh trong những công trình đó sẽ là gì. Đấy là một hướng nghiên cứu để quay lại với truyền thống ở góc nhìn hiện đại, và đó là một hướng nghiên cứu rất hay cần đặt ra. Đồng thời cũng hướng đến phát triển một nền kiến trúc Việt Nam hiện đại giàu bản sắc dân tộc./.