15/02/2022

6 giải pháp cần thực hiện để phát triển công trình xanh Việt Nam

Ý kiến đại biểu tại Hội thảo “Xu hướng phát triển Công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam” (Viện Kiến trúc Quốc gia – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)

TS.KTS Tạ Quốc Thắng – Vụ Quy hoạch – Kiến trúc, Bộ Xây dựng

Thực tế cho thấy Việt Nam cần một sự thực hiện đồng bộ giữa các nhóm giải pháp để tạo động lực và hình thành một thị trường CTX.

Xây dựng các chiến lược, mục tiêu dài hạn: Xác định các mục tiêu phát triển CTX toàn diện trên phạm vi toàn quốc, có hiệu quả, vững chắc và nhanh, nhằm mục tiêu theo kịp trình độ của các nước phát triển CTX trung bình trên thế giới vào năm 2030. Xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển CTX, đặc biệt quan tâm đến các cơ chế nhằm tháo gỡ tất cả các rào cản đối với phát triển CTX, ưu đãi về vật chất và phi vật chất đối với các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào xây dựng CTX. Xác định mục tiêu và lộ trình cụ thể cho các địa phương xây dựng CTX, tiến tới xây dựng các đô thị xanh, hình thành lối sống xanh.

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển CTX, cần phải làm rõ trong hệ thống pháp luật các vấn đề: Giải thích rõ ràng thuật ngữ CTX, công trình hiệu quả năng lượng; Đề xuất các chính sách ưu đãi nhằm huy động các nguồn lực của xã hội tham gia phát triển CTX, công trình hiệu quả năng lượng.

Cần sớm hoàn thiện và nâng cấp hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành CTX, công trình hiệu quả năng lượng. Nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến vật liệu, thiết kế lắp đặt trang thiết bị công trình, đánh giá hiệu quả năng lượng của vật liệu và thiết bị, hiệu quả năng lượng của tòa nhà. Đồng thời xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chứng nhận CTX phù hợp với điều kiện Việt Nam; bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng cho CTX.

Xây dựng, tạo lập và phát triển thị trường CTX: Tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục các tầng lớp trong xã hội hiểu về lợi ích của CTX nhằm mục đích kích thích nhu cầu xã hội đối với CTX. Chuyển hướng quan tâm của thị trường bất động sản từ giá thành sang giá trị của công trình. Phát huy thực hiện các “Mua sắm xanh”, đẩy mạnh công cụ “Tín dụng xanh”, “Trái phiếu xanh” để tạo vốn xây dựng CTX. Biểu dương và tôn vinh các nhà đầu tư có trách nhiệm để bảo vệ và gìn giữ môi trường chung.

Phát triển sản xuất vật liệu thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng. Sử dụng vật liệu không phát sinh chất ô nhiễm độc hại đối với sức khỏe của con người. Phát triển sử dụng vật liệu nhẹ, vừa có khả năng cách nhiệt tốt, giảm tải trọng tự thân công trình, do đó giảm chi phí cho kết cấu chịu lực và nền móng công trình. Tái sử dụng và tái chế chất thải (đặc biệt là chất thải xây dựng). Ưu tiên sử dụng vật liệu và các chế phẩm từ vật liệu tự nhiên có thể tái sinh nhanh, sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp để sản xuất vật liệu không nung.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, chủ đầu tư, các doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về CTX và những lợi ích mang lại của CTX. Đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng CTX. Đào tạo, hướng dẫn việc quản lý, vận hành và bảo dưỡng CTX. Tuyên truyền, trang bị cho người sử dụng những kinh nghiệm quản lý, vận hành và bảo dưỡng CTX, vận hành tất cả các hệ thống thiết bị trong CTX phải được giám sát và quản lý thông minh.

Đặc biệt, cần có sự cân bằng lợi ích của các bên để hướng tới xây dựng một văn hóa sống xanh bền vững. Có như vậy mới trả được giá trị nhân văn về đúng sứ mệnh của CTX./.