Chung cư xanh cao tầng Việt Nam – Thực trạng và xu hướng phát triển
(KTVN 237) – Tại Việt Nam, đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, trong đó có các chung cư cao tầng là mô hình được định hướng để phát triển hệ thống đô thị một cách bền vững. Theo đó, công tác hoàn thiện và nâng cấp hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn khác có liên quan đến vật liệu, thiết kế lắp đặt trang thiết bị công trình, đánh giá hiệu quả năng lượng của vật liệu và thiết bị, hiệu quả năng lượng của tòa nhà, nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, cần phải sớm triển khai. Đồng thời, cần đưa ra các khung tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh trong phát triển các đô thị xanh, công trình xanh Việt Nam.
Thực trạng chung cư cao tầng tại Việt Nam
Ngày 5/1/2006, sau 9 năm thực hiện các dự án thí điểm khu đô thị mới, Chính phủ ban hành Nghị định 02/2006/NĐ-CP về Quy chế khu đô thị mới, chính thức luật hóa phát triển đô thị theo các dự án khu đô thị mới, trong đó chủ yếu xây dựng nhà chung cư cao tầng.
Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt: Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại các đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và TPHCM) đạt trên 90%, đô thị từ loại 1 đến loại 2 đạt trên 60%, đô thị loại 3 đạt trên 40% tổng số đơn vị nhà ở xây dựng mới.
Luật Quy hoạch đô thị ra đời năm 2009 và đặc biệt Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch Xây dựng QCVN 1:2008/BXD tiếp nối những ưu việt của QCVN 1997, mặc dù còn một số thiếu sót nhất định nhưng là công cụ hữu hiệu để quản lý kiểm soát xây dựng nhà ở trong đó có các công trình xây dựng chung cư cao tầng. QCVN 01:2019/BXD và QCVN 01:2021/BXD tiếp nối tinh thần đó.
Theo các khái niệm về nhà cao tầng hiện nay thì phần lớn nhà cao tầng là nhà chung cư có các dạng chức năng nhà ở, thương mại, văn phòng hay dạng thức hỗn hợp kết hợp cả ba loại hình thức xây dựng trên được xây dựng trong các khu đô thị, hay những dự án xen kẹp xây dựng trong các khu nội đô hoặc công trình đơn lẻ trong khu phố cũ, phố cổ.
Cùng với sự phát triển kinh tế, xu thế nhà cao tầng nở rộ tại các đô thị Việt Nam, quy mô cũng như số tầng ngày càng tăng. Tuy nhiên, công tác quy hoạch và quản lý đô thị của Việt Nam còn nhiều bất cập. Số lượng những khu đô thị mới đạt chuẩn còn hạn chế, trong khi xuất hiện nhiều dự án nhà cao tầng vì lợi ích kinh tế, xây chen lấn chất tải lên hạ tầng kỹ thuật hiện hữu… Dịch vụ tiện ích trong các khu nhà ở cao tầng chưa thuận tiện. Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các đô thị vẫn còn thấp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Vấn đề về cấp thoát nước, PCCC, cứu hộ cứu nạn, thoát hiểm khi có sự cố là vấn đề nan giải đối với các nhà quản lý Việt Nam.
Bên cạnh một số ít các nhà cao tầng thành công, rất nhiều công trình xây lên chạy theo lợi nhuận, không chú trọng đến môi trường vi khí hậu, trở thành những cỗ máy tiêu thụ năng lượng. Nhiều nhà cao tầng chưa đáp ứng đầy đủ sự đi lại, giao lưu trong cộng đồng, các hoạt động giải trí, thể thao… khiến cho có cảm giác bức bối, ngột ngạt… Vấn đề vi khí hậu cho các căn hộ chưa được giải quyết, khoảng cách giữa con người với thiên nhiên ngày càng xa cách bởi không gian xanh hiếm hoi bị lấp đầy kính và bê tông.
Nhà cao tầng đang dần trở nên phổ biến tại các đô thị trên thế giới và đặc biệt là tại những đô thị chật hẹp có dân số cao như Việt Nam, nhằm tiết kiệm quỹ đất đô thị cho các mục đích công cộng như vui chơi giải trí, công viên cây xanh, cũng như giảm hệ thống hạ tầng, giao thông vận tải, mạng lưới dịch vụ dẫn đến giảm mức tiêu hao năng lượng.
Tuy nhiên, nhà cao tầng là kiểu kiến trúc tập trung tiêu hao nhiều năng lượng và không ngừng sản sinh phế thải và ô nhiễm. Với tốc độ tăng trưởng xây dựng bình quân 15%/năm, số toà nhà cao tầng, trung tâm thương mại, siêu thị mới sẽ tăng thêm rất nhiều và tỷ lệ sử dụng năng lượng trong các công trình xây dựng chiếm từ 40-70% tổng năng lượng tiêu dùng tại các đô thị, trong đó các công trình cao tầng chiếm 35-40% là rất lớn nhưng sử dụng tản mát, không hiệu quả và không kiểm soát được.
Xu hướng chung cư xanh cao tầng phát triển tại Việt Nam
Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong 1/4 thế kỷ qua, kinh tế thế giới đã tăng trưởng gấp 4 lần, mang lại lợi ích cho hàng trăm triệu người. Tuy nhiên, 60% các hàng hóa và dịch vụ hệ sinh thái của thế giới là cơ sở sinh kế quan trọng lại đang xuống cấp hoặc sử dụng thiếu bền vững do tăng trưởng kinh tế chủ yếu thông qua khai thác tài nguyên thiên nhiên, không chú ý tới khả năng tái tạo, khiến hệ sinh thái đang ngày càng xuống cấp.
Cùng lúc phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng tài chính, kinh tế gần đây, thế giới đã nhận thấy những yếu kém và rủi ro trong cấu trúc mô hình kinh tế phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, sự phát thải khí nhà kính quá mức gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH). Những áp lực này dẫn đến các quốc gia, tổ chức, thể chế tìm những hướng phát triển mới hài hòa hơn với thiên nhiên, nền kinh tế xanh là yêu cầu cơ bản đối với sự sống còn của các quốc gia.
Ngành Xây dựng đã và đang thực hiện cam kết thông qua các chính sách như: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW đặt ra các nhiệm vụ cụ thể về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong ngành Xây dựng; Luật Xây dựng sửa đổi (2020); Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; Chiến lược phát triển Vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050…
Từ năm 2005, Bộ Xây dựng đã ban hành QCXDVN 09:2005 – Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đến năm 2013, quy chuẩn này được xem xét bổ sung và chỉnh sửa, thay thế bằng QCVN 09:2013/BXD sau đó là QCVN 09:2017/BXD. Như vậy, phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng trong đó có các tòa nhà chung cư cao tầng là một trong các giải pháp và là xu hướng tất yếu.
Tuần lễ Công trình xanh 2020 do Bộ Xây dựng phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức. Sự kiện được hỗ trợ bởi Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và các cơ quan, đơn vị liên quan là diễn đàn chia sẻ trao đổi thông tin, kinh nghiệm về xây dựng cơ chế chính sách; Công nghệ, sản phẩm, thiết bị, vật liệu mới phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; Thúc đẩy các dự án phát triển đô thị theo hướng giảm tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên.
Tuần lễ Công trình xanh 2021 thu nhỏ tiếp theo, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng đã tổ chức thành công hội thảo mang chủ đề “Giải pháp quy hoạch kiến trúc xanh cho các công trình cao tầng từ kết quả khảo sát các đô thị lớn tại Việt Nam” là minh chứng cho xu thế xây dựng phát triển các chung cư hay các công trình cao tầng xanh tại Việt Nam.
Về các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh
Đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó BĐKH là đô thị trong đó có các tòa chung cư cao tầng với mọi chỉ tiêu xây dựng đều hướng đến giảm phát thải, bảo vệ môi trường, vật liệu xây dựng được sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả.
Chung cư thông minh cao tầng được vận hành hiệu quả nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ thông tin, cư dân được thụ hưởng các tiện ích thông minh. Mục đích cuối cùng của chiến lược xây dựng các chung cư cao tầng xanh, thông minh, ứng phó BĐKH là nâng cao chất lượng sống của cư dân, hướng đến xây dựng một đô thị phát triển bền vững và đáng sống.
Tại Việt Nam, đô thị tăng trưởng xanh, thông minh trong đó có các chung cư cao tầng là mô hình được định hướng để phát triển hệ thống đô thị một cách bền vững theo từng giai đoạn và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của từng vùng, từng địa phương. Ngày 5/1/2018, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BXD quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh
Trong quá trình lập, thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng và đô thị, các Sở Xây dựng phải quan tâm đưa vào các tiêu chí đô thị xanh, chung cư xanh phát triển bền vững có khả năng thích ứng với BĐKH, tạo môi trường sống trong lành. Việc lập, thẩm định các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh phải lồng ghép các mô hình phát triển đô thị phù hợp với định hướng phát triển đô thị tăng trưởng xanh.
Để việc xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó BĐKH có thể được đẩy mạnh thì UBND tỉnh sớm triển khai hướng dẫn, kiện toàn và bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý quy hoạch và phát triển đô thị. Các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn về quản lý đầu tư phát triển đô thị, lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng. Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý đô thị của các địa phương tiếp cận các mô hình phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh và ứng phó BĐKH.
Tỉnh nghiên cứu, bố trí đủ nguồn vốn để lập và phê duyệt đồng bộ phủ kín 100% các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của tỉnh; Triển khai chương trình phát triển đô thị, hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị có lồng ghép các mô hình phát triển tăng trưởng xanh, thông minh và ứng phó BĐKH tại các khu vực đã có quy hoạch chung được duyệt để làm cơ sở lập kế hoạch, danh mục các dự án đầu tư phát triển đô thị cho những năm tiếp theo.
Việc triển khai, đề xuất đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị, khu dân cư phải nằm trong chương trình phát triển đô thị, hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị được duyệt.
Rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch đô thị, lồng ghép các mô hình phát triển đô thị phù hợp với định hướng phát triển đô thị tăng trưởng xanh như đô thị xanh, đô thị kinh tế – sinh thái, đô thị thông minh, đô thị các-bon thấp và các giải pháp thuộc các lĩnh vực ưu tiên:
- Phát triển giao thông đô thị xanh, giao thông công cộng và các hình thức giao thông phát thải thấp, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch;
- Phát triển công trình xanh, thân thiện môi trường;
- Sử dụng tiết kiệm và chống thất thoát, thất thu nước sạch;
- Xử lý rác thải, chất thải theo hướng giảm xả thải, phát thải, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng và tái chế rác thải;
- Phát triển, ứng dụng vật liệu xây dựng và công nghệ xây dựng xanh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch;
- Phát triển khu đô thị xanh, sinh thái;
- Tăng cường năng lực chống chịu BĐKH đối với các đô thị;
- Phát triển đô thị thông minh;
- Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cán bộ quản lý, chuyên môn các cấp về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh;
- Ban hành cơ chế chính sách, ưu tiên, ưu đãi, khuyến khích việc thực hiện các lĩnh vực ưu tiên.
Kết luận
Xây dựng công trình theo hướng công trình xanh trong đó có các công trình cao tầng, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người ngày càng phổ biến và trở thành xu thế trên thế giới. Tuy nhiên, hiện số lượng công trình xanh vẫn còn ít so với thị trường xây dựng Việt Nam. Tính đến đến quý III/2020, Việt Nam có hơn 155 công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận theo các tiêu chí, tiêu chuẩn LEED (Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore), EDGE (IFC,WB), LOTUS (VGBC)…
Tại hầu hết các nước có trình độ xây dựng tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Đức, Mỹ, Singapore, Malaysia… Chính phủ đều đã yêu cầu áp dụng các quy định kỹ thuật xây dựng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng khi đầu tư xây dựng công trình.
Theo đó, Bộ Xây dựng cần phải hoàn thiện và nâng cấp hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, cần phải sớm triển khai hàng loạt các tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan đến vật liệu, thiết kế lắp đặt trang thiết bị công trình, đánh giá hiệu quả năng lượng của vật liệu và thiết bị, hiệu quả năng lượng của tòa nhà.
Bộ Xây dựng cần đưa ra các khung tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của thế giới, đồng thời để các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc khoa học thiết lập tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh hoặc thừa nhận các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế dựa trên khung tiêu chí, tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng hướng dẫn./.
TS Lý Văn Vinh – Ths.KTS Đỗ Thu Vân/Viện Kiến trúc Quốc gia