“Anh Coffee Roastery” là một thương hiệu khá mới trên thị trường cà phê Việt Nam, chưa được định hình rõ bởi bất kỳ phong cách thiết kế nào. Với mặt bằng hiện tại có vị trí đắc địa tại trung tâm Sài Gòn, mặt tiền rộng và khoảng lùi sâu so với khối kiến trúc hiện hữu, đây sẽ là lợi thế để Red5 lên ý tưởng hay cho dự án lần này.
Kiến trúc sư: Red5studio
Diện tích: 374 m²
Năm hoàn thành: 2021
Hình ảnh: Đỗ Sỹ
Công trình lấy cảm hứng từ khung cảnh vùng đất đỏ bazan trồng cà phê vào những ngày mây mù. Cảm giác được hòa mình vào chốn bồng bềnh đó chính là chất liệu và nguồn cảm hứng chính mà Red5 muốn kể cho dự án này.
Với hiện trạng khá nhiều cột do tòa nhà được cải tạo từ dãy nhà cũ, nhóm thiết kế đã kết nối hệ thống cột này với một dải bàn chung lớn trải dài toàn bộ không gian tầng 1. Bên cạnh đó, việc tạo một lối đi khác bên ngoài công trình dẫn khách từ không gian bên trong của tầng 1 lên một “khu vườn nhỏ ngoài trời” ở tầng 2. Làm khoảng giếng trời nhỏ giữa tầng 2 để trồng cây vừa tạo sự liên kết vừa lấy sáng cho không gian bên dưới. Với lợi thế là tòa nhà lùi sâu và nhiều cây xanh, không gian này rất thích hợp cho những ai yêu thích không khí tự nhiên.
Bằng cách tạo khối “gạch đỏ” với những đường cong nhẹ nhàng của hệ thống lưới trắng, khó có thể biết hiện trạng chỉ là một khối văn phòng bằng kính cứng nhắc. Sự thay đổi mạnh mẽ về màu sắc, hình dáng, chất liệu có lẽ đã tạo nên điểm nhấn cho “ Anh Coffee Roastery ” ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Bằng ngôn ngữ thiết kế và sự kết hợp vật liệu, KTS đưa gạch đất nung đỏ từ mặt tiền vào toàn bộ không gian nội thất – sàn, tường, quầy bar hay thậm chí là các khối ghế ngồi. Phần mây được thiết kế bởi hệ thống lưới sắt chạy dọc trên trần xuyên suốt cả hai tầng và mặt tiền. Ngoài ra, màu xanh nước biển – màu đặc trưng của thương hiệu và chất liệu gỗ tự nhiên cũng được đội ngũ thiết kế khéo léo đưa vào không gian.
Được dẫn dắt bởi những đường cong từ chiếc bàn lớn ở tầng trệt đến lưới sắt xuyên suốt tòa nhà, kết hợp với những viên gạch đất nung đỏ thẳng tắp, tất cả hòa quyện tạo nên một không gian mềm mại.
PV/archdaily