Đà Nẵng: Thực trạng và định hướng phát triển hạ tầng, đô thị và đất đai
Ngày 29/12, UBND thành phố tổ chức Hội thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của Hội thảo là đưa ra thực trạng và định hướng phát triển hạ tầng, đô thị và đất đai, từ đó xác định đúng hướng mô hình dự báo phát triển cho thành phố.
Về thực trạng hạ tầng giao thông hiện nay đơn vị tư vấn đưa ra, đối với mạng lưới giao thông đường bộ hiện tại của Đà Nẵng, mặc dù đã kết nối được thành phố với các địa phương lân cận và toàn quốc nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh đường cao tốc và chưa đủ năng lực để nâng tầm vị trí trung tâm vùng và khu vực của Đà Nẵng. Mức độ đáp ứng cơ sở hạ tầng giao thông thành phố còn thấp hơn nhiều so với quy định, đặc biệt là tỉ lệ mật độ diện tích đường chỉ đạt từ 4 – 18% so với quy định.
Bãi đỗ xe còn thiếu, vị trí ga Đà Nẵng và hướng tuyến của đường sắt Bắc Nam qua địa bàn Đà Nẵng còn có một số hạn chế, không có khả năng mở rộng khi nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa tăng. Do đó, việc di dời ga Đà Nẵng và tuyến đường sắt Bắc Nam ra khỏi khu vực trung tâm thành phố là cần thiết.
Về tổ chức giao thông tiếp cận sân bay hiện tập trung theo một số tuyến đường chính trung tâm nên có thể tạo ra áp lực giao thông lớn các tuyến đường trục này cũng như cho các đường trục phía Tây vào trung tâm thành phố nên cần nghiên cứu cải tạo và nâng cao năng lực thông hành cho các tuyến đường trục kết nối với cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng như mở rộng đường hay xây cầu vượt tại vị trí các nút giao.
Về giao thông công cộng mới đáp ứng dưới 1% tổng nhu cầu đi lại của người dân. Tốc độ tăng trưởng sản lượng xe buýt giai đoạn 2017-2019 khoảng 43,4%.
Môi trường cho người đi bộ ở Đà Nẵng không được tạo điều kiện. Mặc dù có những lối đi cho người đi bộ dọc mỗi con phố, nhưng những lối đi này thường bị cản trở bởi các sạp hàng rong hoặc xe máy. Thiếu các tính năng quản lý giao thông để thúc đẩy các kết quả an toàn đường bộ trong môi trường không thân thiện cho người đi bộ.
Về san nền toàn bộ các khu vực của thành phố đã được san nền với tần suất P=5%, tần suất san nền này được lựa chọn hoàn toàn phù hợp với quá trình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị mới trong những năm vừa qua. Tuy nhiên tần suất này chưa phù hợp quy định trong QCVN 01:2021/BXD đối với đô thị loại 1 hiện nay nhất là khi tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng ảnh hưởng đến đô thị.
Khu vực khu đô thị cũ, các khu đô thị mới, các khu công nghiệp và các khu dân cư hiện trạng hầu hết đã được xây dựng trên cao độ đảm bảo không bị ảnh hưởng của lũ lụt hoặc đã xây dưng theo cao độ khống chế của quy hoạch chung xây dựng.
Quan điểm của đơn vị tư vấn đưa ra cần phát triển hạ tầng đảm bảo thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đảm bảo kết nối hiệu quả; đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn. Phát triển hài hòa các địa phương, các vùng, đáp ứng các yêu cầu phát triển của thành phố trong thời kỳ quy hoạch.
Phát triển hạ tầng kỹ thuật đi trước một bước tạo nền tảng quan trọng phát triển kinh tế – xã hội. Đảm bảo phù hợp với định hướng chính trong đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do của Liên danh tư vấn Surbana Jurong và Sakae Corporate Advisory thực hiện, đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/03/2021. Đảm bảo phù hợp với đặc điểm thực trạng hiện nay của thành phố, đồng bộ với những định hướng chung của các ngành. Phát triển hạ tầng kỹ thuật phải tính đến tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Về góp ý dự thảo đồ án Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo các ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý thì Đà Nẵng cần xây dựng các nội dung theo hướng mở, không đi quá sâu vào chi tiết để thuận lợi cho việc triển khại các đồ án quy hoạch như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Đồ án nên lưu ý nội dung về vấn đề mục tiêu, giải pháp, nguồn lực trong quản lý đô thị thông minh, chuyển đổi số cần gắn liền với mô hình dự báo. Tổng thể đồ án thực sự là mô hình dự báo nên cần có sở khoa học để trong quá trình thực hiện có đánh giá tổng kết để thành phố phát triển dài hạn của thành phố.
Đối với quy hoạch đô thị, hạ tầng xã hội nên tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút nguồn vốn của toàn xã hội. Phát triển khu vực đô thị sân bay cần tích hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội để tạo nên những lĩnh vực, ngành kinh tế có thế mạnh. Việc quy hoạch liên kết, hợp tác vùng đô thị, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đặc biệt đối với Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam là rất quan trọng. Làm sao để tạo động lực phát triển thành phố qua thu hút đầu tư cho quy hoạch đa trung tâm. Đối với những khu đô thị nén thì phải gắn kết với quy hoạch giao thông trong đó có giao thông công cộng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho biết về tiến độ thực hiện đồ án đến tháng 4/2022 sẽ hoàn thiện trình nội dung đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, đến 30/6/2022 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nguyễn Nam/BXD