27/08/2015

Xây dựng thành phố sinh thái – còn không ít chông gai

Ở Việt Nam, Đà Nẵng đang được xem như một điển hình trong phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng một thành phố sinh thái.


Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Thực tế cho thấy, tốc độ đô thị hóa rất nhanh thời gian qua đem lại cho Đà Nẵng một tầm vóc mới cả về không gian lẫn chất lượng đô thị. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, Đà Nẵng đang đối mặt với khá nhiều thách thức để có thể trở thành một đô thị hiện đại, phát triển bền vững. Vì thế, chính quyền thành phố này đã và đang hoạch định nhiều chính sách phát triển với mục tiêu tăng trưởng xanh, tạo lập một đô thị phát triển bền vững.

Trước mắt, Đà Nẵng đã đặt mục tiêu xây dựng thành phố môi trường. Và việc phát triển công nghiệp xanh là yếu tố mang tính quyết định để đạt mục tiêu này. Trong những năm gần đây, Đà Nẵng đã có chính sách phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao và ngừng cấp phép đầu tư những lĩnh vực gây ô nhiễm. Hiện thành phố cũng đã xây dựng bộ tiêu chí khu công nghiệp sinh thái và việc chuyển đổi tất cả các khu công nghiệp cũ thành các khu công nghiệp sinh thái. Ngoài ra, theo các chuyên gia, tăng trưởng xanh cho Đà Nẵng còn có thể được lồng ghép thông qua việc cung cấp một số dịch vụ cho người dân như: giao thông đô thị, thu gom xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, dịch vụ nhà ở…

Rõ ràng, những nỗ lực trong tạo lập một đô thị sinh thái của Đà Nẵng, dù mới là giai đoạn khởi đầu, đang cho thấy, sẽ còn không ít chông gai. Đây là một quá trình dài hơi, chứ không phải là tầm nhìn chỉ trong một hoặc hai năm. Bởi lẽ, ngay với Đà Nẵng, dù nhận thức như thế, dù đã đưa vào các chương trình hành động, nhưng hiệu quả thực sự còn chưa rõ nét.

Với nhiều đô thị khác cũng vậy, chúng ta sẽ không thể có được các đô thị sinh thái, bền vững, nếu vẫn cứ ào ạt lấy đất nông nghiệp làm khu đô thị, chia rừng, chia mặt biển làm khu nghỉ dưỡng, làm resort; dùng tiền ngân sách ào ạt nhập công nghệ mới trên giấy mà thực chất lại là những công nghệ cũ, lạc hậu, biến đất nước thành một “bãi rác công nghệ” cho cả thế giới. Chúng ta không thể sống xanh khi những lựa chọn, quyết định chỉ nhăm nhe cho lợi ích cá nhân hay một vài nhóm lợi ích nào khác! Bài học về những khu đô thị với nhà cao tầng san sát lơ thơ mảng xanh, những bãi biển bị khoanh vùng chia lô… còn đó.

Thêm nữa, theo các chuyên gia, sự khơi dậy và phát triển thành công các thành phố sinh thái phụ thuộc vào sự cân bằng lành mạnh trong quản trị từ trên xuống và từ dưới lên ở cấp địa phương. Một thành phố có thể hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ bền vững bằng cách tối đa hóa nguồn thu hiện có và xác định những tiềm năng mới, bằng cách tận dụng các nguồn lực khác từ khu vực tư nhân, và bằng cách mời tài trợ để hỗ trợ sự phát triển của các sáng kiến ​​phát triển bền vững.

Dù nhìn thấy điều đó, nhưng với Việt Nam, có lẽ con đường xây dụng các thành phố sinh thái sẽ còn không ít chông gai.

Ngọc Lý/Báo Xây dựng