19/11/2021

Toạ đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp”

Nhằm góp phần đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy loại hình nhà ở công nhân trong khu công nghiệp phát triển mạnh trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Được sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, sáng 19/11/2021, tại trụ sở Bộ Xây dựng, diễn ra buổi Toạ đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp” do Báo Xây dựng tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự Tọa đàm, về phía Bộ Xây dựng có: PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường; bà Tống Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế; PGS.TS Lưu Đức Cường – Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia; ông Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng; ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản; ông Vũ Anh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc; ông Đỗ Văn Quảng – Phó Chủ tịch Công đoàn xây dựng Việt Nam cùng đại diện các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Xây dựng.

Về phía Báo Xây dựng có: Ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng Biên tập Báo Xây dựng; TS.Phạm Gia Yên – Cố vấn Báo Xây dựng cùng các Phó Tổng biên tập.

Ngoài ra còn có đại diện các Sở Xây dựng, doanh nghiệp và đại biểu từ 10 điểm cầu trên cả nước như: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng…và một số KCN trên cả nước được kết nối trực tuyến.

Toàn cảnh Tọa đạm (Ảnh: BXD)

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết: Được sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng tổ chức Tọa đàm trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Phát triển nhà ở công nhân – Thực trạng và giải pháp” nhằm tổng kết các vấn đề thiếu trong hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân; đề xuất Bộ Xây dựng, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật thúc đẩy loại hình nhà ở công nhân trong khu công nghiệp phát triển mạnh trong thời gian tới. Chúng ta sẽ làm rõ một số vấn đề như, thực trạng thủ tục đầu tư nhà ở công nhân có phiền hà, phức tạp, vướng mắc không? Nếu có thì vướng mắc gì và chúng ta sẽ đi tìm giải pháp tháo gỡ.

Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân là yếu tố quan trọng để mang lại hiệu quả sản xuất, đem đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Hơn thế, môi trường kinh doanh khép kín sẽ đảm bảo duy trì cho việc sản xuất trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Nhất là trong đợt dịch Covid-19 lần 4 vừa qua, đã phát lộ đầy đủ hơn vấn đề bức xúc của công nhân lao động – đó là nhà ở.

Mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Nhưng các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư, thực tế thực hiện còn nhiều vướng mắc, còn độ vênh giữa quy định và thực tiễn.

Ông Nguyễn Anh Dũng hy vọng buổi Tọa đàm hôm nay sẽ tập trung được nhiều ý kiến, kiến nghị chất lượng nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ cơ chế chính sách đến trình tự đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Những kiến nghị của các sở ngành, các chuyên gia, các doanh nghiệp…sẽ được Báo Xây dựng tổng hợp để báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập Báo Xây dựng phát biểu khai mạc Tọa đàm (Ảnh: BXD)

Thực tế cho thấy việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị giao các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân KCN.

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000 m2 (đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020); đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000 m2. Trong đó: đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn, tổng diện tích 6.700.000 m2.

Trong 09 tháng đầu năm 2021 đã hoàn thành 15 dự án với 3.858 căn, 192.900 m2. Được cấp phép đầu tư mới 6 tháng đầu năm 2021, 7 dự án với 3.341 căn, 167.050 m2. Đối với việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, tổng hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và báo cáo của các địa phương thì mục tiêu đến năm 2020 cả nước dành khoảng 600ha đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án với diện tích đất hơn 350 ha).

Như vậy việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân KCN cơ bản đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

Theo quy định pháp luật về nhà ở, đối với nguồn vốn hỗ trợ nhà ở xã hội thì Chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân được thực hiện giống như nhà ở xã hội dành cho các đối tượng theo Điều 49 Luật Nhà ở.

Theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016-2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở (Ngân hàng CSXH tự huy động thêm 2.163 tỷ đồng nữa để thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội theo quy định). Theo báo cáo từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong cả giai đoạn 2020 – 2025 mới chỉ có khoảng 2.270 lượt khách hàng là người lao động được vay vốn theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, với dư nợ khoảng 794 tỷ đồng.

Đối với các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (04 Ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020 chưa có chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Kết quả phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tuy đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở).

Buổi Tọa đàm đã tiếp thu nhiều ý kiến của chuyên gia, đại diện doanh nghiệp xây dựng, vật liệu cũng như đại diện các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Xây dựng.

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết: Ngoài các đại biểu tham gia trực tiếp, Ban tổ chức đã nhận được hơn 10 tham luận từ các tỉnh, thành gửi về, cũng tại buổi Tọa đàm các đại biểu đã tập trung vào các ý kiến, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ cơ chế chính sách đến trình tự thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Những kiến nghị của các Sở ngành, các doanh nghiệp, các chuyên gia…sẽ được Báo Xây dựng tổng hợp để báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

TH