21/08/2015

Gỡ vướng trong việc cấp chủ quyền nhà và quyền sử dụng đất

UBND thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) để gom việc cấp chủ quyền nhà, quyền sử dụng đất về một đầu mối. Việc này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi hơn trong giải quyết các thủ tục, gỡ các vướng mắc pháp lý, tính thuế theo cơ chế liên thông điện tử nhanh gọn hơn. Tuy nhiên, qua gần hai tháng triển khai lại phát sinh nhiều vướng mắc mới, cần sớm được tháo gỡ.


Người dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và nhà ở tại Phòng Đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh.

Theo quy định, Văn phòng ĐKĐĐ trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hồ Chí Minh, bắt đầu hoạt động từ ngày 1-7-2015. Đơn vị này được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của thành phố và 24 Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của các quận, huyện. Người dân kỳ vọng việc sáp nhập trên sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn trong việc xin cấp chủ quyền nhà và quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, khi Văn phòng ĐKĐĐ đi vào hoạt động, nhiều người dân có nhu cầu được cấp chủ quyền nhà, quyền sử dụng đất vẫn gặp điệp khúc “chờ nhé”. Đại diện Sở TN-MT thành phố giải thích, một số trường hợp do vướng mắc về thẩm quyền ký giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, sau khi thành lập Văn phòng ĐKĐĐ thành phố, sở lại là cơ quan ký GCN cho một số loại giấy tờ trước đây do quận ký. Do đó, lượng hồ sơ tăng lên rất nhiều, trong khi cơ sở dữ liệu đất đai chưa hoàn thiện, thời gian giải quyết ngắn. Sở TN-MT lo ngại rằng sẽ khó bảo đảm ký trả đúng thời hạn cho các trường hợp bổ sung nhà vào đất đã được cấp GCN. Chưa kể loại hồ sơ này còn phải lấy ý kiến địa phương về thời điểm xây dựng, tình trạng tranh chấp, xử phạt xây dựng sai phép…

Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ thành phố Phạm Ngọc Liên cho biết, để giải quyết những vướng mắc có thể gây trễ hạn hồ sơ nhà, đất của người dân, Sở TN-MT thành phố đã thống nhất với các quận, huyện về phân định thẩm quyền. Sắp tới, Sở TN-MT sẽ ban hành quy chế phối hợp theo hướng quy trách nhiệm cụ thể trong việc cấp GCN để có thể đẩy nhanh tiến độ giải quyết cho người dân. Hiện nay, việc phân cấp thẩm quyền ký GCN cho người dân còn chưa được hiểu thống nhất giữa các đơn vị. Sở TN-MT đã tổng hợp, báo cáo UBND thành phố về vấn đề này.

Trong lúc chờ sự chỉ đạo của thành phố, để tránh xử lý chậm trễ hồ sơ của người dân, đầu tháng 8 vừa qua, Sở TN-MT đã có văn bản gửi các quận, huyện thống nhất về thẩm quyền đối với một số trường hợp đang còn vướng mắc. Cụ thể, trường hợp người dân đã được quận, huyện cấp GCN nay muốn hợp thức hóa thêm phần đất nằm ngoài ranh giới trong chủ quyền, thì thẩm quyền giải quyết thuộc UBND quận, huyện. Nếu người dân muốn hợp hai thửa đất đã được cấp GCN và phần mới được cấp bổ sung thành một thửa thì cũng do quận, huyện giải quyết. Trường hợp cấp GCN cho việc tách thửa theo Quyết định 33/2014 của UBND thành phố, Sở TN-MT cũng thống nhất là thẩm quyền của UBND quận, huyện. Còn trường hợp cấp GCN cho người dân xây dựng mới nhà trên phần đất đã được cấp GCN thì trước mắt cứ sẽ thực hiện theo Thông tư 02/2015 (tức Sở TN-MT ký) trong lúc chờ hướng dẫn của Bộ TN-MT để tránh ùn tắc cho người dân.

UBND thành phố đã chấp thuận cho Sở TN-MT được ký quy chế phối hợp tạm thời với các quận, huyện trong khi chờ quy chế chính thức ban hành theo trình tự thủ tục quy định. Văn phòng ĐKĐĐ cũng đã soạn dự thảo quy chế phối hợp trình Sở TN-MT thông qua. Dự thảo quy chế này nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, công tác phối hợp, thời gian thực hiện của các bên, thời gian luân chuyển hồ sơ… Đó là cơ sở để các bên thực hiện và truy trách nhiệm nếu trễ hạn trả hồ sơ của dân.

Theo Nhân dân