18/10/2021

Chậm di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô vì vướng chính sách

Theo UBND TP Hà Nội, nguyên nhân của việc di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô dù đã có chủ trương từ lâu nhưng kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế do vướng Luật.

Thực trạng ì ạch

Từ tháng 4/2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1619/QÐ-UBND nhằm kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tiến độ thực hiện di dời các nhà máy diễn ra ì ạch, trong khi đó, mật độ dân số và chất lượng không khí ngày càng trở nên báo động.

Chỉ tính riêng trên địa bàn Quận Đống Đa, ngày 23/1/2015, UBND Quận Đống Đa đã báo cáo kiến nghị TP Hà Nội di dời 14 cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, đến nay danh mục trên vẫn chưa được phê duyệt công bố.

Đến ngày, ngày 15/5/2020, UBND quận Đống Đa có Văn bản số 875/UBND-TNMT về việc rà soát, lập danh mục các cơ sở nhà, đất không phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị và các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị.

Theo báo cáo này trong tổng số 14 cơ sở đã đề xuất di dời trên địa bàn quận Đống Đa (chưa công bố danh sách) hiện có 01 cơ sở đã chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án xây dựng nhà cao tầng thương mại là trường hợp của Công ty In và văn hóa phẩm tại địa chỉ số 83 phố Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa. Còn lại có 05 cơ sở đang tạm dừng sản xuất và 08 cơ sở đang hoạt động.

Được biết, đến ngày 06/10/2020, Tổ công tác liên ngành của Hà Nội đã làm việc tại quận Đống Đa về nội dung trên. Tại cuộc làm việc, Tổ công tác liên ngành của Hà Nội đã nhận định nguyên nhân khiến danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận Đống Đa chưa được phê duyệt, công bố là do trong quá trình triển khai, về cơ chế, chính sách áp dụng có nhiều thay đổi, bất cập; dẫn đến tiến độ xử lý, di dời chậm, khó khăn trong việc xác định tiêu chí, thẩm quyền để đảm bảo đúng đối tượng đưa vào danh mục đề xuất di dời.

Trong số 14 dự án “lọt” tầm ngắm di dời trên địa bàn quận Đống Đa đến nay mới chỉ có 1 dự án chuyển đổi được. Ảnh: Dự án xây dựng nhà cao tầng thương mại của Công ty In và văn hóa phẩm tại địa chỉ số 83 phố Hào Nam.

Vướng chính sách

Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri UBND TP Hà Nội cho biết hiện nay, việc sắp xếp di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch trên địa bàn Thành phố thực hiện theo quy định tại Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số điểm chưa thống nhất. Cụ thể, theo UBND TP Hà Nội hiện có 04 vướng mắc lớn, điển hình gồm:

Thứ nhất, việc xác định đối tượng di dời, theo Quyết định 130 không phân biệt doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước trong khi Nghị định 167 và Nghị định 67 lại quy định doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Về thẩm quyền phê duyệt danh mục di dời theo Quyết định 130 là Thủ tướng Chính phủ nhưng Nghị định 167 lại quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với di dời do ô nhiễm môi trường và UBND cấp tỉnh sau khi có ý kiến của HĐND cùng cấp đối với di dời theo quy hoạch.

Thứ hai, cơ chế, chính sách áp dụng có nhiều thay đổi, cơ chế di dời chưa có chính sách cho tổ chức kinh tế chuyển mục đích sử dụng theo quy hoạch đất hoặc doanh nghiệp di dời được lựa chọn làm nhà đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án theo quy hoạch (trước đây chính sách tại Quyết định số 86/2010/QĐ- TTg ngày 22/12/2010, có quy định: Doanh nghiệp phải di dời tự làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch nay đã hết hiệu lực thi hành).

Thứ ba, hiện nay theo Điều 3, Quyết định số 130 quy định quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí cho doanh nghiệp bị di dời. Như vậy nhiều doanh nghiệp có cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch không thống nhất đưa vào danh mục di dời (do theo quy định của Luật Đất đai hiện hành thì có hình thức tổ chức kinh tế đang sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch).

Thứ tư, hiện nay theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 104 Mục 1 Chương X Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định “Việc rà soát, phát hiện cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tiến hành hằng năm và theo trình tự sau:…c) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chỉnh phủ, UBND cấp tỉnh trình Thủ tưởng Chính phủ quyết định danh sách và biện pháp xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;…”. Tuy nhiên, đến nay, danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cơ quan, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế ra khỏi nội thành lại chưa được các Bộ, ngành triển khai, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đẩy nhanh kiến nghị tháo gỡ

Theo UBND TP Hà Nội, đơn vị này đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp cùng các Sở ban ngành và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tổng hợp, báo cáo danh mục di dời cơ sở công nghiệp không phù hợp quy hoạch xây dựng ra khỏi khu vực nội thành.

Bên cạnh đó, cũng theo UBND TP Hà Nội hiện Hà Nội báo cáo các Bộ, ngành thi hành Luật Thủ đô giải quyết các kiến nghị tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội sẽ đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung thẩm quyền phê duyệt danh mục cơ sở nhà, đất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị cũng như thống nhất tiêu chí cơ sở công nghiệp gây ô nhiêm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị; và bổ sung cơ chế chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh sau khi xác định rõ tiêu chí, thẩm quyền và kết quả rà soát lại danh mục để đảm bảo đúng đối tượng thì UBND sẽ trình HĐND Thành phố xin ý kiến thống nhất trước khi phê duyệt danh mục di dời các cơ sở không phù hợp với quy hoạch.

Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề tài chính, UBND TP Hà Nội sẽ báo cáo Bộ Tài Chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế di dời trong đó có nội dung chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch và liên doanh liên kết để thực hiện dự án tại nơi di dời… như chính sách tại Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 đã hết hiệu lực thi hành nhằm tạo cơ chế phù hợp cho các cơ sở di dời thực hiện.