Nhà ở cho công nhân tại TPHCM: Tìm cơ chế tăng nguồn cung
Hiện nay, phần lớn công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh chưa được sở hữu nhà ở, phải thuê phòng trọ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Mặc dù thành phố đã xây dựng một số dự án nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Việc tìm giải pháp để tăng nguồn cung nhà ở cho đối tượng này là một trong những việc cần sớm thực hiện trong thời gian tới.
Khan hiếm nhà ở cho công nhân
Anh Trần Vĩnh Tân (quê tỉnh Trà Vinh) lên thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) từ năm 2009. Sau nhiều lần chuyển nhà trọ, đến nay vợ chồng anh cùng con nhỏ đang thuê căn hộ rộng 45m². “Chúng tôi xác định lập nghiệp, ổn định cuộc sống lâu dài ở thành phố này. Nhưng hơn 10 năm lao động vất vả, vợ chồng tôi vẫn chưa thể dành dụm đủ tiền mua căn nhà để an cư”, anh Trần Vĩnh Tân buồn bã.
Chia sẻ của anh Trần Vĩnh Tân cũng là nỗi trăn trở của hàng trăm nghìn công nhân, người lao động chưa có nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện thành phố có khoảng 1,6 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay thành phố chỉ mới thực hiện 34 dự án nhà lưu trú cho công nhân với hơn 5.500 phòng. Từ cuối năm 2019, thành phố triển khai thêm 15 dự án nhà lưu trú cho công nhân với diện tích khoảng 47ha, nhưng đến nay chưa hoàn thành.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa (huyện Bình Chánh) cho biết, thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân hiện kéo dài tới 2-3 năm, cộng thêm thời gian thi công xây dựng lên tới 5-6 năm. “Lợi nhuận trong đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân chỉ khoảng 10%. Thời gian kéo dài như thế, tính ra doanh nghiệp chỉ có lợi nhuận khoảng 2%/năm nên khó thu hút nhà đầu tư. Nếu thành phố có chính sách riêng trong đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân như cắt giảm tối đa thủ tục hành chính thì doanh nghiệp sẽ tham gia nhiều hơn” – ông Lê Hữu Nghĩa phân tích.
Xây dựng cơ chế phù hợp
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Bùi Xuân Dũng cho rằng, cần có chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân, người lao động trong khu chế xuất, khu công nghiệp, như miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm các loại thuế; được vay vốn tín dụng ưu đãi… Ngoài ra, cần sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất phát triển nhà ở cho đối tượng này trong pháp luật đất đai, đầu tư theo hướng bố trí quỹ đất ngay trong khu chế xuất, khu công nghiệp; coi nhà ở cho công nhân, người lao động là một hạ tầng không thể thiếu của khu chế xuất, khu công nghiệp.
Mới đây nhất, ngày 1-4-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó, về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại khu công nghiệp, nghị định quy định khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, cơ quan có thẩm quyền phải xác định rõ diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quy định trên tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn để cơ quan nhà nước cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, nhất là với địa phương có nhiều công nhân như thành phố Hồ Chí Minh.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2030, thành phố sẽ phát triển thêm khoảng 4 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Về giải pháp thực hiện, thành phố sẽ đa dạng hóa các phương thức đầu tư, chủ yếu sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Thành phố sẽ ưu tiên bố trí quỹ đất khu vực ngoại thành dọc các trục đường giao thông công cộng; thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để các nhà đầu tư sử dụng nguồn vốn xã hội hóa xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, trong đó có nguyên nhân đến từ việc nhiều công nhân trên địa bàn thành phố chưa có chỗ ở ổn định, an toàn. Từ thực tế này, thời gian tới cần rút ra bài học về vấn đề nhà ở cho công nhân. “Cần huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện chiến lược nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp”, ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.
Nguyễn Lê/Hà Nội mới