Sửa Luật Đất đai: Việc đại sự và ‘phép thử’ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường
Chiều 19/8/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai 2013. Kết luận tại cuộc làm việc, Chủ tịch tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đây là cơ hội rất lớn để sửa đổi luật, nhất là luật quan trọng như Luật Đất đai, nên phải tạo ra những chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên đặc biệt quan trọng này”(1).
Ngổn ngang công việc về quản lý tài nguyên đất, nước
Cuối tháng 4.2021, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ TN&MT, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp cần tập trung tháo gỡ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế – xã hội.
Trong đó, cùng với việc xây dựng các dự án luật, quy hoạch về đất đai, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ TN&MT khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi; lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025, theo đúng chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019(2).
Tháng 7.2021, Chính Phủ ra nghị quyết giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến của các Thành viên Chính phủ… hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật đất đai (sửa đổi), gửi Bộ Tư pháp(3).
Tháng 8.2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ TN&MT về tiến độ, các bước chuẩn bị xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi)(1). Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phạm vi tác động của dự án luật là rất lớn nên cần coi trọng việc đánh giá tác động một cách công khai, khách quan, những vấn đề mới, chưa có quá trình nghiên cứu thì cần hết sức thận trọng. “Việc đại sự nên lắng nghe càng nhiều càng tốt, nhiều người nói, từ nhiều phía, khiêm tốn, cầu thị, gạn đục khơi trong để đây thật là cơ hội tạo ra sự thay đổi căn bản trong thực hiện”- Chủ tịch Quốc hội lại nhắc lại yêu cầu này(8).
Tháng 9.2021, Bộ TN&MT công bố kết quả số liệu kiểm kê nhưng không kèm theo bản đồ, thuyết minh; Diện tích đất rừng không khớp với số liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố trước Quốc hội (tại kỳ họp tháng 11.2020).
Quản lý tài nguyên đất đã vậy còn tài nguyên nước cũng nhiều tồn tại, như “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy đến năm 2020” do Bộ TN&MT chủ trì, sau 12 năm triển khai (2008-2020), giải ngân hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng vẫn ô nhiễm trầm trọng.
Hay “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình” được Bộ TN&MT phê duyệt nhiệm vụ 2017, dự kiến trình duyệt vào quý III.2021. Tuy nhiên, đến tháng 8.2021, Bộ này vẫn còn trao đổi với các đơn vị giữ vững tiến độ, nhằm “rà soát, hoàn thiện các thông tin số liệu tài nguyên nước đề xuất các giải pháp trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình”.
Trong khi việc cũ còn ngổn ngang thì chỉ trong năm 2021, Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt năm quy hoạch: Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, Quy hoạch tổng thể điều tra tài nguyên nước và ba quy hoạch tổng hợp lưu vực sông: Bằng Giang – Kỳ Cùng, Sê san, Srepok. Trong đó đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước” (3.2021) và Đề án “Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia đến 2025” (8.2021) (4).
Xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong 60 ngày?
Ngày 9.9.2021, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký quyết định ban hành “Kế hoạch chi tiết xây dựng dự án Luật Đất đai” trong đó có 12 bước thực hiện, 8 nhóm nội dung hoàn thành sau hai tháng (từ cuối tháng 10.2021 đến cuối tháng 12.2021), gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước ngày 25.12.2021(5).
Bộ TN&MT đã thể hiện quyết tâm rất cao trong kế hoạch này, tuy vậy nhìn vào thực tế kết quả các Đề án, Quy hoạch do Bộ này thực hiện trong thời gian qua, khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Bởi ngay cả kế hoạch vừa công bố cũng có gì đó thiêu thiếu. Cụ thể, Kế hoạch chi tiết xây dựng dự án Luật Đất đai cũng đặt ra nhiều nội dung, huy động toàn bộ nguồn nhân lực nội ngành, tuy nhiên lại chưa thể hiện các kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành khác trong các nội dung có liên quan, chồng lấn.
Đó là chưa kể, phương pháp thực hiện còn thủ công, chưa mô tả những ứng dụng công nghệ mới vào việc tập hợp, phân tích thông tin được tiếp cận từ nhiều nguồn, nhiều lĩnh vực – như Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu tại cuộc làm việc với Bộ TN&MT về tiến độ, các bước chuẩn bị xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi): “Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, chuyển sang nền hành chính phục vụ hiện đại, lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm về thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch và lành mạnh, giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người được Nhà nước giao đất nông nghiệp; đảm bảo đời sống việc làm cho người bị thu hồi đất”(1).
Trong rất nhiều tồn tại về quản lý tài nguyên đất đai, cần ưu tiên bàn thảo sửa đổi Luật Đất đai, chúng tôi thấy cần tập trung vào hai nội dung. Thứ nhất, đó là đa dạng hóa mô hình “tài chính đất đai” và trong soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất cần có sự tham gia của các ngành Tài chính, Thuế, Kế hoạch và Đầu tư – các cơ quan tập hợp và phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia, tài chính đất đai rất trọng yếu. Một ví dụ có thể tham khảo là ngành Địa chính của Cộng hòa Pháp trực thuộc Tổng cục Thuế với biên chế 9.000 nhân viên (trong đó 1.500 nhân viên đo đạc thực địa). Thuế đất đai và bất động sản đóng góp 30% ngân sách địa phương. Tiền thuế đầu tư vào việc hiện đại hóa hồ sơ địa chính liên tục nhằm thu nhiều tiền thuế hơn(6). Tại Việt Nam nguồn thu từ đất qua việc thu tiền chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị hay đổi đất lấy hạ tầng có thể lớn gấp nhiều lần.
Thứ hai, nội dung “Cơ sở dữ liệu đất đai, đo đạc lập hồ sơ địa chính”, Bộ TN&MT đã tiếp quản hệ thống hồ sơ tài liệu quản lý đất đai được coi là tư liệu sản xuất. Từ năm 2000, Bộ TN&MT cũng đã đầu tư ứng dụng công nghệ, nhưng thay vì “chuyển đổi số” toàn diện quản lý hồ sơ địa chính thì lại nhập khẩu giải pháp hỗ trợ việc in ấn xuất bản bản đồ – lĩnh vực “đặc quyền” của ngành TN&MT. Nếu vẫn giữ cung cách, mô thức cũ thì khó tạo ra những chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng, khai thác loại tài nguyên đặc biệt như đất đai. Ví dụ, trong dự thảo Báo cáo Quản trị đất đai tại Việt Nam (dự thảo) thực hiện năm 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết Việt Nam có diện tích đất liền hơn 33 triệu ha, đã đo đạc lập bản đồ địa chính 13,5 triệu ha. Trong đó 88% là bản đồ địa chính đất rừng do ngành TN&MT đo vẽ (11,9 triệu ha tỷ lệ 1/10.000). Hồ sơ địa chính tại nhiều địa phương không đủ ba bộ, thất lạc hồ sơ khi thay cán bộ. Nhiều địa phương đã giao đất dự án, thu hồi, chuyển đổi biến động đất đai nhưng không cập nhật hồ sơ khiến công tác quản lý đất đai rất nhiều thiếu sót(7) .
Luật Đất đai có sửa đổi tân tiến đến đâu thì có thể cũng không thay đổi gì nếu vẫn duy trì mô hình lập hồ sơ, cơ sở dữ liệu hiện tại. Tài chính đất đai và hiện đại hóa cơ sở dữ liệu đất đai là hai mặt của một quá trình hiện đại hóa mô hình quản trị đất đai: công nghệ quản lý hiện đại thì gia tăng nguồn thu tài chính và ngược lại tài chính hùng mạnh thì đầu tư lớn vào quá trình hiện đại hóa hệ thống quản lý bao gồm tư liệu, công nghệ và nhân lực quản lý chất lượng cao. Với động lực cạnh tranh sẽ tạo sức hút nguồn lực toàn xã hội vào công cuộc này, thay vì chỉ dùng một nguồn ngân sách nhà nước giao cho một ngành ‘độc quyền’ thực hiện.
Trần Huy Ánh (Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội)/Người đô thị
_______________
Các nguồn tin đã dẫn trong bài:
(1) http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Sua-Luat-Dat-dai-phai-bao-dam-tot-hon-quyen-loi-cua-nguoi-su-dung-dat/443145.vgp
(2) http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Thu-tuong-Pham-Minh-Chinh-Phai-bat-tay-ngay-vao-cong-viec-xu-ly-nhung-van-de-ton-dong-keo-dai/428538.vgp; http://baochinhphu.vn/Chi-dao-quyet-dinh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinh-phu/Bo-Tai-nguyen-va-Moi-truong-can-tap-trung-vao-5-nhiem-vu-chinh/429766.vgp
(3) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-66-NQ-CP-2021-Phien-hop-Chinh-phu-chuyen-de-ve-xay-dung-phap-luat-thang-6-479818.aspx.
(4) http://nawapi.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=6345%3Acn-m-bo-tin-xay-dng-cac-quy-hoch-tai-nguyen-nc&catid=2%3Ahoat-dong-cua-trung-tam&Itemid=132&lang=vi
(5) https://trogiupluat.vn/bat-dong-san/quyet-dinh-1732-qd-btnmt-nam-2021-ve-ke-hoach-chi-tiet-xay-dung-du-an-luat-dat-dai-sua-doi-do-bo-tru-13544.html
(6) Địa chính Pháp (Le cadastre de la France) , TS Luật Stephane Lavigne, NXB Thế Giới 1999
(7) https://thedocs.worldbank.org/en/doc/a91b90185037e5f11e9f99a989ac11dd-0050062013/related/Vietnam-Draft-Report-Vietnamese.pdf
(8) https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/tao-chuyen-bien-can-co-tam-nhin-lau-dai-trong-quan-ly-phan-phoi-nguon-luc-dat-dai-660631/