11/09/2021

“Nơi chốn của gạch và ngói” – H&P Architects tham dự triển lãm Seoul Biennale of Architecture and Urbanism 2021

Triển lãm Seoul Biennale of Architecture and Urbanism 2021 khám phá các vấn đề về kiến trúc và đô thị với đại diện đến từ hơn 100 thành phố trên khắp thế giới. Công ty kiến trúc H&P Architects sẽ đại diện Hà Nội tham dự triển lãm với 2 công trình “Không gian ngói” (2020) và “Cái hang gạch” (2017).

Seoul biennale of Architecture and Urbanism (SBAU) 2021 có chủ đề “CROSSROADS Building the Resilient City” (GIAO LỘ – Xây dựng Thành phố có khả năng chống chịu), đề cập đến các mối quan hệ phức tạp hình thành nên các thành phố và hướng đến “tuyên ngôn” cho một thành phố bền vững hơn.

SBAU sẽ coi các đô thị là không gian của sự chồng chất, tương tác phức tạp và được xây dựng giữa cư dân, tòa nhà, cơ sở hạ tầng, sự chuyển động và các quy định. SBAU 2021 sẽ tập hợp những người tham gia đại diện cho nhiều chuyên môn: kiến ​​trúc sư và nhà quy hoạch đô thị đại diện từ các thành phố, các chuyên gia về khoa học, kỹ thuật, nhân văn, nghệ sĩ, học giả và sinh viên.

Triển lãm sẽ được tổ chức từ ngày 16/9 đến ngày 31/10/2021.

Nơi chốn của gạch và ngói

“Nơi chốn của gạch và ngói” là đề tài công trình triển lãm của H&P Architects tại Triển lãm lần này.

Công trình triển lãm: Không gian ngói/Ngói space (2020) & Cái hang gạch (2017)

Đông Anh là huyện ngoại thành Hà Nội đang đô thị hóa rất nhanh chóng. Những vườn rau trong làng, vườn cây ở thị trấn đang biến thành những khu nhà liền kề san sát. Những tường gạch mái ngói truyền thống mất đi, thay bằng những hộp bê tông, vách kính và mái tôn ngột ngạt. Trong bối cảnh đó, các công trình của H&P (1 nhà ở + 1 quán cafe) đã tìm cách đưa gạch và ngói xuất hiện trở lại trong tầm nhìn và sự tiếp xúc trực tiếp của con người, mang lại cho kiến trúc những cảm xúc và ý nghĩa mới lạ mà vẫn thân thuộc.

Không gian ngói/Ngói space (2020)

 

Kiến trúc, theo một nghĩa nào đó, tương tự như một Cây (cây đa, cây bồ đề) với các cành và lá đan xen vào nhau và xòe ra, tạo thành nhiều lớp khác nhau để sử dụng; nó cũng có thể được hiểu theo nghĩa ẩn dụ là các cấp độ không gian cung cấp các buồng khác nhau ở các độ cao khác nhau trong Hang động – “ngôi nhà” của người tiền sử.

Không gian Ngói (Ngói space) được tạo nên từ quan điểm hòa trộn hai nơi trú ẩn nguyên thủy ấy (cái Cây và cái Hang), gợi liên tưởng đến một Mái nhà lớn như mái Đình, mái nhà Rông – một không gian cộng đồng mở có từ lâu đời.

Thời kỳ đô thị hóa bùng nổ và dân số ngày càng tăng hiện nay đang kéo theo nhu cầu cần thêm lớn về diện tích cư trú trên phạm vi cả nước. Nhiều ngôi nhà mái ngói một tầng trước đây đã bị dỡ bỏ/phá hủy và những viên ngói trên những mái nhà ấy vẫn đang bị coi là phế thải xây dựng, không được dùng lại.

Không gian Ngói (Ngói space) ra đời như là một giải pháp truyền cảm hứng cho việc có thể tái sử dụng những viên ngói đầy ký ức này. Ở phạm vi lớn hơn là định hướng hành động cho người sử dụng vì một ngày mai bền vững, trên quan điểm: Tìm về quá khứ để nhìn nhận và phát hiện lại những giá trị cốt lõi, tiềm ẩn của không gian nguyên sơ và dùng những giá trị ấy để kiến tạo nên những không gian của tương lai.

Cái hang gạch (2017)

 

 

 

Ngôi nhà đã được đề xuất có cấu trúc giống như cái Hang. Tổng thể được tạo nên bởi hai lớp tường bằng gạch nung chạy khép kín qua một nút giao nhau, xen kẽ giữa chúng là các mảng cây xanh, rau, củ, quả,…

Hai lớp tường lồng vào nhau có chức năng hoạt động như bộ lọc nhằm triệt tiêu những yếu tố bất lợi của môi trường bên ngoài (nắng nóng hướng Tây, khói bụi, tiếng ồn) và đưa thiên nhiên (ánh sáng, mưa, gió)  vào những nơi cần thiết bên trong. Phía trên lớp tường bên ngoài được làm nghiêng dần vào trong theo các độ chéo khác nhau để tạo ra những góc nhìn tốt hơn cho cảnh quan chung của khu vực; và đồng thời giúp cho người sử dụng ở các ngóc ngách phía trong có thể nhận biết về thời gian và thời tiết nhờ bóng đổ & không khí.

Về Seoul biennale of Architecture and Urbanism (SBAU)

“Biennale” là một từ tiếng Ý để chỉ triển lãm quốc tế được tổ chức hai năm một lần (lưỡng niên), có nguồn gốc từ Venice Biennial. Tại Hàn Quốc, Seoul Biennale, Gwangju Biennale và Busan Biennale được nhiều người biết đến, và Thành phố Seoul, một trong những thành phố quốc tế hàng đầu thế giới, tổ chức Triển lãm lưỡng niên Seoul (vào các năm lẻ, bắt đầu từ 2017) với các vấn đề “Kiến trúc và Đô thị”.

“Seoul biennale of Architecture and Urbanism” (SBAU) là nơi thể hiện sự hòa hợp tương tác với các thành phố trên thế giới, về các nghệ sĩ và công việc của họ, các vấn đề và đề xuất khám phá tương lai của thành phố chúng ta đang sống. Do đó, Seoul Biennale sẽ bao gồm một năm về hợp tác quốc tế, nghiên cứu và tiến bộ, và một năm tổ chức sự kiện để trình bày kết quả dưới hình thức triển lãm và các chương trình tham gia hàng năm.

Các cuộc triển lãm bao gồm Triển lãm theo chủ đề và thành phố, những sáng kiến ​​đổi mới nhất xảy ra ở các thành phố trên thế giới, Global Studios, Live Projects, hội thảo và các chương trình khác thu hút sự tham gia của công chúng.

Seoul là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất về các đô thị lớn đương đại và do đó đặc biệt thích hợp để tổ chức sự kiện quốc tế này, tập trung vào sự phát triển của các thành phố và các đô thị trên khắp thế giới. Sau hai Seoul Biennale trước đó, mang tên “Imminent Commons” (2017) và “Collective City” (2019), lần thứ ba của Biennale này, mang tên “CROSSROADS _ Building the Resilient City’ (tạm dịch: GIAO LỘ – Xây dựng Thành phố có khả năng chống chịu), sẽ tiếp tục khám phá các thành phố trên thế giới. Trong khi khoảng 50 thành phố được đại diện vào năm 2017, 85 thành phố vào năm 2019, thì năm 2021, Seoul muốn chào đón sự đóng góp của hơn 100 thành phố từ năm châu lục.

Tạp chí Kiến trúc