Dữ liệu quản lý đất đai có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch phát triển quốc gia, địa phương cũng như tới đời sống từng tổ chức, cá nhân, tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản. Kết quả kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất 2019 do Bộ TN&MT mới công bố đang rất được quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng dữ liệu về đất đai cần sự tham gia của doanh nghiệp nhằm làm mới mô hình. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội.
Mới đây, Bộ TN&MT công bố kết quả kiểm kê đất đai trên phạm vi cả nước, ông đánh giá thế nào về nội dung được công bố?
– Tháng 12/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019” nhằm đánh giá thực trạng tình hình sử dụng đất đai của các cấp trong 5 năm qua, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ TN&MT được giao thực hiện đến tháng 12/2020. Sau hơn nửa năm chậm trễ, tháng 7/2021, kết quả kiểm kê, kèm theo 4 biểu phụ lục loại đất, đối tượng sử dụng đất và 7 biểu phụ lục chi tiết của 63 tỉnh thành theo 7 vùng địa lý – kinh tế mới hoàn thành.
Đợt kiểm kê này, đơn vị thuộc Bộ TN&MT được giao nhiệm vụ đã đối soát bản đồ địa chính và loại khác tại các địa phương có độ chính xác kết hợp hồ sơ địa chính để khoanh vẽ, đối soát thực địa với ảnh vệ tinh, ứng dụng phần mềm tin học để tạo cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia chính xác, tin cậy… Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định.
KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội (Ảnh internet).
Những hạn chế ông muốn nhắc tới ở đây là gì?
– Đối chiếu với mục sản phẩm chính trong Đề án thì phải có bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 của cả nước tỷ lệ 1/1.000.000, vùng kinh tế tỷ lệ 1/250.000, thuyết minh bản đồ hiện trạng sử dụng đất các vùng kinh tế – xã hội, nhưng thiếu bản đồ, báo cáo thuyết minh tình hình quản lý, sử dụng đất.
Nếu kiểm kê đất xây dựng trụ sở cơ quan mà không phân tích tình hình quản lý sử dụng, thì hàng triệu mét vuông công sở đang sử dụng lãng phí, trái luật vẫn khó phát hiện. Cùng với đó, đất tôn giáo, tín ngưỡng không làm rõ hoạt động tôn giáo hay kinh doanh du lịch dịch vụ mang hình thức tâm linh (như Bái Đính, Tam Chúc…) sẽ dẫn đến thất thoát tiền thuế, tạo lỗ hổng cho việc phá rừng, bạt núi, như: Chín Khúc (Nha Trang), Lũng Cú (Hà Giang)…
Ngoài ra, số liệu công bố trong đợt này cũng chưa khớp với số liệu được báo cáo trước Quốc hội vào tháng 11/2020. Cần phải có một số liệu chính xác, nếu không sẽ dẫn đến ứng phó nhầm lẫn, xảy ra thảm họa về thiện tai bởi những tác động trong quá trình quản lý, sử dụng tài nguyên đất.
Đáng chú ý, quản lý đất đai Việt Nam trong kinh tế kế hoạch tập trung được coi là tư liệu sản xuất nông nghiệp, mô hình kinh tế vận hành theo lối mới đã lâu, nhưng ngành TN&MT vẫn kế thừa mô hình phân loại lạc hậu, cứng nhắc để phân đất nông nghiệp thành 6 loại, với 30 ký hiệu, màu sắc thống kê, vẽ bản đồ… điều này vô tình làm khó cho quản lý cấp cơ sở, ít có giá trị quản lý, khai thác tài nguyên.
Việc kiểm kê đất đai lần này có vai trò rất quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên phạm vi cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Để giải quyết những hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý đất đất trên địa bàn cả nước cần phải tập trung vào công việc gì, thưa ông?
– Trước tiến, cần nhìn nhận xa hơn một chút về lịch sử kiểm kê đất đai Hà Nội, vào đầu thế kỷ XX được tiếp nhận mô hình địa chính tân tiến bậc nhất thế giới thời điểm đó, do những kỹ sư Pháp điều hành, đào tạo nhân viên người Việt thành thạo nghiệp vụ đo đạc, biên vẽ bản đồ, hồ sơ đăng ký nhà đất cũng như thu thuế đất tư, cho thuê đất công…
Quy hoạch Hà Nội được nghiên cứu trên nền bản đồ địa chính, nên hạn chế phá dỡ công trình kiến trúc kiên cố, tạo sự đồng thuận với các chủ đất. Những nơi mới mở rộng thành phố, các tờ bản đồ được vẽ lại và lưu vết khoa học.
Những hạn chế trong công tác lập dữ liệu hồ sơ đất đai gây ra lãng phí trong quá trình sử dụng, trong hình khu đô thị bỏ hoang xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. (Ảnh: Doãn Thành)
Hồ sơ, bản đồ địa chính Hà Nội xây dựng từ năm 1885 – 1955, tiếp tục cập nhật khai thác nhiều năm sau, hoạt động trơn tru, không sai sót, kiện cáo… cho đến khi đất đai không được coi là tài sản mà chỉ là tư liệu sản xuất. Giai đoạn 1994 – 1996, Sở Địa chính Hà Nội tái lập từ một phần của Sở Quản lý ruộng đất (Bộ NN&PTNT) với bộ phận cấp phép Sở Xây dựng. Bản đồ Địa chính mới lập năm 1996 được vẽ theo cách cắm cọc căng dây, biên vẽ nhiều sai sót, không thể dùng làm nghiên cứu quy hoạch đô thị.
Hà Nội hơn 20 năm qua đã có nhiều biến đổi, nhưng bản đồ địa chính cũ, chất lượng thấp kèm theo trình độ nhân lực, công cụ quản lý hạn chế. Bản đồ đo đạc nhiều lần, mỗi lần cho một kết quả khác nhau, dẫn đến những tranh chấp khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai là vấn đề không tránh khỏi.
Theo tôi, nội dung quan trọng nhất là kiểm kê đất đai cần kèm theo bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Năm 2005, ngành TN&MT đã khởi động kiểm kê đất đai bằng bản đồ số, nhưng do phần mềm vẽ bản đồ chỉ hỗ trợ in ấn, xuất bản, không có chức năng quản lý, kết nối mạng. Nhiều cán bộ địa chính địa phương khả năng cập nhật biến động bản đồ bằng phần mềm đồ họa hạn chế, mỗi lần kiểm kê trông nhờ vào doanh nghiệp đặc thù. Người quản lý không rành vẽ, người biết vẽ thiếu thông tin nên việc đồng bộ hóa dữ liệu bản đồ số từ cấp xã, phường trở lên gặp nhiều trở ngại.
Trong 20 năm (2000 – 2020) nhiều lần ngành TN&MT công bố một số dự án số hoá bản đồ, tin học hoá quản lý địa chính nhưng vẫn thiếu thông tin đất đai, tạo cơ hội cho những dự án giả bán đất thật tràn lan khắp nơi. Ngay cả khi công bố kiểm kê đất đai toàn quốc nhưng không kèm theo bản đồ hiện trạng, cho thấy viễn cảnh ngành TN&MT cung cấp dữ liệu nền địa lý quốc gia để lập quy hoạch còn rất xa vời. Thực tế cho thấy cần nhiều mô hình mới, ví dụ cơ sở dữ liệu số về quy hoạch thì giao cho một doanh nghiệp công nghệ triển khai… thay vì chỉ các đơn vị của ngành TN&MT xây dựng dữ liệu khung cơ sở dữ liệu quốc gia.
Xin cảm ơn ông!
Doãn Thành/kinhtedothi.vn