Thấy gì qua nền công nghiệp sản xuất xi măng của Thái Lan và Trung Quốc
Trung Quốc và Thái Lan hiện là hai quốc gia nằm trong những quốc gia sản xuất xi măng lớn nhất trên thế giới.
Những con số đáng kính nể
Theo số liệu từ Hiệp hội Xi măng châu Âu, trong năm 2013, Trung Quốc đã sản xuất 2,42 tỉ tấn xi măng, chiếm 58,6% sản lượng toàn cầu. Hiện Trung Quốc có 19 công ty sản xuất xi măng lớn. Số liệu thống kê cho thấy, lượng xi măng Trung Quốc sử dụng từ năm 2011 đến 2013 nhiều hơn Mỹ sử dụng trong cả thế kỷ 20. Phần lớn xi măng của Trung Quốc được xuất khẩu tới các quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, ngân sách lớn dành cho nhập khẩu và đang đầu tư mạnh vào xây dựng, đặc biệt là Mông Cổ, Úc và Angola.
Thái Lan có 11 nhà máy xi măng với công suất 46,7 triệu tấn mỗi năm. Công ty Siam Cement là nhà sản xuất xi măng lớn nhất Thái Lan với 5 nhà máy có sản lượng 18,7 triệu tấn mỗi năm, trong đó có 0,14 triệu tấn xi măng trắng. Nhu cầu về xi măng của thị trường nội địa ở Thái Lan chiếm khoảng ba phần tư tổng sản lượng xi măng trong nước. Còn lại là nhu cầu xuất khẩu, trong đó 70% sản lượng xi măng được xuất khẩu đến các quốc gia như Ấn Độ hay các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, nơi nhu cầu đang tăng nhanh hơn so với ở Thái Lan.
Xi măng Trung Quốc được dự báo sẽ gây ra một “cơn lũ” xi măng xuất khẩu giá rẻ. Ảnh ContiTech
“Nhìn người ngẫm ta”
Nhiều ý kiến cho rằng, với sản lượng khổng lồ, trong thời gian rất ngắn tới, Trung Quốc sẽ gây ra một cơn lũ xi măng xuất khẩu giá rẻ, và nhấn chìm một số vùng, vẽ lại bản đồ dòng chảy xi măng thế giới. Năm 2014 Trung Quốc cung cấp trong cho thị trường thế giới 2,5 tỷ tấn xi măng, trong khi Việt Nam chỉ cung cấp khoảng 70 triệu tấn. Con số chênh lệch quá lớn, cộng với việc xuất khẩu là chiến lược dài hơi thì xi măng Trung Quốc áp đảo xi măng Việt Nam là điều hoàn toàn có thể diễn ra.
Tình trạng này được các chuyên gia phân tích là do những hạn chế chính sau đây của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam: vốn, công nghệ (chủ yếu là đi mua), đội ngũ kỹ sư, ngành cơ khí phụ trợ và khung pháp lý còn nhiều bất cập. Việc xuất khẩu xi măng của Việt Nam, về thực chất, chỉ là điều tiết trong giai đoạn có thể bị khủng hoảng thừa, chứ rất khó trở thành một chiến lược phát triển bền vững, vì thiếu sức mạnh nội tại về vốn và công nghệ. Lĩnh vực xi măng lệ thuộc rất lớn vào mạng lưới phân phối và lợi nhuận, nếu có, thường thu được ở thị trường nội địa, thị trường có cự ly gần, dễ vận chuyển và nhu cầu vừa cao vừa lâu dài.
Khó khăn của nền sản xuất xi măng nước nhà
Thực tế, trong những tháng gần đây, thị trường xuất khẩu clinker của Việt Nam đang bị Trung Quốc chèn ép mạnh về giá. Đối thủ cạnh tranh của Việt Nam không chỉ có Thái Lan, mà hiện thêm cả Trung Quốc. Nếu như trước đây, sản phẩm của Thái Lan có ưu thế cạnh tranh về chất lượng và vận chuyển nhanh, thì Trung Quốc có những điều chỉnh về giá. Hiện giá bán các sản phẩm tương tự của Trung Quốc vào khoảng 31 – 34 USD/tấn, thấp hơn giá bán của các doanh nghiệp Việt Nam từ 2 – 6 USD/tấn.
Bên cạnh nguyên nhân về chí phí sản xuất cao thì xi măng Việt Nam còn một khó khăn là cước vận chuyển cao (không có cảng chuyên xuất xi măng và clinker, không có tàu chuyên dùng để vận chuyển an toàn sản phẩm trong mùa mưa) nên vẫn khó đi xa. Do vậy thị trường xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam tương đối bó hẹp, mang tính cách tình thế và chưa thể nói đến thị trường ngách với lợi nhuận cao.
Siam Cement Group nhà sản xuất xi măng lớn nhất Thái Lan
So với thị trường Việt Nam nơi có ngành công nghiệp xi măng lớn nhất Đông Nam Á, với 58 nhà máy xi măng tích hợp và công suất 91,42 triệu tấn mỗi năm. Có một khoảng cách lớn giữa Việt Nam và Thái Lan về số lượng nhà máy và công suất sản xuất. Tuy nhiên, những lợi thế đó lại đặt thị trường xuất khẩu xi măng Việt Nam vào những thách thức như nguồn cung tăng mạnh và cạnh tranh giữa các nhà cung cấp nội địa để có khách hàng xuất khẩu.
Nhu cầu tiêu dùng xi măng từ các thị trường nhập khẩu chưa có dấu hiệu tăng, trong khi đó, nguồn cung xi măng của các quốc gia cạnh tranh lớn như Thái Lan lại tiếp tục gia tăng. Và thực tế là thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam đang hụt hơi, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Bangladesh-thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường nhập khẩu xi măng clinker lớn thứ ba trong khu vực Nam Á, trong quý I năm 2015 kim ngạch xuất khẩu clinker của Việt Nam sang Bangladesh chỉ đạt 70,1 triệu USD, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Xi măng Thái Lan đã thâm nhập vào thị trường quốc tế từ rất lâu trong khi Việt Nam mới xuất khẩu xi măng và clinker từ năm 2010, sau nhiều năm phải nhập khẩu. Việt Nam khó dành được những khách hàng nhập khẩu do về cơ bản họ sẽ ưu tiên những đất nước đã có quan hệ truyền thống lâu đời như Thái Lan.
Một số gợi ý giải pháp cho Việt Nam
Theo nhận xét chung, những khó khăn về xuất khẩu dẫn đến các doanh nghiệp trong nước có sự cạnh tranh nhau, thậm chí cạnh tranh bằng cách hạ giá. Trên thực tế, suất đầu tư xi măng của Việt Nam thường cao hơn các nước trong khu vực, khiến nhiều doanh nghiệp Việt “đuối” sức cạnh tranh. Sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp trong xuất khẩu sẽ dẫn tới hiệu quả xuất khẩu không đáng bao nhiêu. Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp cần có sự bàn bạc, hợp tác và quản lý chặt chẽ nhằm tạo sức mạnh cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.
Việc kích cầu rất quan trọng để ngành xi măng phục vụ hiệu quả nhất cho sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa; đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, thúc đẩy sự ấm lại một cách lành mạnh của ngành xây dựng nhà ở, công trình và bất động sản nói chung. Việc thường xuyên điều chỉnh các chỉ tiêu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, việc liên kết quốc tế để nhận cung ứng cho các công trình tầm cỡ quốc gia, các đơn hàng đặc biệt, các kênh phân phối thuận lợi về vận chuyển, giá cạnh tranh hơn và mang tính kế hoạch cao, cũng là một việc rất đáng được quan tâm.
Điều cấp bách nhất hiện nay là giải quyết bài toán giá thành. Bài toán này phục vụ cho xuất khẩu và cho cả thị trường nội địa. Mà muốn giảm giá thành thì phải xem xét lại việc ngành xi măng tự đáp ứng một phần nguồn điện từ tái sử dụng năng lượng, xem lại việc sử dụng chất đốt. Giải quyết được những vấn đề trên, ngành công nghiệp sản xuất xi măng của Việt Nam hứa hẹn sẽ có những bước tiến vững vàng hơn.
Thu Giang – Hồng Nhung (dịch và tổng hợp)/Báo Xây dựng