Dự thảo Nghị định hoạt động lấn biển phải được xây dựng, hoàn thiện theo hướng phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, tránh chồng chéo, đồng thời, tạo điều kiện cho việc phát huy giá trị của biển, đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững, an ninh quốc phòng.
Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Minh Ngân tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ xây dựng Dự thảo Nghị định hoạt động lấn biển sáng ngày 5/8.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân chủ trì cuộc họp trực tuyến
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định, Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đại diện các Bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp để làm rõ một số nội dung quan trọng trong dự thảo như: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc của hoạt động lấn biển; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động lấn biển; khu vực lấn biển; cấp giấy phép lấn biển; thẩm quyền cấp giấy phép; gia hạn giấy phép lấn biển; đặc biệt là quản lý sử dụng đất lấn biển…
Góp ý xây dựng dự thảo Nghị định, PGS. TS Vũ Thanh Ca – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, dự thảo nên quy định không cho phép sử dụng cát ở biển để lấn biển, trừ trường hợp sử dụng cát nạo vét để lấn biển. Bởi hút cát dưới biển sẽ gây ra xói lở bờ biển, gây thiệt hại kinh tế – xã hội lớn hơn nhiều lần diện tích biển có được khi lấn biển. Hơn nữa, tất cả các dự án lấn biển đều phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bởi, hoạt động lấn biển – đổ đất đá xuống biển sẽ tác động trực tiếp đến hệ sinh thái biển, dễ gây ra hiện tượng xói lở, bồi đắp xung quanh.
Đồng tình với các ý kiến trên, ông Vũ Sĩ Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, dự thảo Nghị định cũng cần làm rõ hơn về quy định khu vực không được lấn biển, đặc biệt là khu bảo tồn biển, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, khu vực biển đã được quy hoạch, sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng.
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT tham dự cuộc họp trực tuyến
Trong khi đó, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại Việt Nam, việc cấp phép lấn biển cần rà soát đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan, tránh việc chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản hiện hành và các quy định trong dự thảo Nghị định này….
Sau khi nghe toàn bộ các ý kiến đóng góp, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT khẳng định, quy định cấp hoạt động phép lấn biển bản chất là giao khu vực biển để lấn biển. Việc cấp phép sẽ không phát sinh thủ tục mới. Mặt khác, việc cấp phép lấn biển cũng không ảnh hưởng đến thủ tục cấp phép đầu tư dự án. Giấy phép lấn biển chỉ là thủ tục đi theo quyết định đầu tư dự án…
“Thời gian tới, Ban soạn thảo tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đơn vị, chuyên gia, doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo Nghị định trong thời gian sớm nhất”, ông Phan Tuấn Hùng khẳng định.
Phạm Oanh/Báo Tài nguyên Môi trường