Gần 140 tuổi và do người Pháp xây dựng, tháp nước tại Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) được cho là cổ nhất TP HCM. Thủy đài hiện không còn sử dụng nhưng là di tích kiến trúc của thành phố.
Nằm trong khuôn viên Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, gần Hồ Con Rùa (quận 3), tháp nước chiếm diện tích lớn với 3 tầng, cao hơn 20 m và đường kính khoảng 10 m.
Trên cùng đặt hai bể nước có thể cung cấp 1.000-1.500 m3 mỗi ngày cho người Sài Gòn xưa. Nhìn từ bên dưới, tháp nước có hình đa giác nhưng tổng thể kiến trúc mang hình elip do sự kết hợp của 2 bể nước này.
Tháp được người Pháp xây dựng, nước lấy từ các giếng cạn đưa về giếng trung tâm để xử lý. Sau đó bơm lên tháp nước phân phối cho người dùng qua hệ thống ống dẫn.
Hai bồn chứa nằm sát nhau được làm bằng thép không gỉ, hình phễu.
Cửa ra vào thủy đài. Sau năm 1975, phía dưới của tháp được Sawaco cải tạo thành văn phòng nhưng giờ dùng làm kho chứa tài liệu của công ty.
Một nhân viên Sawaco cho biết, toàn bộ kiến trúc còn rất vững chắc. Hiện chỉ một số mảng tường bị bong tróc nhẹ, lộ lớp gạch.
Phần nền được xây dựng bằng lớp đá giúp công trình vững chắc, chịu được sức nặng của 2 bồn chứa bằng thép bên trên cũng như áp lực khi vận hành.
Hệ thống cửa sổ dùng để lấy gió, ánh sáng của thủy đài khổng lồ.
Từ khi hệ thống cung cấp nước sông Đồng Nai về thành phố được đưa vào sử dụng năm 1966 thì việc cung cấp nước từ hệ thống giếng ngưng hoạt động.
Phần nóc của tháp nước được mái tôn che mưa nắng, mỗi tháp có một ống thông gió.
Đây là tháp nước thứ hai ở Đông Dương sau tháp đầu tiên được xây dựng năm 1879 tại vị trí Hồ Con Rùa – bị phá bỏ năm 1921. Mới đây Sawaco bàn giao tháp nước cho Liên hiệp hợp tác xã (Saigon Co.op) để làm dự án du lịch kết hợp làm khu trưng bày lịch sử ngành nước TP HCM bởi nó được công nhận là di tích kiến trúc của thành phố.
Theo Vnexpress.net