29/07/2021

Tham nhũng đất đai: Bất cập từ quy định pháp luật và sự xuống cấp về đạo đức của cán bộ

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, đất đai là lĩnh vực màu mỡ nhất cho tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước nghiêm trọng nhất. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản vẫn là do sự bất cập của Luật Đất đai hiện hành.

Thời gian qua, nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu đã bị kỷ luật, bị cách các chức vụ trong Đảng, chính quyền bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì dính líu sai phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai gây thất thoát tài sản nhà nước. Tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân nào? Do sự bất cập của pháp luật, hay do sự xuống cấp về đạo đức của cán bộ bài viết sai phạm về đất đai, những góc nhìn.

Luật quản lý đất đai còn nhiều bất cập

Qua con số hơn 30 tướng lĩnh công an, quân đội, hàng chục quan chức, lãnh đạo các địa phương như: TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa…và mới đây là tỉnh Bình Dương bị kỷ luật, hoặc trở thành bị can, bị cáo do sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý đất đai. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, đất đai là lĩnh vực màu mỡ nhất cho tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước nghiêm trọng nhất. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản vẫn là do sự bất cập của Luật Đất đai hiện hành.

Giáo sư Đặng Hùng Võ. (Ảnh: Báo Lao Động)

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai hiện hành có rất nhiều điểm bất cập như: vấn đề thu hồi đất, quy định về giá đất, phân cấp quản lý, quy hoạch ruộng đất, tính công khai, minh bạch thông tin… Nhưng một trong những lỗ hổng lớn nhất của Luật Đất đai là nhập hai chức năng quyết định các vấn đề về đất đai và thực thi quản lý đất đai cho một chủ thể là UBND cấp huyện và cấp tỉnh.

Ông Đặng Hùng Võ phân tích, lỗ hổng lớn nhất gắn với thẩm quyền quyết định về đất đai là đem đến giao cho doanh nghiệp này, giao cho doanh nghiệp khác, giao cho đầu tư nước ngoài, giao cho trong nước, giao cho tất cả các tổ chức kinh tế là UBND cấp tỉnh, là thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Nhưng đồng thời UBND cấp tỉnh cũng thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai.

Theo ông Hùng Võ, nhiệm vụ quản lý đất đai là tổ chức việc thực thi pháp luật, phát hiện những trường hợp vi phạm pháp luật. Nhiệm vụ quản lý đất đai thì như Trọng tài, còn nhiệm vụ quyết định về đất đai giống như cầu thủ đang chơi trên sân chơi thị trường. Nếu cùng một người vừa cầm còi vừa đá bóng, chắc chắn là đá quả nào cũng trúng. Đấy chính là lỗ hổng lớn nhất dẫn các quan chức đến vòng lao lý.

“Tôi muốn nhấn mạnh thêm cái nhược điểm cơ bản của Luật Đất đai 2013 là đã bỏ đi cách tiếp cận thị trường mà sử dụng chủ yếu cách tiếp cận tăng cường quyền lực của các cơ quan nhà nước”- ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng chỉ rõ một số lỗ hổng pháp lý dẫn đến tham nhũng, trục lợi đất đai như: việc cho các nhà đầu tư chậm nộp tiền sử dụng đất, hay quy hoạch treo, việc ban hành giá đất không theo Quy luật thị trường gây nên sự chênh lệch giữa giá đền bù vào giá thị trường. Sự chồng chéo trong phân công quản lý nhà nước về đất đai như ngành Tài nguyên Môi trường được giao quản lý đất, nhưng xác định thuế đất, giá đất lại do ngành Tài chính nên cũng tạo ra những cơ hội để tham nhũng. Đặc biệt là hiện nay chưa quy định rõ ràng liên quan đến chuyển đất đai thành vốn trong cổ phần hóa gây ra nhiều kẽ hở để các quan chức tham nhũng, đất đai.

“Chúng ta không tính đúng, không tính đủ giá trị quyền sử dụng đất do là không đấu giá ,do là chúng ta không có cách tính giá thị trường. Việc mà chuyển đổi mục đích sử dụng đất là một bài toán rất lắt léo và cũng rất công khai những ai không đọc vị được nhưng mà vẫn chưa có cơ chế pháp lý xử lý nó. Do đó, nó vừa là khiếm khuyết vừa là sai sót vừa là lỗ hổng vừa là kẽ hở để gây thất thoát tài sản, đất đai”- Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong chia sẻ.

Biết là khó nhưng có mấy cán bộ từ chối nhiệm vụ này?

Còn rất nhiều lỗ hổng của pháp luật dẫn đến tham nhũng đất đai, song vấn đề lớn hơn, đó là việc tổ chức thực hiện pháp luật không nghiêm minh và sự thiếu liêm chính của một bộ phận cán bộ có chức có quyền trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong. (ảnh: Pháp lý)

Nhắc lại những lời trình bày của các bị cáo nguyên là cựu quan chức cao cấp ở thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là lời giãi bày của bị cáo Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh và là bị cáo ở nhiều vụ án khác liên quan đến đất đai rằng: “Bị cáo phụ trách một lĩnh vực nhạy cảm, công việc nhiều, trình độ, năng lực có hạn, nhiều việc phải làm gấp làm theo chỉ đạo, trong khi pháp luật không rõ ràng.

Bà Lê Thị Hoa, Hội Bảo trợ tư pháp người nghèo Việt Nam nhận định, đây cũng là những lời trình bày chung của tất cả các bị cáo đã bị ngã ngựa vì đất nhưng không thể biện minh cho sai phạm của mình bằng việc chỉ đổ lỗi cho sự bất cập của pháp luật, cơ chế chính sách và sự hiểu biết hạn hẹp, mà cái chính là do lòng tham

Theo bà Hoa, rất nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật hay bị tù đày vì đất đai để cho rằng do cơ chế chính sách về đất đai dẫn họ vào con đường phạm tội. Nếu họ biết có ngày hôm nay thì họ không làm cán bộ trong lĩnh vực này, nhưng thử hỏi xem những người đó có bao nhiêu “đất vàng”. Họ nhận chức vụ quản lý liên quan đến đất đai rất khó nhưng có ai từ chối vì lý do “tôi chưa hiểu biết về lĩnh vực này và nhường chỗ cho cán bộ khác không?”

Việc sửa đổi Luật Đất đai để lấp đầy những lỗ hổng về pháp luật đang được đặt ra, nhưng quan trọng hơn vẫn chính là cần xây dựng cho được sự liêm chính của đội ngũ những cán bộ công chức để họ không lợi dụng sự sơ hở của pháp luật để thực hiện các hành vi tham nhũng./.

PV/VOV