26/07/2021

Cách chống thấm cho tường nhà liền kề

Nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa với độ ẩm cao và lượng mưa lớn, kết hợp với tình trạng nhà ở xây dựng san sát do mật độ đô thị dày đặc, tường nhà liền kề hay tường giáp ranh là vị trí có nguy cơ cao về thấm dột. Bài viết này sẽ hướng dẫn gia chủ cách chống thấm cho tường nhà liền kề từ trước khi xây dựng đến sau khi hoàn thiện.

Những lý do gia chủ cần quan tâm đến việc chống thấm cho tường nhà liền kề

Nếu không có biện pháp chống thấm cho tường nhà liền kề, gia chủ sẽ có thể phải đối diện với những rắc rối trong cuộc sống sau đây:– Tường nhà bị ẩm mốc, loang lổ, nứt nẻ, bong tróc, rong rêu, làm mất đi tính thẩm mỹ và giá trị của ngôi nhà.

– Tường nhà ẩm ướt khiến vật dụng, đồ đạc treo tường hoặc kê sát tường bị ảnh hưởng. Đồ gỗ sẽ dễ bị mối mọt, đồ điện tử sẽ dễ bị hư hỏng.

– Kết cấu tường bị xuống cấp, làm giảm tuổi thọ của ngôi nhà.

– Hiện tượng ẩm mốc lâu ngày sẽ sinh ra các loại vi khuẩn, tạo nên bầu không khí ẩm ướt, ảnh hưởng tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

– Nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ do ổ điện hay các thiết bị điện âm tường bị ngấm nước

Chống thấm cho tường nhà liền kề là một công đoạn quan trọng không thể bỏ qua

Để tránh những hệ lụy như trên, gia chủ cần quan tâm đến khâu chống thấm cho tường nhà liền kề, tốt nhất là nên thực hiện ngay khi đang xây dựng nhà. Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp chống thấm cho nhà đã hoàn thiện dù công đoạn thi công có thể gặp nhiều khó khăn do diện tích chật hẹp.

Chống thấm tường nhà liền kề khi đang xây dựng nhà

Chống thấm tường nhà trong giai đoạn này là phương pháp tối ưu nhất, khi tường nhà chưa gặp phải vấn đề gì. Tường tiếp giáp nên có độ dày tối thiểu 220mm để đảm bảo ngăn được thấm dột từ tường từ ngoài vào nhà. Có nhiều phương pháp để thi công chống thấm cho tường nhà lúc này:

– Chống thấm bằng dung dịch phun gốc silicat, gốc bitum…

– Trát bề mặt tường bằng vữa chống thấm chuyên dụng.

– Dùng sơn chống thấm chuyên dụng lên bề mặt bê tông của tường để tạo lớp ngăn nước.

Trong trường hợp công trình nhà mình xây sau nhà hàng xóm, gia chủ có thể chống thấm cho tường nhà liền kề bằng cách sau:

– Nếu tường nhà của mình cao hơn nhà hàng xóm: Khi xây đến độ cao bằng nhà hàng xóm, gia chủ nên thi công chống thấm ngay. Đồng thời, rãnh thoát nước cần được thiết kế để tránh ảnh hưởng đến nhà hàng xóm.

– Nếu tường nhà mình bằng nhà hàng xóm: Gia chủ nên sử dụng thanh trương nở (hay còn gọi là cao su trương nở) với độ phình 200% để hỗ trợ chống thấm. Ngoài ra, gia chủ cũng nên tiếp tục các biện pháp chống thấm như: sơn chống bạn nên nhét thanh trương nở vào khe giáp ranh rồi tiếp tục sử dụng các biện pháp chống thấm khác như vữa chống thấm, sơn chống thấm,…

– Nếu tường nhà mình thấp hơn nhà hàng xóm: Gia chủ có thể xin phép nhà hàng xóm để cạo một phần tường để đặt màng chống thấm, sau đó dùng thêm máng xả nước để chống thấm.

Chống thấm cho tường ngoài nhà đã đưa vào sử dụng

Dù hầu hết các công trình nhà phố hiện nay đều được xây sát nhau để tận dụng tối đa diện tích, tuy nhiên vẫn có khoảng trống nhỏ giữa hai công trình để đảm bảo kết cấu của một trong hai ngôi nhà không bị ảnh hưởng trong trường hợp căn còn lại bị phá dỡ. Khe trống này là vị trí mà nước sẽ ngấm vào gây ẩm ướt cho căn nhà.

– Chống thấm bằng máng xả nước: Một phương pháp chống thấm gia chủ có thể lựa chọn là thiết kế một máng xả nước được cố định và lắp đặt dọc theo khe tường. Máng xả nước này có nhiệm vụ hứng nước mưa và dẫn dòng chảy ra khỏi vị trí giáp ranh.

Tôn là chất liệu phổ biến nhất được sử dụng cho máng xả nước. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng oxy hóa, gia chủ có thể thêm một lớp sơn PU Polyurethane bên ngoài.

– Chống thấm bằng tôn lá: Ngoài cách chống thấm bằng máng xả nước, gia chủ có thể sử dụng tôn lá có độ dày từ 0,4 mm – 0,5 mm và đóng ở khe trống giữa hai nhà. Sau đó, dùng đinh đóng lên tôn và cố định bằng keo chống dột silicon để tôn không bị bay khi mưa gió.

Chống thấm ngược cho tường tiếp giáp

Dù đã thi công chống thấm cho tường bên ngoài, tường bên trong nhà sẽ bị hao mòn và dần xuất hiện các vấn đề về ẩm mốc. Vì thế, gia chủ cũng cần quan tâm đến khâu chống thấm ngược.

– Đối với tường nhà mới xây: Lúc này tường chưa có dấu hiệu bị thấm nên việc chống thấm đơn giản và dễ dàng hơn. Gia chủ cần chuẩn bị bột trét tường để phủ kín bề mặt cần chống thấm, sau đó dùng sơn lót phủ lên rồi đến lớp sơn chống thấm tường.

– Đối với tường nhà lâu năm: Trước tiên cần phải vệ sinh lại tường (các vết nứt, chân chim, vết loang ẩm mốc…) bằng cách tưới ẩm tường, đục lớp vỏ bên ngoài. Sau đó, gia chủ dùng phụ gia và chất chống thấm tường để phủ lên.

Trên đây là những cách chống thấm tường liền kề giữa hai nhà hiệu quả và phổ biến. Trước khi tiến hành thi công, gia chủ nên lựa chọn đơn vị uy tín và bảo hành lâu dài để bảo vệ cho ngôi nhà khỏi những tác động của thời tiết.

Happynest