UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 171/KH-UBND về việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và thúc đẩy công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021-2025.
Theo kết quả rà soát, thống kê tại thời điểm năm 2020, trên địa bàn Thành phố có khoảng 1.579 chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ) chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến 1994 (một số ít nhà xây dựng trước năm 1954) tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử (hiện nay đang tiếp tục công tác rà soát tại các quận cập nhật vào danh mục dự kiến bổ sung thêm khoảng 200-300 nhà).
Hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, đan xen trách nhiệm, quyền sử dụng giữa tư nhân, tổ chức, nhà nước; một số khu có xen kẽ các công trình nhà ở thấp tầng, trụ sở cơ quan, văn phòng, dịch vụ thương mại, hạ tầng xã hội (trường học, cơ sở y tế…)…; diện tích căn hộ chung cư cũ nhỏ <30m2, 30-50m2/căn; quá tải số người, không đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng; nhiều hộ dân tự sửa chữa, cơi nới, lấn chiếm không gian chung, đồng thời do không được duy tu bảo trì thường xuyên, công trình và hệ thống hạ tầng hư hại, xuống cấp, nguy hiểm kỹ thuật kết cấu công trình và an toàn cho người dân.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Tại Thông báo số 212-TB/TU ngày 12/4/2021, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố đã có các cuộc họp, chỉ đạo, định hướng hoàn chỉnh Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố (Thông báo số 287/TB-UBND ngày 15/4/2021, số 79/TB-VP ngày 25/02/2021);
Ngày 12/5/2021, Thường trực Thành ủy đã họp xem xét, chỉ đạo, góp ý với nội dung Đề án (báo cáo tại Tờ trình số 212-TTr/BCSĐ ngày 17/4/2021 của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố), giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, thay thế Nghị định cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, hoàn chỉnh nâng cao tính khả thi của Đề án, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố và Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, thông qua. Ngày 02/7/2021, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố có Tờ trình số 478-TTr/BCSĐ trình Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị xem xét, thông qua chủ trương đối với nội dung “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Đến nay, Đề án tiếp tục được hoàn thiện tổng hợp đồng bộ các nội dung quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trình cấp thẩm quyền xem xét, thông qua chủ trương và được UBND Thành phố phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý ban hành các Kế hoạch triển khai cụ thể, cơ chế chính sách cụ thể để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.
Trên cơ sở “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội” sau khi hoàn chỉnh, được phê duyệt, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố tiếp tục chỉ đạo, ban hành các kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ, đồng bộ với Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021; cụ thể như sau:
(1) Xây dựng và ban hành Kế hoạch tổng rà soát, kiểm định các nhà chung cư cũ, bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021.
(2) Xây dựng và ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021 – 2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định để triển khai thực hiện quy trình tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dự án đầu tư.
(3) Xây dựng và ban hành Kế hoạch và bố trí nguồn vốn ngân sách lập các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tổng mặt bằng, đề án quy gom; theo 03 mô hình cấp độ: (1) Khu chung cư cũ (quy mô lập quy hoạch chi tiết >2ha); (2) Nhóm chung cư cũ (quy mô lập Tổng mặt bằng <2ha); (3) Tập hợp các chung cư cũ độc lập, đơn lẻ (quy mô lập tổng mặt bằng nhà đơn lẻ và đề án nghiên cứu quy gom tái định cư tại chỗ trên địa bàn phường, quận).
(4) Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư: quy định 03 hình thức lựa chọn, gồm: (1) Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn, (2) Đấu thầu lựa chọn, (3) Nhà nước thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách (Điều 113 Luật Nhà ở);
(5) Quy định và tổ chức triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
(6) Tạo lập quỹ nhà tạm cư: Sử dụng quỹ nhà tái định cư có sẵn; đầu tư xây dựng nhà tạm cư, nhà tái định cư (phục vụ tạm cư) mới bằng vốn ngân sách, nhà ở thương mại, sử dụng quỹ nhà ở xã hội kết hợp; rà soát quỹ đất trống trong các khu chung cư cũ có khả năng giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng tạo lập quỹ nhà tạm cư tại chỗ.
(7) Thực hiện các chính sách về ưu đãi đầu tư (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất; áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp; lệ phí trước bạ đối với diện tích nhà ở phục vụ tái định cư tại chỗ cho các hộ dân;…).
(8) Phân công nhiệm vụ các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã liên quan tổ chức triển khai thực hiện các công việc cụ thể đã được xác lập trong Đề án và theo chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật.
(9) Tuyên truyền, vận động trong công tác phá dỡ, di dời các hộ dân, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến cơ chế chính sách của Nhà nước, Thành phố để tạo sự đồng thuận của xã hội, các chủ sở hữu nhà chung cư cũ, người dân khi thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà chung cư nguy hiểm, phá dỡ, giải phóng mặt bằng, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; vận động người dân tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
PV