Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với bảo vệ vững chắc Tổ quốc là mục tiêu tổng quát của Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ngày 19/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 1246/QĐ-TTg.
Mục tiêu cụ thể
- Hoàn thiện thể chế, quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kiến trúc;
- Đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về kiến trúc; các đô thị hoàn thành xây dựng quy chế quản lý kiến trúc; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn.
- Bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống; phấn đấu đến năm 2025, các địa phương hoàn thành việc xây dựng danh mục công trình kiến trúc có giá trị; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc, đến năm 2030 hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc quốc gia; số hóa các công trình kiến trúc có giá trị; các công trình kiến trúc bảo đảm tiêu chí về bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng; có giải pháp phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về kiến trúc khu vực đô thị, nông thôn
- Đối với khu vực đô thị, phát triển kiến trúc đối với mỗi đô thị phải bảo đảm giữ được bản sắc, hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học, kỹ thuật; bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc; bảo đảm kết hợp hài hoà giữa quá khứ với hiện tại; có dự báo hợp lý trong tương lai, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
- Đối với khu vực nông thôn, phát triển kiến trúc tại nông thôn cần đề cao sự tham gia của cộng đồng; chú trọng bảo vệ di sản kiến trúc, thiên nhiên; bổ sung những chức năng còn thiếu, kết hợp hiện đại hóa kết cấu hạ tầng; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán riêng biệt của mỗi địa phương; phù hợp với đặc điểm thiên nhiên, con người, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển các công trình kiến trúc có tính kế thừa kiến trúc truyền thống, phù hợp với khung cảnh thiên nhiên và điều kiện khí hậu của từng địa phương.
Bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc
- Trên nền tảng bảo tồn các di sản kiến trúc cùng các giá trị cốt lõi tạo lập nên bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc truyền thống Việt Nam. Sự kết nối hữu cơ giữa các di sản với tổng thể kiến trúc của một khu vực trong đô thị, nông thôn cần được bảo đảm xuyên suốt trong quá trình phát triển kiến trúc.
- Bản sắc văn hóa trong kiến trúc phải được bảo tồn, phát huy phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, đặc điểm vùng miền; phản ánh mối quan hệ với nền kiến trúc hiện đại, ứng dụng những tiến bộ về công nghệ kỹ thuật; gắn kết khả năng công nghệ, vật liệu, kinh tế của từng địa phương.
Tổ chức tuyên truyền, giáo dục phổ cập về lĩnh vực kiến trúc
- Phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng trong việc tham gia vào quá trình phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần tạo lập, hoàn thiện môi trường cư trú tiện nghi và bền vững.
- Nâng tầm, đổi mới công tác truyền thông, giáo dục phổ cập nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa thực tiễn, tầm quan trọng của Định hướng và mục tiêu phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Chủ động, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc; tổ chức các hoạt động giao lưu, mở rộng, phát huy các mối quan hệ hợp tác, liên kết nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu về kiến trúc Việt Nam; thu hút đầu tư, xây dựng và nâng cao vị thế công nghiệp văn hóa Việt Nam trong lĩnh vực kiến trúc trên trường quốc tế.
Quyết định cũng nêu cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đền năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như: Xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách; Bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; Lý luận, phê bình kiến trúc; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Ưu tiên nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh, huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư để phát triển kiến trúc Việt Nam…
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện Định hướng, xây dựng các chương trình, đề án, dự án trọng điểm để thực hiện Định hướng; định kỳ đánh giá hàng năm, sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm về tình hình thực hiện Định hướng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xây dựng các mô hình quản lý thống nhất, tập trung, toàn diện, hiệu quả đối với hoạt động kiến trúc theo quy định tại Luật Kiến trúc 2019.
PV