14/07/2021

Không gian sáng tạo Hà Nội

Năm 2019, Hà Nội công bố tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều đề xuất xây dựng mô hình vườn ươm sáng tạo đã được đề xuất… Bên cạnh những quy trình thủ tục ấy, Hà Nội đã vốn sẵn có những không gian sáng tạo đã hình thành và hoạt động từ nhiều năm trước, và gặt hái được những kết quả đáng khích lệ…

Họa sĩ Việt Nam đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương

Trường Mỹ Thuật Đông Dương

Hà Nội trở thành TP sáng tạo từ bao giờ?

Hà Nội vốn được gọi là chốn Kẻ Chợ, nơi tập trung những cư dân tháo vát, nhanh nhẹn và tràn đầy năng lượng sáng tạo trong suốt ngàn năm lịch sử. Nhưng khi Kẻ Chợ bước sang giai đoạn mới, đô thị hoá theo cách phương Tây (cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20), mang tên mới là TP Hà Nội: Trung tâm chính trị, kinh tế văn hoá của cả xứ Đông Dương, TP phát triển giao thương với tốc độ cao, thì kinh tế sáng tạo mới có bước bứt phá ngoạn mục. Việt Nam vốn có lịch sử kinh tế nông nghiệp, cơ bản là tự cung tự cấp, nay chuyển nhanh sang mô hình kinh tế hàng hoá, sản xuất quy mô lớn, đa dạng, hướng tới thị trường phân phối rộng và xuất khẩu… Tất cả các ngành kinh tế đứng trước thách thức chưa từng có. Chính quyền thuộc địa đã nhanh chóng xây dựng các cơ sở đào tạo nghề mới tiếp cận với công kỹ nghệ mới, bản chất của quá trình này là nhằm bóc lột lao động thuộc địa một cách tinh vi hơn, nhưng với tài trí của người Việt đã làm cho quá trình sáng tạo trở nên chủ động/ tích cực, vượt qua cả âm mưu của những kẻ “thực dân xâm lược”.

“Vườn ươm” sáng tạo đầu tiên của Hà Nội là Hội chợ triển lãm Công Nông Thương nghiệp, còn gọi là Nhà Đấu Xảo, tổ chức lần đầu tiên năm 1902 và liên tục 2 năm/ lần nhiều năm sau đó, trở thành nơi trưng bày hàng hóa của nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Hoa, Philippin và nhiều nơi thuộc địa của Pháp trên khắp thế giới. Mục đích là để kết nối giao thương, sau đó lại trở thành trường đào tạo nghề thủ công kiểu mới cho các làng nghề quanh Hà Nội, một thời gian sau hình thành trường Nghệ Thuật đầu tiên của Pháp tại châu Á: Trường Mỹ thuật Đông Dương – Nơi đào tạo các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng cũng như các KTS đầu tiên, nhiều người trong số họ trở thành những người sáng tạo ra ngành Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam, tạo nên tiếng tăm thương hiệu nhiều sản phẩm công kỹ nghệ Việt Nam có tiếng vang toàn cầu từ nửa đầu thế kỷ 20.

Những “điểm sáng” đầu tiên tại Hà Nội hướng tới TP sáng tạo toàn cầu

Hà Nội đã có không gian ZONE 9 trong khuôn viên Nhà máy sản xuất Dược phẩm (do nhà máy đã di chuyển và chờ xây mới thành công trình bất động sản thương mại). ZONE 9 đã tập hợp được rất nhiều nghệ sĩ tâm huyết đến đây hoạt động nghệ thuật thực nghiệm, kinh doanh phát triển các sản phẩm sáng tạo mới… Do mô hình quá mới, nhiều quy trình đảm bảo an toàn hoạt động, đầu tư nên nhân một sự cố hoả hoạn ZONE 9 đã bị đóng cửa năm 2014. Nhiều nhóm nghệ sĩ đã chủ động kiến tạo hàng chục không gian, vườn ươm sáng tạo tại khắp nơi trong TP, có quy mô nhỏ hơn nhưng chuyên sâu hơn, đa dạng, phong phú hơn… nhưng do không gian phân tán tại nhiều địa điểm trong TP nên tính kết nối có phần hạn chế.

Không gian Ago Hub (12 Hòa Mã) là địa điểm quen thuộc của giới Kiến trúc và Nghệ thuật đương đại, đa phương tiện, Nhiếp ảnh và cả Di sản văn hóa, Công nghệ số và diễn đàn về tương lai học. Hoạt động tại đây rất phong phú: Từ không gian văn phòng làm việc chia sẻ đến các cuộc trưng bày, thảo luận, chiếu phim, thư viện và các lớp đào tạo chuyển giao cơ hội hành nghề mới.

Không gian “Ơ kìa Hà Nội” (phố Hoàng Hoa Thám và trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp) thì không chỉ dành cho nghệ thuật điện ảnh mà còn là không gian cho Nghệ thuật tạo hình, Âm nhạc, Văn học, Thơ ca và cả những cuộc thảo luận mở về Phát triển bền vững với những hoạt động cụ thể để bảo vệ môi trường sống bình yên và an toàn cho hôm nay và mai sau, họ còn đang bắt tay vào xây dựng nơi trưng bày di sản văn hóa Việt, trước mắt là trưng bày những kỷ vật văn hóa sống của dân tộc Việt trước những thách thức bị mai một do nhiều nguyên nhân.

Không gian đường phố đang là không gian sáng tạo không giới hạn cho nhóm “Nghệ sĩ vì cộng đồng” của họa sĩ, nghệ sĩ Mỹ thuật đương đại, sinh viên do các thầy giáo trường Đại học Mỹ thuật làm nòng cốt, họ đã làm nên góc phố Phùng Hưng nhếch nhác trở nên hấp dẫn và sinh động, bờ vở sông Hồng, nơi đổ rác tự phát trở thành nơi chụp ảnh ấn tượng rực rỡ sắc mầu cho cư dân Thủ đô và là niềm tự hào của bà con dân phố Phúc Tân, các nghệ sĩ còn kết hợp với các KTS, các nghệ sĩ ánh sáng, các nhà khoa học để tái hiện lại không gian “phố Phái” bằng âm thanh và hình ảnh động tại Bảo tàng Hà Nội, các cuộc triển lãm, trò chuyện của họ diễn ra tại nhiều ngôi nhà góc phố, trên không gian mạng trong mùa COVID, cho những bạn trẻ, người già và cả những người khiếm thị cũng có thể cảm thức được khung cảnh Hà Nội đang biến đổi theo những lối nào.

Không gian sáng tạo trong không gian công cộng, vườn hoa sân chơi thì cần kể đến nhóm Think Playground. Các bạn làm ra các sân chơi rất hấp dẫn bằng các vật liệu thân thiện, màu sắc chọn lọc và các hoạt động luôn tạo sự tò mò, kích thích trí tưởng tượng, hơi “mạo hiểm” (nhưng an toàn) để các bạn nhỏ thử sức. Cũng là sân chơi, nhưng sân chơi sáng tạo luôn tạo ra năng lượng mạnh mẽ, khác hẳn các đồ chơi “mậu dịch” do các đơn vị sản xuất hàng loạt, vứt chỏng chơ khắp các sân trường (do ngành Giáo dục đào tạo bỏ ngân sách ra mua cấp về các trường) nhưng không đứa trẻ nào ngó tới.

Công nghệ số đang xây nền móng cho TP sáng tạo toàn cầu

Không gian sáng tạo cần kể đến các bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, họ đã tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số trong nước và toàn cầu, các thầy giáo, sinh viên Bách Khoa với điều kiện hạ tầng khiêm tốn nhưng đã làm ra máy đo chất lượng không khí giá rẻ, máy khử khuẩn hạn chế dịch bệnh và các kỹ sư đã sáng tạo ra máy ATM chia gạo vừa thông minh vừa đầy ắp tình người trong cơn nguy khốn. Sức nóng của sáng tạo đã thổi mạnh vào các sân trường ĐH Xây dựng, ĐH Kiến trúc Hà Nội… một thế hệ KTS sử dụng công nghệ số trong học tập và sáng tác.

Các KTS, các nhà khoa học sinh học, nông nghiệp, kinh tế học đô thị đã bắt tay vào xây dựng mô hình phát triển chuỗi liên kết sản xuất, an sinh mới giữa đô thị và nông thôn, giữa nông nghiệp và du lịch, giữa làng nghề truyền thống với thị trường toàn cầu, họ đã xây dựng mô hình sản xuất liên kết dựa vào công nghệ số từ thiết kế mẫu mã đến quản lý hàng hóa và đo lường các đại lượng kinh tế và môi trường bền vững, cả về sinh thái lẫn văn hóa – xã hội.

Hà Nội đang đứng trước cơ hội phát triển mới với nhiều thách thức, tài nguyên tự nhiên đã gần tới hạn cạn kiệt, lại thêm ô nhiễm, hạn hán, dịch bệnh, kinh tế toàn cầu thiểu phát… đòi hỏi những bước sáng tạo để tạo ra nguồn lực và động lực mới. Riêng trong lĩnh vực Kiến trúc đô thị, các KTS đang nhận thức sâu sắc được cơ hội và trách nhiệm của mình, họ đang bắt tay vào xây dựng những không gian đô thị sáng tạo, những đơn vị tự chủ sinh thái toàn diện, những mô hình đô thị đa năng, chia sẻ, tối ưu hóa một cách sáng tạo nhất để Hà Nội ta sớm trở thành địa điểm ghi dấu TP sáng tạo toàn cầu. Hy vọng bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng sáng tạo, cũng cần với tầm nhìn xa của các cấp lãnh đạo Nhà nước và TP: Họ cần kiến tạo, hỗ trợ, cung cấp không gian đủ lớn để hệ sinh thái sáng tạo có đủ không gian phát triển.

Ý tưởng phát triển bãi Sông Hồng

KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội/Tạp chí Kiến trúc