Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển đô thị
Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 – 2025” đang được các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố nhanh chóng triển khai. Để việc thực hiện đạt hiệu quả, nhiều ý kiến đề nghị thành phố cần sớm hoàn thiện xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về chỉnh trang đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị.
Được chính thức triển khai từ tháng 4/2021, đến nay Ban Chỉ đạo Chương trình số 03 đã tập trung cụ thể hóa năm mục tiêu cụ thể, 19 chỉ tiêu chủ yếu, sáu nhiệm vụ và sáu giải pháp trọng tâm giai đoạn 2021 – 2025. Đáng chú ý, trong lĩnh vực quy hoạch, thành phố đã cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch trên địa bàn, phấn đấu phủ kín quy hoạch, tiến tới quản lý theo quy hoạch. Công tác chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị cũng được chú trọng.
Về hạ tầng giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng, Hà Nội đã hoàn thành mở mới 14 tuyến xe buýt, xây dựng phương án kết nối trung chuyển hành khách bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, nghiên cứu, thẩm định cho phép triển khai dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn. Trong phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, thành phố tiếp tục xây dựng chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sáu tháng đầu năm nay, trên địa bàn Thủ đô đã có bốn dự án nhà ở thương mại được hoàn thành, tương ứng hơn 290.000 m2 sàn, hơn 2.500 căn hộ. Thành phố cũng đã ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn.
Theo đánh giá của các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình số 03, hai tháng qua, các đơn vị của thành phố đã nhanh chóng, nghiêm túc triển khai, cụ thể hóa các nội dung của Chương trình số 03. Tuy nhiên, để có thể thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, trước mắt thành phố cần sớm xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách có liên quan. Hiện thành phố vẫn đang thiếu những hành lang pháp lý trong lĩnh vực đô thị. Chẳng hạn việc cải tạo, xây mới chung cư cũ, thành phố đã bàn rất nhiều năm, nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ, cho nên số chung cư cũ được chỉnh trang, xây mới rất ít, đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù để đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ. Hay liên quan việc triển khai nhiệm vụ “Rà soát, lập danh mục, phân loại các công trình kiến trúc khác có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội” đã được Viện Quy hoạch xây dựng và Sở Quy hoạch – Kiến trúc triển khai, nhưng đang vướng mắc về nguồn vốn và phương pháp tính dự toán chi phí thực hiện, cần có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo.
Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, muốn thực hiện tốt các mục tiêu, chương trình cần ưu tiên xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ. Thành phố vẫn đang thiếu nhiều cơ chế chính sách trong lĩnh vực chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị. Trong khi để ban hành được một cơ chế chính sách mới là một quá trình dài, mất rất nhiều thời gian, chính vì vậy các sở, ngành khi xây dựng kế hoạch cần đặc biệt quan tâm đến nội dung này.
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản lưu ý: Chương trình số 03 là chương trình lớn, để thực hiện đòi hỏi nhiều nguồn lực, tuy nhiên hiện vướng rất nhiều cơ chế, chính sách. Như việc phát triển nhà tái định cư hay giá bán lẻ nước sạch, các sở, ngành cần rà soát lại cơ chế cũng như lựa chọn đầu việc, danh mục dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên.
Về phía địa phương, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho rằng, Ban Chỉ đạo cần quan tâm đến cơ chế chính sách, ưu tiên triển khai phân cấp cho các quận, huyện trong thực hiện một số nội dung như: cải tạo chung cư cũ, chỉnh trang công viên, vườn hoa và quản lý sau đầu tư; cải tạo đường giao thông tại các khu vực đông dân cư.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo Chương trình số 03 đề ra trong sáu tháng cuối năm 2021 là hoàn thành các cơ chế chính sách, văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền ban hành của thành phố. Đây là việc làm cần thiết nhằm bảo đảm tính bền vững của quá trình đô thị hóa, giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị tại Hà Nội.
An Trân/Báo Nhân dân – Trang Hà Nội