09/07/2021

Đẩy mạnh xây dựng công viên, mảng xanh

Trong năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư xây dựng mới 10ha công viên và 2ha mảng xanh công cộng, đồng thời, trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường và nâng cao chỉ tiêu đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn.

Công viên ngã ba An Phú (thành phố Thủ Đức), rợp bóng cây xanh

Ghi nhận tại Công viên ngã ba An Phú (đường Nguyễn Thị Định, thành phố Thủ Đức), từng hàng cây xanh được trồng thẳng tắp, đẹp đẽ, rợp bóng mát dọc đầu đường dẫn vào cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, dọc Đại lộ Mai Chí Thọ và đường Nguyễn Thị Định. Giữa công viên được đầu tư xây dựng đài phun nước giúp điều hòa nhiệt độ mỗi lúc trời nắng nóng, cạnh đó là khu vui chơi trẻ em, nhiều loại cây cảnh, hay những bức tượng khắc họa nhiều con vật rất ngộ nghĩnh, bao quanh là từng thảm cỏ xanh mướt. “Khu này trước đây là khu đất trống. Từ khi chính quyền xây dựng công viên cây xanh, người dân được vui chơi, hít thở không khí trong lành mỗi ngày”, chị Trần Thị Lệ (ở 85/41 Nguyễn Thị Định, thành phố Thủ Đức) vui mừng chia sẻ.

Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, thành phố Thủ Đức đặt mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp. Trong năm 2021, thành phố Thủ Đức dự kiến sẽ hoàn thành Công viên Phú Hữu, góp phần tăng mảng xanh đô thị trên địa bàn.

Theo thống kê của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 405 công viên, bao gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu ở, với hơn 235.000 cây xanh. Về mảng xanh, thành phố có hơn 11.400 cây xanh, tương ứng 7m2/người. Để phủ mảng xanh và mở rộng thêm các công viên công cộng, trong năm 2021, thành phố phấn đấu đầu tư xây dựng mới 2ha mảng xanh và 10ha công viên công cộng; trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ ưu tiên đầu tư 26 công viên tại thành phố Thủ Đức. Trong đó, 24 công viên thuộc địa bàn quận 9 cũ và 2 công viên thuộc địa phận quận Thủ Đức trước đây. Cùng với đó, trong năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành 7 công viên, bao gồm: Phú Hữu (thành phố Thủ Đức); Cây Sộp (quận 12); Rạch Tra (huyện Hóc Môn); Công viên đường Bùi Thị Điệt (huyện Củ Chi); Công viên cụm Đại học Quốc gia (quận Tân Bình); Cả Cấm, công viên trên tuyến đường Trần Xuân Soạn (quận 7). Cùng với đó, tại nhiều khu đất trống như khu đất giao lộ Trần Văn Giàu – Võ Trần Chí (quận Bình Tân); khu đất trước Bệnh viện Nhi Đồng (huyện Bình Chánh); khu đất trống dưới gầm cầu Phú Mỹ (quận 7), có tổng diện tích khoảng 2ha cũng sẽ được phát triển thành mảng xanh.

Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh) Vũ Văn Điệp thông tin, thời gian tới, Sở đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động phối hợp với các chủ đầu tư thống nhất kế hoạch đầu tư hoàn chỉnh công viên, cây xanh tại các dự án đề ra. Đồng thời, rà soát, bổ sung quỹ đất, đề xuất các khu đất xây dựng công viên từ nay đến năm 2025 trên địa bàn. Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chế Đình Lý, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại thành phố Hồ Chí Minh thì việc đề ra mục tiêu và lộ trình phát triển mảng xanh, công viên xanh là rất kịp thời và đúng đắn. “Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, thành phố nên xây dựng chính sách khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng những công viên có quy mô lớn. Đồng thời, các địa phương cũng cần chủ động đề xuất thành phố thêm quỹ đất cho phát triển mảng xanh và công viên, đẩy nhanh quá trình trồng mới cây xanh và công viên theo kế hoạch đề ra”,  Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chế Đình Lý nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, trong đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, thành phố xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ tăng thêm tối thiểu 150ha đất công viên, tăng thêm 10ha mảng xanh công cộng trên địa bàn. Đến năm 2030, đất công viên ở thành phố đạt 1m²/người, tổng diện tích cây xanh nâng lên 3-4m²/người, qua đó, từng bước cải thiện cơ bản tình trạng thiếu mảng xanh và công viên, góp phần đem lại môi trường sống trong lành cho người dân thành phố.

Hà Phạm/Hà Nội mới