Thách thức mới trong điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội
Hà Nội lập kế hoạch điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Việc đầu tiên là cần rà soát, đánh giá quy hoạch sau 10 năm thực hiện (2011-2021) và thành phố đã giao Sở Quy hoạch chủ trì tổ chức, dự kiến hoàn thành 30.6.2021…
Bắt trúng “bệnh” để chữa
Hà Nội sẽ tập trung rà soát tình hình lập, triển khai các quy hoạch có liên quan, các dự án đầu tư theo quy hoạch được duyệt và kế hoạch thực hiện quy hoạch; đánh giá dân số hiện trạng, dân số theo quy hoạch được duyệt và khả năng phát triển.
Đồng thời đánh giá các nội dung đã thực hiện, các tác động, hiệu quả của việc thực hiện theo quy hoạch được duyệt; các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại từng khu vực và toàn thành phố; đánh giá các vấn đề tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai, những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quá trình triển khai thực hiện; phân tích những yếu tố mới trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch và phát triển kinh tế – xã hội, yêu cầu xây dựng phát triển Thủ đô sắp tới; kiến nghị và đề xuất [1].
Sau 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg 2011 gọi tắt QH-1259). Hà Nội đã đô thị hóa với tốc độ cao nhưng chưa đồng bộ: diện tích sàn xây dựng nhà ở/dịch vụ thương mại đã tăng 10-12 triệu m2/năm, bằng tổng diện tích sàn Hà Nội xây dựng trong 100 năm (1900-2000).
Trong 10 năm (2011-2021), tổng diện tích sàn tăng bằng 1.000 năm thì hạ tầng đô thị không theo kịp, dẫn đến giao thông tắc nghẽn, môi trường sinh thái suy thoái, ô nhiễm bủa vây. Rồi thực trạng thiếu không gian công cộng, cây xanh, mặt nước. Và cũng từ việc tiếp cận tài nguyên mất cân đối đã dẫn đến chênh lệch giàu nghèo gia tăng. Mục tiêu việc điều chỉnh lần này là nhằm triển khai đồng thời, bảo đảm lồng ghép thống nhất các nội dung với quy hoạch thành phố Hà Nội đang triển khai, tránh trường hợp thiếu sự đồng bộ thống nhất, phải điều chỉnh sau này.
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch chủ trì, tập trung rà soát tình hình lập, triển khai các quy hoạch có liên quan, các dự án đầu tư theo quy hoạch được duyệt và kế hoạch thực hiện quy hoạch; đánh giá dân số hiện trạng, dân số theo quy hoạch được duyệt và khả năng phát triển. Thời gian tiến hành tới 30.6.2021 [1].
Dựa trên những thông tin quy hoạch đã công bố, những dự án đang triển khai và cả những dự án đã được giao triển khai nhưng mới phải dừng lại, chúng tôi dựng lên một bối cảnh các dự án triển khai trong cùng một khu vực để nhận diện những thách thức mà quá trình thực hiện phải đối mặt, từ đó đưa ra những nội dung mà công tác “rà soát, đánh giá” cần tiếp cận như thế nào.
Theo QH-1209, tại khu vực cuối phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) sẽ có cầu ngầm chui qua sông để sang bờ Bắc sông Hồng. Báo chí từng đưa tin dự án bắc cầu nổi qua sông trị giá 8.000 tỷ đồng. Phương án “giả cổ” có khoảng tĩnh không thấp như cầu Long Biên, Chương Dương… có lợi thế là cầu dẫn lên cầu ngắn. Phương án “tân thời” có tĩnh không cao như cầu Vĩnh Tuy, Nhật Tân nhưng lại vượt quá chiều cao quy định phễu bay của phi trường Gia Lâm. Câu hỏi đầu tiên là bắc cầu qua đây cần đảm bảo chiều cao tĩnh không là bao nhiêu? Vì nếu không rõ thì không thể làm cầu nổi tại đây.
Làm cầu ngầm qua sông có giá thành cao hơn gấp đôi cầu nổi, yêu cầu công kỹ nghệ cao do vậy cần tích hợp đa năng để giảm giá thành. Chỉ cần kết hợp ngầm đường bộ với đường sắt đã giảm 50% giá thành (tương đương với cầu đường sắt 8.000 tỷ đồng do Đường sắt Việt Nam đề xuất). Nếu kết hợp cầu ngầm với không gian ngầm thương mại dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật đường dây, đường ống ngầm và cả sông ngầm hỗ trợ thoát nước mùa mưa, trữ nước sạch mùa cạn… cũng có thể giảm tới mức hoà vốn và có lãi.
Liên kết đa chức năng, hợp thành bởi nhiều nguồn vốn dẫn đến nhiều chủ đầu tư đồng sở hữu trong cùng không gian đa chiều thì câu hỏi thứ hai đặt ra là Luật Đất đai có đề cập tới quản lý và sở hữu “đất ngầm” không? Vì thiếu các văn bản pháp lý liên quan làm phát sinh những tranh chấp phức tạp, dẫn tới thiệt hại tài chính rất lớn. Hiện tại, Dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội đang bế tắc “chậm GPMB các ga ngầm, nhiều khả năng dẫn đến tranh chấp hợp đồng với các nhà thầu quốc tế” [2]
“Tái tạo” đô thị cần sáng tạo ra các giá trị mới
Hà Nội đang nghiên cứ Quy hoạch đôi bờ sông Hồng, với yêu cầu phải phù hợp với “Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình” (được phê duyệt 2016). Ngoài ra, cần “xây dựng phương án phòng chống lũ trong quy hoạch phát triển Thủ đô”. Trong khi đó, đất bờ sông ngoài đê sông Hồng rất đông dân. Chỉ tính đoạn 5Km từ cầu Long Biên đến cầu Vĩnh Tuy, hiện có hàng trăm ngàn người cư trú trên khu đất rộng hơn 5 triệu mét vuông.
Đề xuất đưa ra là mô hình “Ngôi nhà thân thiện” cao tầng để trống mặt đất cho nước chảy thoát lũ và không gian xanh mùa cạn. Khoảng đất bán ngập còn lại làm “Công viên Hài hòa” : thích ứng với hai mùa lũ cạn. Câu hỏi tiếp theo được đặt ra, là có thể đưa mô hình “Ngôi nhà thân thiện/Công viên hài hòa” vào phương án phòng chống lũ? Nếu được thì cần làm rõ những điều kiện để có quyền sử dụng đất; quyền sở hữu, sử dụng tài sản đầu tư, xây dựng trên đất hành lang thoát lũ. Khi “quyền tài sản” được khẳng định thì sẽ tạo hấp lực đầu tư mạnh mẽ, không giới hạn từ xã hội.
Để đôi bờ sông Hồng tạo nên hình ảnh Hà Nội hiện đại của thiên niên kỷ thứ hai, mang lại lợi ích nhiều mặt thì cần nguồn đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD với hệ thống giao thông đồng bộ kết nối trong đê – ngoài đê, kết nối Thành phố mới bên sông với phần còn lại của Hà Nội và các địa phương. Hà Nội đã có kinh nghiệm phát triển giao thông kết hợp với gia cố đê bê tông đoạn từ Âu Cơ tới Yên Phụ nay có thể phát huy kéo dài xuống phía Nam; Kết nối đồng bộ giao thông động và tĩnh, đường bộ và đường săt.
Để trả lời cho câu hỏi “tiền đâu” cần cách lập quy hoạch mới thay cho bản quy hoạch chỉ vẽ ra những viễn ảnh ước mơ mãi chỉ là mơ ước. Quy hoạch mới phải tạo ra các giá trị mới, các nguồn lực mới để hiện thực hoá. Quy hoạch giao thông vận tải đến 2030 tầm nhìn 2050 (phê duyệt 2016), đã liệt kê danh mục đầu tư 100 nghìn tỷ/năm, nhưng 5 năm qua chỉ bố trí 5-7%/năm. Câu hỏi đặt ra là đã tới lúc thay bản quy hoạch khác có tính thực tiễn hơn, các dự án phát triển theo quy hoạch tự tìm ra được nguồn lực thực hiện, thậm chí có lãi để nộp vào ngân sách thành phố…
Hy vọng quy hoạch điều chỉnh sẽ giải đáp những câu hỏi bài này đặt ra.
KTS Trần Huy Ánh/Người đô thị
__________
[1] https://vneconomy.vn/ha-noi-trien-khai-lap-dieu-chinh-tong-the-quy-hoach-chung-xay-dung-thu-do.htm
[2] http://kinhtedothi.vn/ha-noi-kien-nghi-nhieu-giai-phap-tang-toc-cac-du-an-oda-423884.html