Cần làm rõ động cơ cố tình làm khó người dân của lãnh đạo huyện Dương Minh Châu trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng đường Đất Sét – Bến Củi
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh trước đó, quá trình tiếp xúc với các hộ gia đình, người dân cung cấp cho PV nhiều đoạn ghi âm, trong đó có cuộc gọi của Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu và Giám đốc trung tâm quỹ đất trao đổi với dân về việc “có thể cho thêm người dân tiền đền bù”. Dự luận hoài nghi rằng, có hay không việc lãnh đạo huyện này đang lạm quyền?
Hết thỏa thuận “cho thêm” tầng kiến trúc lại “gợi ý” tăng thêm diện tích đất ở nông thôn?
Trước đó, ông T.V. R và Giám đốc Trung tâm quỹ đất là ông Nguyễn Văn Sanh đã gọi điện thoại “gợi ý” cho thêm tiền đền bù 01 tầng kiến trúc “con mới họp ủy ban xong, ủy ban có chỉ đạo cho con là trao đổi với cậu mợ cái; cậu mợ là bạn ổng nên giờ ông nghiên cứu ông lấy cái quyền của ổng luôn là để xin hội đồng trước mắt (ổng tức ông Tín – Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu) ông Tín nói giờ hỗ trợ cho cậu thêm một cái tầng nữa bởi vì đền cho nhà hết 1 cái tầng rồi giờ thêm tầng nữa nếu mà cậu mợ đồng ý thì anh Tín mới bảo đảm với hội đồng là thống nhất cho cậu mợ còn nếu cậu mợ không đồng ý thì theo quy định vậy đó. Giờ là gấp đôi nó lên giống như là hồi đó là 137 triệu 750 phải không giờ hỗ trợ một lần nữa là 137 triệu nữa 705 nữa nếu mà cậu mợ đồng ý thì mới được nha, đồng ý thì con mới đưa ra phương án trình lên hội đồng được nghen vì đây là cá nhân của ổng chủ tịch là bạn thân”.
Còn cuộc gọi giữa ông T.V.R với ông Phạm Văn Tín – Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu “tức là cái diện tích hổm đền bù là tính có một tầng phải hông không phải một nữa mà đền nguyên cái nhà thì hông được rồi đền hết cai phòng khách đó mà nó tính nó ghi là nhà cấp 3, nhà cấp 3 mà nó ghi có 1 tầng á thì tôi nói như dậy thì có thể bổ sung thêm được tầng nữa mặc dù là ông không có đủ tầng. Bây giờ cái phần không có đủ tầng đó, mà ghi hình ảnh lại tôi nói cũng rất là khó mà tôi nói thôi thì bây giờ chấp nhận cái đó nếu mà có ai phát hiện thì trách nhiệm cá nhân tôi tôi chịu chứ giờ mà nói đúng quy định thì nó không đúng bởi vì hình ảnh ghi lại có 1 tầng mà mình nói 2 tầng, ghi là ghi nhà cấp 3…”?, ông Tín nói.
Đáng nói hơn, dư luận còn chưa hiểu hết động cơ của các cuộc điện thoại gợi ý cho thêm tiền đền bù của lãnh đạo huyện Dương Minh Châu thì nay lại có thêm một cuộc điện thoại “lạ” của ông P.T.D với giám đốc trung tâm quỹ đất.
Cụ thể, ông P.T.D gọi điên thoại cho ông Nguyễn Văn Sanh Giám đốc Trung tâm quỹ đất qua số điện thoại 0977xxx829 và hỏi “Sáng mày điện cho bác Út gái mày nói cho lên 100m thổ cư nữa với đền nhà 100% phải không?” thì được ông Sanh trả lời “Dạ 100 thổ cư với nhà đền 100% vật kiến trúc với nhà đền 100%”. Chưa dừng lại ở đó, ông P.T.D mong muốn cho thêm diện tích thổ cư nữa “Cở mày cho tao lên 100m thổ cư nữa được không?” thì được ông Sanh trả lời “Bác bác, tại vì công trình mình nhiều quá nên làm vậy nơi khác kiểm tra nên mình thực hiện như vậy nó hơi khó đó bác; dạ không được bác ơi, 100 nữa là sở xuống nó thẩm định nó kiểm tra nhà cửa mình bao nhiêu mét mình sử dụng bao nhiêu mét rồi, sở nó kiểm tra đó bác”.
Quy trình “ngược”?
Qua trao đổi với các hộ dân, tiếp nhận hồ sơ và nghiên cứu, việc khiến các hộ dân này bức xúc là họ liên tục nhận các văn bản, các quyết định từ chính quyền. Tuy nhiên quy trình thực hiện không đúng quy định của pháp luật và gây khó khăn cho người dân.
Đơn cử, hộ bà Đỗ Thị Thiểu, tại Quyết định số 1556/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Đất Sét –Bến Củi, có nội dung “cầm đèn chạy trước ôtô”, “vị trí, diện tích đất thu hồi theo sơ đồ hiện trạng sử dụng đất của Công ty cổ phần đo đạc bản đồ địa chính Tây Ninh lập ngày 13/08/2019 và được Sở Tài nguyên và Môi trường nghiệm thu ngày 20/6/2019”. Theo quyết định này là Sở Tài nguyên và Môi trường đã nghiệm thu trước khi Công ty cổ phần đo đạc bản đồ địa chính Tây Ninh lập sơ đồ hiện trạng. Vậy số liệu này có phải là số liệu khống hay không?
Tiếp đó, ngày 9/9/2020 bà Thiểu nhận Quyết định 1699/QĐ-UBND Phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ; ngày 22/3/2021 bà nhận Quyết định 122/QĐ-UBND Phê duyệt bổ sung phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ. Mãi đến tháng 4/2021 thì bà Thiểu mới nhận được Phương án dự thảo bồi thường, hỗ trợ (phương án này không có ngày, chỉ có tháng và năm, không có ký tên và đóng dấu). Gia đình bà Thiểu chưa kịp chuẩn bị thì ngày 06/04/2021 bà Thiểu tiếp tục nhận được Quyết định 1847/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất để giải phóng mặt bằng.
Chưa hết, Thông báo số 01/TB-HĐBT về việc nhận tiền, tự tháo dỡ nhà cửa vật kiến trúc, tận thu hoa màu cây trái và tài sản trên đất bàn giao mặt bằng, thời gian bàn giao mặt bằng trước 10 ngày kể từ ngày ra thông báo (hạn cuối đến ngày 07/4/2021), tuy nhiên mới đến ngày 6/4/2021 UBND huyện Dương Minh Châu đã “vội vàng” ký quyết định cưỡng chế thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án: Đường Đất Sét – Bến Củi.
Lạ thay, Quyết định cưỡng chế do ông Phạm Văn Tín – Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu ký ngày 06/4/2021 nhưng đến ngày 13/04/2021 bà Thiểu mới nhận được Giấy mời đi nhận tiền của Trung tâm quỹ đất. Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu, Giám đốc Trung tâm quỹ đất đã làm đúng quy trình hay chưa, hay đang cố tình gây khó dễ cho người dân?
Chưa thông báo tái định cư đã ký quyết định cưỡng chế
Theo hồ sơ người dân cung cấp, liên quan đến việc mở mới đường Đất Sét – Bến Củi đoạn qua Cầu K8 tiếp giáp giữa xã Lộc Ninh với xã Bến Củi. Ngày 17/03/2021 UBND tỉnh Tây Ninh có Biên bản họp số 107/BB-UBND về việc tháo gở vướng mắc khó khăn dự án đường Đất Sét – Bến Củi, “Nhận thấy việc thu hồi đất của 13 hộ dân là để mở hướng tuyến mới và phần diện tích đất thu hồi của các hộ dân (có nhà ở trên đất nông nghiệp hoặc chưa có nhà ở) đã được quy hoạch là đất ở trước khi hướng tuyến mới được duyệt, thống nhất với Báo cáo số 1343/BC-STNMT của Sở Tài nguyên và Môi Trường về việc áp dụng mức 1.840.000 đồng/m2 để hỗ trợ cho người dân có đất thu hồi. Giao UBND huyện Dương Minh Châu phối hợp Sở Tài nguyên và Môi Trường thực hiện hỗ trợ theo quy định”.
Mặc dù UBND tỉnh Tây Ninh có buổi họp và có phương án hỗ trợ người dân ở tuyến đường mở mới. Thế nhưng hộ bà Nguyễn Thị Nguyên phải cay đắng nhận quyết định cưỡng chế trong khi chưa nhận được thông báo tái định cư, và chưa nhận được chi tiết bồi thường, hỗ trợ. Cụ thể, ngày 06/4/2021 hộ bà Nguyễn Thị Nguyên nhận được quyết định cưỡng chế trong khi ngày ngày 13/04/2021 bà Nguyên mới nhận được Phương án bồi thường hỗ trợ về đất bổ sung.
Mặc dù, thời gian sau buổi họp của UBND tỉnh là gần 01 tháng, thế nhưng tại phương án bồi thường, hỗ trợ, bổ sung do Giám đốc Trung tâm quỹ đất ông Nguyễn Văn Sanh ký thì căn cứ pháp lý không hề đề cập đến việc UBND tỉnh Tây Ninh họp hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi. Điều đáng nói, buổi họp ngày 17/3/2021 UBND tỉnh thể hiện rõ quan điểm “Giao UBND huyện Dương Minh Châu phối hợp Sở Tài nguyên và Môi Trường thực hiện hỗ trợ theo quy định”.
Dư luận tiếp tục đặt câu hỏi, và hoài nghi về việc Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu và Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Dương Minh Châu có đang cố tình “quên” quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân hay không?, tại sao người dân được hỗ trợ mà ông Nguyễn Văn Sanh lại không hề đưa nội dung hỗ trợ vào chi tiết bồi thường và hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất, còn ông Phạm Văn Tín lại đặt bút ký quyết định cưỡng chể người dân?.
Chính quyền UBND xã, UBND huyện và đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nói gì?
Ngày 19/04/2021 ông Nguyễn Khắc Điệp – Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh trả lời báo chí về vấn đề tái định cư: Nói chung về giải quyết tái định cư thì do huyện quyết định. PV tiếp tục hỏi, xã không được nắm được danh sách? thì ông Điệp trả lời “nói chung xã chưa có nghe chỉ đạo”.
Còn ông Phạm Văn Tín – Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, “13 hộ được huyện đề xuất chính sách hỗ trợ để cho đảm bảo, trong đó có 7 hộ tái định cư thôi còn lại những hộ vẫn còn đất ở chứ không phải là tái định cư hết, việc 7 hộ tái định cư đó, tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho huyện”.
“Từ đầu là không có tái định cư, tuy nhiên quá trình làm thì phát sinh, tỉnh giao cho huyện khảo sát vị trí đất tái định cư; Hiện tại xã Bến Củi tạm thời tôi cho dời về tái định cư cho một hộ ngay chỗ gần chùa, đối diện với UBND xã Bến Củi, đang tổ chức cho xã hỗ trợ đễ xây dựng cho bà cụ về ở, bề ngang 4m chiều dài bằng với miếng đất bà ở ngoài kia. Còn cái việc thủ tục tái định cư tụi tui làm sau, trước mắt là cứ cho cụ về đó ở cái đã, thủ tục tái định cư thì tụi tui phải làm theo quy trình. Còn 7 hộ tái định cư còn lại tụi tui dự định tái định cư 2 nơi mỗi nơi 4 hộ và nơi còn lại cũng 3 hộ”, ông Tín chia sẽ thêm.
Khi PV đề cập danh sách các hộ được hưởng tái định cư thì ông Tín nói, “cái đó cơ quan chuyên môn giữ chứ tôi cũng hông giữ”.
Ngoài ra ông Tín còn thừa nhận “tôi nghiên cứu rất là nhiều lần, tôi nói với anh em, cái hộ nào, tôi coi từng nhà từng nhà, có thể thì tôi cho ít ví dụ như còn 1m 2m thì tôi cho thêm, cái đó là ngoài quy định, nếu như nhà nước sau này có bắt lỗi tôi thì tôi chịu thôi, cái đó tôi làm sai, nhưng mà tôi làm sai vì dân”.
PV tiếp tục liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường, về việc tại sao không thông báo tái định cư cho người dân mà lại ra quyết định cưỡng chế? Thì được ông Trần Quang Sang – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Cái này thì đúng là không kịp thời nhưng là có, còn lý do tại sao mà không công bố được từ đầu, dự án từ đầu là không tính nắn tuyến như vậy nhưng cũng có thể là, khi triển khai chủ trương UBND tỉnh ra thì có khi là anh em hoặc là nó quên, nhưng mà anh khẳng định một điều là có tái định cư.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nhóm PV/Diễn đàn doanh nghiệp