Sớm tháo gỡ “nút thắt” trong cải tạo các chung cư cũ ở Hà Nội
Trước thông tin TP Hà Nội sẽ cải tạo, xây lại nhiều khu chung cư cũ khiến nhiều bạn đọc vui mừng, hy vọng các cấp chính quyền sớm triển khai các phương án khả thi, giúp người dân ổn định cuộc sống. Ða số bạn đọc đều lo ngại trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của các khu chung cư có tuổi đời hơn 40 năm, băn khoăn về chính sách đền bù, di dời cũng như quá trình thực hiện.
Theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025”, TP Hà Nội đặt chỉ tiêu triển khai cải tạo, xây dựng lại hai đến ba khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại. Theo đó, ba khu chung cư cũ được đề xuất cải tạo, xây dựng lại trong giai đoạn này là chung cư Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh. Ðây là các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm đặc biệt, có nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp các hộ dân (cấp độ D).
Chia sẻ với chúng tôi, bà Hoàng Thị Lan (khu chung cư Thành Công, Ba Ðình) cho biết: Tôi đã ở đây hơn 35 năm, khu chung cư hiện xuống cấp trầm trọng. Có nhà bị sụt, lún, các đơn nguyên nứt, rời xa nhau hàng chục cm. Hầu hết chung cư nào cũng có hiện tượng thấm, dột, ẩm mốc, mất vệ sinh và mỹ quan. Ðể đỡ kết cấu tòa nhà, nhiều gia đình đã phải tự bỏ tiền làm cột sắt chống đỡ mái, nhất là ở phần cầu thang chung. Với kiểu nhà bê-tông lắp ghép này, những gia cố như vậy không thể bảo đảm an toàn. Sống tại khu chung cư Thành Công từ năm 1986, ông Ngô Quang Huy cũng cho biết: Hầu hết các nhà trong khu tập thể đều tiến hành cải tạo, cơi nới theo kiểu “chuồng cọp” để tăng diện tích ở. Một nhà năm tầng, ba đơn nguyên, đeo thêm khoảng 30 cái “ba-lô” thì việc phá vỡ kết cấu tòa nhà, gây nguy hiểm là khó tránh khỏi. Cùng quan điểm, bà Nguyễn Quỳnh Hoa (khu chung cư Giảng Võ) cho biết thêm: Ða số người dân đều mong muốn được cải tạo nhà càng sớm càng tốt, chỉ có một số hộ sống tại tầng một chưa “mặn mà” với sự thay đổi lớn này bởi họ có mặt bằng cho thuê hoặc kinh doanh. Nhưng dù sống ở tầng nào thì chúng tôi đều có chung những băn khoăn, lo lắng về chính sách đền bù, di dời và quá trình thực hiện.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ có quy mô từ hai đến năm tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954. Mật độ dân cư hầu hết đã tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu. Hầu hết các khu chung cư cũ ở Hà Nội đều không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên dẫn đến hệ thống hạ tầng đô thị hư hại, nhiều khu xuống cấp nghiêm trọng, một số nhà hư hỏng nặng, nguy hiểm an toàn kỹ thuật kết cấu công trình. Mặc dù vậy, cho đến nay, Hà Nội mới chỉ cải tạo, xây dựng lại được 18 chung cư (hơn 1%); kiểm định được khoảng 400 chung cư cũ.
Nguyên nhân của việc cải tạo chung cư cũ vẫn giẫm chân tại chỗ hàng chục năm qua chủ yếu do ba nhóm: người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương chưa tìm được tiếng nói hài hòa, thống nhất. Theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, hiện có 19 doanh nghiệp được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội với nhiều đơn vị có tiềm lực kinh tế. Việc các doanh nghiệp đồng ý tham gia lập quy hoạch cải tạo chung cư cũ là tín hiệu đáng mừng, có thể tạo bước ngoặt, tuy nhiên theo các chuyên gia, cơ chế về cải tạo chung cư cũ đưa ra quá nhiều ràng buộc, dẫn đến không giải quyết được. Thí dụ, người tái định cư phải được hơn diện tích ban đầu, nhưng mặt khác theo quy hoạch chung của Thủ đô, thì trong nội đô các khu chung cư cũ không được xây cao tầng. Mà không được xây cao tầng thì các doanh nghiệp đầu tư không có lãi.
Theo đại diện UBND quận Ba Ðình, nơi có ba khu chung cư “đất vàng” là Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh vừa được đề xuất cải tạo lại, cho biết, chiều cao tối đa khi cải tạo lại các chung cư trên địa bàn quận là 21 tầng, bởi vậy nhiều doanh nghiệp không mặn mà tham gia.
Ðược tái định cư tại chỗ, được sống ở không gian rộng rãi, tiện nghi hơn, song một “nút thắt” quan trọng cần được gỡ trong các dự án cải tạo chung cư cũ đó là hệ số đền bù. Ðây được xem là nguyên nhân lớn khiến nhiều khu tập thể cũ xuống cấp nghiêm trọng vẫn không thể tiến hành cải tạo trong thời gian qua.
Ðể cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ, TP Hà Nội đang tiếp tục đẩy nhanh tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ trên địa bàn; nghiên cứu định hướng giải pháp quy hoạch theo khu chung cư cũ, nhóm chung cư cũ và các chung cư cũ độc lập nhằm phát huy tối đa giá trị quỹ đất, khai thác hiệu quả kinh tế và tính khả thi dự án. Bên cạnh đó, thành phố cũng giao cơ quan chức năng lập kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ.
Theo các chuyên gia kinh tế, đối với các chung cư bị khống chế tầng cao, thì có thể tính phương án trả lợi nhuận cho doanh nghiệp bằng cách khai thác các dịch vụ, thương mại một cách lâu dài. Chứ không chỉ đơn thuần là xây cao lên, bán số căn hộ còn lại, sau khi đã trừ đi phần căn hộ trả lại cho người dân, để tìm kiếm lợi nhuận.
Mới đây, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng Ðề án khung, cơ chế chính sách cải tạo chung cư cũ, mang tính tổng thể hơn. Không chỉ đề xuất cơ chế chính sách mà cả giải pháp. Ðặc biệt, Hà Nội đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo để chỉ đạo xuyên suốt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt để giải quyết được các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết đã có khung pháp lý rất rõ ràng đối với hoạt động tái thiết các khu chung cư cũ, Chính phủ cũng rất ủng hộ chủ trương thực hiện dứt điểm từng khu để đem lại bộ mặt khang trang cho các đô thị, vì sự an toàn của người dân.
Nguyễn Lê/Báo Nhân dân